Kinh tế

Dệt may lo đường xa

Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đồng Nai 4 tháng đầu năm 2016 đạt gần 543 triệu USD, chỉ tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước và đang có dấu hiệu chậm lại. Hàng dệt may của Đồng Nai và cả nước đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc, Ấn Độ.

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai (TP.Biên Hòa).
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai (TP.Biên Hòa).

Theo Sở Công thương, giày dép, dệt may và sản phẩm gỗ là 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai. Thế nhưng, trong 4 tháng đầu năm 2 ngành giày dép, sản phẩm gỗ đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trên 16% so với cùng kỳ năm trước, còn dệt may lại không đạt như kỳ vọng.

* Cạnh tranh khốc liệt

Dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ là những ngành được dự báo hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký kết. Nhưng thực tế, tăng trưởng ngành dệt may đang chậm lại vì những khó khăn do chi phí đầu vào tăng quá nhanh, trong khi hàng xuất khẩu giá lại giữ nguyên. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu dệt may lại chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của hàng giá rẻ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Hầu hết doanh nghiệp (DN) dệt may xuất khẩu tại Đồng Nai đều khẳng định ngành dệt may đang dần yếu thế so với một số nước trong khu vực.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai, cho hay: “Chi phí đầu vào cho ngành may mặc trong nước tăng nhanh, trong khi hàng xuất khẩu giá vẫn giữ nguyên dẫn đến lợi nhuận của DN bị giảm sút. Thị trường xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam gần đây phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng của Trung Quốc và Ấn Độ”. Cũng theo ông Kích, mới đây Trung Quốc có chính sách giảm đóng tiền bảo hiểm xã hội, giúp DN bớt được chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm nên sức cạnh tranh tăng cao, còn phía Việt Nam chi phí đầu vào những năm gần đây chỉ có tăng, không giảm.

Thực tế, ngành dệt may của Việt Nam phần lớn vẫn nằm trong tay các DN nước ngoài. DN trong nước ở lĩnh vực dệt gần như vắng bóng, chỉ còn ở may mặc song số đông là may gia công theo yêu cầu của đối tác nước ngoài, số DN Việt tự sản xuất hàng hóa mang thương hiệu riêng của mình xuất khẩu chưa nhiều.

“Hàng may mặc của Ấn Độ, Trung Quốc tại nhiều thị trường đã lấn lướt hàng Việt vì có ưu thế giá rẻ do chủ động và có sẵn nguồn nguyên liệu, còn Việt Nam thì phải nhập khẩu nguyên liệu từ 60-90%. Hai nước trên còn thêm lợi thế lao động có năng suất rất cao, trong khi năng suất lao động của Việt Nam lại rất thấp” - ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến, nói.

* Nhọc nhằn đường xa

Dù Việt Nam có lợi thế hơn một số nước là tham gia hội nhập sâu nhanh với nhiều FTA thế hệ mới được ký kết, giúp DN dệt may giảm thuế xuất nhập khẩu. Một số FTA đã có hiệu lực, giúp thuế xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang các thị trường, như: Hàn Quốc, Chile, Nhật Bản, ASEAN... giảm sâu, giúp DN hạ được chi phí. Nhưng so với nguyên liệu đầu vào tăng khá nhanh, thì thuế giảm không bù lại được khiến DN dệt may trong nước vẫn “hụt hơi”.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa có những kiến nghị Chính phủ nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục trực tuyến giảm chi phí, thời gian đi lại cho DN dệt may. Đồng thời, Chính phủ nên đầu tư phát triển dịch vụ logistics, giảm chi phí vận chuyển cho DN. Tuy nhiên, bên cạnh việc đợi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các DN dệt may phải nâng mình lên bằng cách tính toán đầu tư cho phù hợp, đẩy cao năng suất và người lao động ngành này cũng phải ý thức nâng cao tay nghề để tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai, cho hay: “Hàng may mặc của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nga và châu Âu cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng của các nước. Nếu 5-10 năm nữa khi lợi thế của các FTA qua đi, năng suất lao động của Việt Nam không nâng lên bằng các nước trong khu vực và chi phí về logistics không giảm, DN dệt may Việt Nam sẽ bị thu hẹp”. Ông Trí chia sẻ thêm, hiện tại công ty đã lên kế hoạch cho 5-10 năm tới sẽ đầu tư máy móc, đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân để tăng năng suất, cắt giảm một số chi phí. Nhưng ông cho rằng phía Chính phủ cần hỗ trợ DN dệt may bằng những chính sách thiết thực hơn về vốn vay thông tin cụ thể các thị trường, ngành hàng và tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại. Khoảng 3-5 năm tới, gia công hàng may mặc cho các đối tác nước ngoài dự kiến giá ít thay đổi, nên những chi phí đầu vào khác tại Việt Nam, gồm: điện, nước, tiền lương, bảo hiểm lao động, vận chuyển... nếu tiếp tục tăng nhanh như thời gian qua, xuất khẩu dệt may sẽ chậm lại vì sức cạnh tranh giảm.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,007,124       57