Kinh tế

Trái cây vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu

Trong 7 tháng của năm 2016, mặt hàng trái cây xuất khẩu đạt 1,27 tỷ USD. Dự kiến lần đầu tiên, Việt Nam sẽ đạt mức xuất khẩu mặt hàng này trên 2,5 tỷ USD/năm, vượt qua cả lúa gạo. Nhiều thị trường cũng ngày càng quan tâm và mở cửa cho mặt hàng trái cây Việt.

Đồng Nai cần quy hoạch vùng chuyên canh để giữ và phát triển diện tích chôm chôm Java cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Chôm chôm Java Long Khánh đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Đồng Nai cần quy hoạch vùng chuyên canh để giữ và phát triển diện tích chôm chôm Java cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Chôm chôm Java Long Khánh đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Tuy nhiên, để nắm được cơ hội này, việc xây dựng vùng nguyên liệu trái cây đáp ứng cả về sản lượng và chất lượng phải được quan tâm thực hiện ngay.

* Kỳ vọng thêm thị trường

Trong tháng 7, Tập đoàn Central Group đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức “Tuần lễ quảng bá hàng Việt Nam tại Thái Lan” tại Central World - trung tâm mua sắm lớn nhất tại Bangkok, giới thiệu những mặt hàng Việt Nam đang bán tại hệ thống siêu thị Central Group ở Thái Lan và hàng hóa của 20 doanh nghiệp (DN) Việt. Ông Shudhitham Chirathivat, đại diện của Central Group, cho biết: “Đây là cơ hội lớn để công ty chúng tôi giới thiệu nền văn hóa và sản phẩm của người Việt đến với người dân Thái Lan và thể hiện rõ quyết tâm giúp DN Việt vươn ra thị trường thế giới thông qua mạng lưới phân phối rộng lớn của công ty chúng tôi. Hiện chúng tôi đang đại diện cho 70 nhà cung cấp Việt Nam thuộc các ngành nông nghiệp, công nghiệp và hàng tiêu dùng, giúp các DN xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia”.

Được thành lập vào năm 2011, Văn phòng xuất khẩu và cung ứng Central Group Việt Nam vẫn đang tiếp tục hỗ trợ, quảng bá hàng Việt Nam đến thị trường quốc tế. Và tín hiệu vui là vừa qua, Tập đoàn TCC của Thái Lan đã xuất khẩu 100 tấn thanh long đầu tiên của Việt Nam bán tại hệ thống siêu thị BigC Thái Lan. Sự phản hồi tích cực của người tiêu dùng đã mang lại kỳ vọng sẽ tăng sản lượng xuất khẩu thanh long và một số mặt hàng trái cây khác của Việt Nam vào thị trường này. 

Theo một số tiểu thương mua thanh long tại Đồng Nai, vài năm trở lại đây DN bắt đầu đặt hàng trái thanh long ruột đỏ xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy sản lượng còn thấp nhưng bắt đầu có đều đơn hàng với sản lượng ngày càng tăng, vì yêu cầu của thị trường này khắt khe hơn cả về chất lượng và hình thức nên một số thương lái sẵn sàng ứng một phần vốn đặt hàng trước cho nông dân.

Thời gian gần đây, nhiều thị trường khó tính, như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang bắt đầu mở cửa cho mặt hàng trái cây Việt Nam. Không chỉ trái thanh long mà thị trường xuất khẩu đang rộng cửa cho nhiều mặt hàng khác, như: chôm chôm, chuối, xoài, vải thiều…Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ, thương mại, du lịch Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), cho biết: “Hiện hợp tác xã đã có một số đối tác đặt hàng ngàn tấn xoài xuất khẩu vào Nhật Bản và Úc trong vụ tới. Chúng tôi đang có kế hoạch liên kết với các câu lạc bộ xoài năng suất cao để mở rộng thêm khoảng 120 hécta xoài nhằm nâng tổng diện tích của hợp tác xã lên 270 hécta, đáp ứng phần nào nhu cầu của thị trường xuất khẩu”.

* Chuẩn bị vùng nguyên liệu

Hai loại chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (chôm chôm Java) của Long Khánh vừa được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Trong đó, trái chôm chôm Java sau quá trình đưa những lô hàng thử nghiệm vào Pháp và vượt qua được những bước kiểm tra, thử nghiệm khắt khe, đối tác đã đặt vấn đề bao tiêu mặt hàng này lâu dài với sản lượng lớn để xuất đi Pháp với yêu cầu duy nhất là Đồng Nai xây dựng được vùng nguyên liệu chỉ chuyên canh riêng cây chôm chôm Java. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là những năm gần đây hàng trăm hécta chôm chôm thường, trong đó có giống Java đã bị chặt bỏ để thay bằng giống chôm chôm Thái đang cho lợi nhuận cao hơn hẳn.

Đóng gói chuối xuất khẩu tại huyện Trảng Bom.
Đóng gói chuối xuất khẩu tại huyện Trảng Bom.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, tiểu thương chuyên thu mua chôm chôm tại TX.Long Khánh, so sánh: “Chôm chôm Thái bán ra luôn có giá gấp đôi, có thời điểm gấp 3-4 lần so với chôm chôm thường. Từ đầu mùa đến nay, chôm chôm thường lên xuống thất thường nhưng chôm chôm Thái luôn bán được trên 20 ngàn đồng/kg. Chính vì vậy, nhiều nông dân vẫn đang tiếp tục chặt chôm chôm thường thay bằng giống Thái”. Hiện nay, chôm chôm Thái chủ yếu chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa; rủi ro về đầu ra sẽ bão hòa, dội chợ, rớt giá là điều khó tránh khỏi cùng với việc chôm chôm Thái đang tăng “nóng” về diện tích.

Ngoài chôm chôm, Đồng Nai không thiếu các sản phẩm trái cây có diện tích lớn, có cơ hội tham gia xuất khẩu, như: xoài, chuối, bưởi, thanh long... Một số DN, đơn vị đang triển khai các dự án cánh đồng lớn phục vụ cho thị trường xuất khẩu, như: Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (huyện Tân Phú) với dự án cánh đồng lớn cây chuối xuất khẩu vào Nhật Bản, Hàn Quốc; Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai cũng đang hợp tác với Hàn Quốc dự án trồng chuối xuất khẩu tại huyện Xuân Lộc; Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch xoài Phú Lý đang tìm nhà đầu tư xây dựng cánh đồng lớn cho cây xoài tại huyện Vĩnh Cửu... Đã đến lúc, ngành nông nghiệp Đồng Nai cần quan tâm quy hoạch, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái đáp ứng cả về sản lượng và chất lượng đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,975,183       1,185