Thời cuộc

Công chúa Arab Saudi 'mất tích' sau khi chỉ trích hoàng gia

Sau khi biến mất 7 tháng trước, Công chúa Basmah bint Saud được cho là đang bị quản thúc tại gia vì bất đồng ý kiến với Thái tử Mohammed bin Salman.

Cuối năm ngoái, chuyến bay đến Geneva, Thụy Sĩ, của Công chúa Basmah bint Saud kiêm nữ doanh nhân và nhà hoạt động nhân quyền, đột nhiên bị chặn lại. Sau đó, cô bị bắt vào tháng 3 năm nay "vì nghi ngờ bỏ trốn khỏi đất nước", theo trang tin Deutsche Welle của Đức.

Basmah và con gái lớn của cô hiện được cho là bị giám sát 24/7 tại nhà riêng ở thủ đô Riyadhsau khi đưa ra những chỉ trích chế độ của Arab Saudi, đối đầu với chính quyền của Thái tử, Phó thủ tướng thứ nhất Mohammad bin Salman.

Công chúa Basmah bit Saud, con gái út của cựu quốc vương Saud bin Abdulaziz Al Saud. Ảnh: IYF.

Công chúa Basmah bint Saud, con gái út của cựu quốc vương Saud bin Abdulaziz Al Saud. Ảnh: IYF.

Trước đó, công chúa được sự cho phép của chính quyền Saudi để bay tới Geneva vào tháng 12/2018. Nhưng máy bay của cô đã không bao giờ cất cánh. Kể từ đó, người phụ nữ 55 tuổi, mẹ của 5 đứa con, "biến mất" khỏi những nơi công cộng. Luật sư một thời của Công chúa Basmah, Leonard Bennett, cho rằng hành trình tới Geneva của công chúa đã bị ngăn cản. "Cô ấy biến mất, không ai biết cô ấy ở đâu. Chúng tôi thực sự lo sợ điều tồi tệ nhất có thể xảy ra", Leonard nói với DW.

Theo Leonard, công chúa cuối cùng cũng trả lời điện thoại, nhưng "nghe giọng điệu rất giống một con tin". Vị luật sư này không rõ liệu khi nào mới có thể gặp lại công chúa. Trong khi đó, một nguồn tin nặc danh gần gũi với Basmah cho biết: "Công chúa không thể nói chuyện thoải mái vì các thiết bị thông tin liên lạc của cô ấy đang bị theo dõi".

"Họ (chính quyền Arab Saudi) đã điều tra xem liệu công chúa có thực sự bỏ trốn không. Thông tin bỏ trốn đã được chứng minh là sai lệch nhưng chúng tôi không biết tại sao cô ấy vẫn bị giam giữ", nguồn tin thân cận nói thêm.

Công chúa Basmah nhiều lần xuất hiện trên truyền thông để phát biểu ủng hộ nhân quyền. Ảnh: CHRISTOPHER PLEDGER.

Công chúa Basmah nhiều lần xuất hiện trên truyền thông để phát biểu ủng hộ nhân quyền. Ảnh: CHRISTOPHER PLEDGER.

Công chúa Basmah là con gái út của Vua Saud, người trị vì Arab Saudi từ năm 1953 đến 1964. Đầu những năm 1980, cô theo học ngành y, tâm lý và văn học Anh tại Đại học Arab Beirut. Basmah bắt đầu sự nghiệp báo chí năm 2006, thành lập công ty truyền thông Media Ecco năm 2008 và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng có tên "Con đường thứ tư", trong đó đặt ra bốn yếu tố cần thiết cho sự tiến bộ của nhân quyền, bao gồm: an ninh, tự do, bình đẳng và giáo dục.

Sau khi ly hôn năm 2010, Công chúa Basmah chuyển đến London, nơi cô tạo ra The Lanterns - mạng lưới nhân đạo toàn cầu tuyên bố kết nối mọi người và các tổ chức nhằm phấn đấu vì một thế giới bình đẳng hơn. Công chúa thường xuyên viết các bài báo về tiến bộ nhân quyền và chủ nghĩa nhân đạo trên các tờ Arab như al-Medina, al-Hayat và al-Ahram. 

Nói với tờ The Independent trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, Basmah cho biết hoàng gia Arab Saudi có 15.000 thành viên nhưng chỉ 2.000 người trong số đó giàu có. "2.000 người ấy là triệu phú, nắm trong tay tất cả quyền lực, tiền bạc và không ai có thể hé răng chống lại điều đó vì sợ sẽ mất đi những gì đang có", Basmah tiết lộ.

Năm 2013, Basmah từng tuyên bố bị tống tiền hơn 400.000 USD vì chống đối chế độ Saudi. Khi đó, một người trong hoàng gia tầm 30 tuổi đã dọa Basmah nếu không trả tiền sẽ tung video cô hút thuốc và không dùng khăn che đầu - điều cấm kỵ trong luật ở vương quốc theo đạo Hồi.

Kể từ cuộc trả lời phỏng vấn với BBC tiếng Arab vào tháng 1/2018, kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Yemen, Công chúa Basmah đã không còn xuất hiện trên bất kỳ phương tiện truyền thông lớn nào nữa.

Trò chuyện với DW, Madawi al-Rasheed, một chuyên gia về chính trị Arab và hoàng gia tại trường Kinh tế London, tin rằng chính những hoạt động tích cực của Basmah có thể đã khiến cô gặp rắc rối. "Họ có thể đã bắt cô ấy, cho quản thúc tại gia hoặc giam giữ để ngăn cô ấy bỏ trốn", Madawi nhận định. Tuy nhiên, Madawi không cho rằng Thái tử Mohammad bin Salman là người đứng sau vụ bắt giữ.

"Tôi không nghĩ một ai đó dưới quyền làm chuyện này nhằm làm hài lòng Thái tử. Họ có thể làm chuyện này với người khác - nhưng không phải với một công chúa", Madawi nói thêm.

Thái tử Mohammed bin Salman (sinh năm 19850, Phó Thủ tướng thứ nhất của Ả-rập Xê-út và là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trẻ nhất thế giới.

Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: Rex.

Mohammad bin Salman (sinh ngày 31/8/1985) được phong làm thái tử của Arab Saudi vào tháng 6/2017 sau khi vua cha quyết định phế truất tất cả cương vị của người anh Muhammad bin Nayef.

Ông Salman giữ vai trò quan trọng trong chính phủ, là Phó thủ tướng thứ nhất đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng Arab Saudi.

Tùng Anh (Theo Business Insider, Newsweek, Telegraph)

NgoiSao.net

công chúa Arab Saudi, Basmah bint Saud, Arab Saudi, Thái tử Mohammed bin Salman, hoàng gia Arab Saudi, công chúa mất tích - Công chúa Arab Saudi 'mất


      © 2021 FAP
        982,550       40