Kinh tế

ASEAN tăng tốc đầu tư vào Đồng Nai

Gần 4,24 tỷ USD là số tiền mà các nước trong khối ASEAN đã đầu tư vào Đồng Nai trong những năm qua. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, nguồn vốn các nước ASEAN đổ vào tỉnh tăng gấp hơn 2 lần so với những năm trước.

Chế biến thực phẩm tại Tập đoàn C.P (Thái Lan).
Chế biến thực phẩm tại Tập đoàn C.P (Thái Lan).

Các nước trong khối ASEAN tăng nhanh đầu tư vào Đồng Nai được cho là để nắm bắt các lợi thế từ Cộng đồng kinh tế ASEAN, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và sắp ký kết. Đồng thời, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, nơi có khu công nghiệp phát triển hoàn chỉnh, tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng, thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy và tới đây là hàng không.

* Singapore và Thái dẫn đầu

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, đến ngày 28-7-2016 có 6 quốc gia của ASEAN đầu tư vào tỉnh với tổng vốn gần 4,24 tỷ USD là: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines. Trong đó, 2 quốc gia có vốn đầu tư lớn là Singapore gần 2 tỷ USD với 50 dự án, Thái Lan 1,4 tỷ USD với 37 dự án. Các dự án có vốn lớn của Singapore và Thái Lan phần lớn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, nông nghiệp.

Thái Lan xếp thứ 2 trong khối ASEAN đầu tư vào Đồng Nai, nhưng người Thái rất thận trọng, chọn thời điểm mở rộng “tăng tốc” trong đầu tư nên tương đối thành công. Đơn cử, Tập đoàn Amata sau khi đầu tư thành công với Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu của cả nước, sau 20 năm mới đầu tư tiếp Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, 2 dự án khu đô thị Long Thành có tổng vốn khoảng 635 triệu USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), đến cuối tháng 7-2016, có 3.040 dự án từ các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 64,5 tỷ USD. Các dự án của các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung lĩnh vực chế biến, chế tạo, bất động sản, xây dựng. Những dự án của các nước thuộc ASEAN chủ yếu đầu tư ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai.

Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam, khẳng định: “Tôi quyết định đầu tư thêm Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành và hy vọng khi đi vào hoạt động sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Gần dự án khu công nghiệp công nghệ cao, Tập đoàn Amata triển khai thêm 2 dự án khu đô thị”. Với lợi thế gần đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, gần Sân bay Long Thành trong tương lai, Tập đoàn Amata nắm chắc phần thắng trong tay khi thực hiện các dự án trên.

Dự án khu đô thị Waterfront với tổng vốn 750 triệu USD, quy mô gần 367 hécta tại xã Long Hưng (TP.Biên Hòa). Nguồn vốn đầu tư là liên doanh giữa Singapore và Việt Nam. “Dự án Waterfront do Donacoop cùng góp vốn với nhà đầu tư Singapore để làm. Đây là một trong 6 dự án nằm trong khu đô thị mới Long Hưng đang triển khai và khi hoàn thành sẽ tạo thành một đô thị cao cấp khép kín”. Dự án Hoa Sen Đại Phước ở cù lao Ông Cồn (xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) được quy hoạch trên diện tích khoảng 200 hécta với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD. Dự án nằm trong tổng thể khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước rộng 465 hécta. Chủ đầu tư là Tập đoàn VinaCapital (Singapore) và Công ty đầu tư phát triển xây dựng (DIC)...

* Tiếp tục “hút” vốn

Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành được doanh nghiệp ngoại chọn đầu tư mới và mở rộng sản xuất nhiều nhất.

Ông Sofian Akmal Abd. Karim, Tổng lãnh sự Malaysia tại TP.Hồ Chí Minh, cho hay: “Một số doanh nghiệp Malaysia đầu tư vào Đồng Nai lĩnh vực giấy và gỗ khá thành công. Hiện nhiều doanh nghiệp Malaysia đang muốn đầu tư mới vào tỉnh trên lĩnh vực du lịch, bất động sản, điện tử và viễn thông”. Sở dĩ nhiều doanh nghiệp ASEAN chọn Đồng Nai vì tỉnh có nhiều lợi thế hơn các tỉnh, thành khác về giao thông, công nghiệp hỗ trợ phát triển... “Có những tập đoàn lớn của Thái Lan chọn Đồng Nai là nơi đặt chân đầu tiên. Sau khi hoạt động hiệu quả, các tập đoàn trên mới mở rộng đầu tư ra những tỉnh thành khác. Đồng Nai có tiềm năng để phát triển kinh tế nên thời gian tới doanh nghiệp Thái Lan đến với tỉnh sẽ tăng hơn nữa trên nhiều lĩnh vực” - bà Ureeat Ratanaprukse, Tổng Lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Tại Đồng Nai, tính đến đầu tháng 8-2016, có hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Các tập đoàn lớn trên thế giới, bao gồm trong khối ASEAN, hầu hết đều có đầu tư vào Đồng Nai.

Để có môi trường đầu tư tốt thu hút các doanh nghiệp trong khối ASEAN cũng như doanh nghiệp ngoại, tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại trên nhiều lĩnh vực nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng chú ý cải cách thủ tục hành chính, công khai các thủ tục hồ sơ trên mạng, rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ đầu tư, thuế, hải quan... Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho biết: “Những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh gặp vướng mắc có thể gọi điện thoại, gửi email hoặc đăng ký làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh để được tháo gỡ. Nếu vướng mắc thuộc thẩm quyền cao hơn, tỉnh sẽ kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ giải quyết”.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,975,218       1,245