Thời cuộc

Nỗi đau người mẹ giam nhốt 3 đứa con tâm thần

Ngoài 60 tuổi, bà Lựu vẫn từng ngày vật lộn với cuộc sống để lo cho những đứa con bệnh tật, tâm thần.

Bà Lê Thị Lựu (phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) sống trong một căn nhà xập xệ cùng 3 đứa con tâm thần: "Nhìn ba đứa hắn ngủ thì thấy hiền, thấy tội mà thức dậy là la hét, đập phá ai cũng sợ".

Đã 61 tuổi, nhưng hằng ngày bà Lựu vẫn ra chợ bán từng mớ rau, kiếm tiền nuôi ba người con bị tâm thần. Bà con ở chợ đã quá quen thuộc với hình ảnh bà lầm lũi đạp chiếc xe đạp cũ đến chợ. Bất kể dù nắng hay mưa, bà vẫn “bám” lấy chợ từ sáng sớm đến tối khuya mới về.

Bà Lanh, một người buôn bán cùng chợ, chia sẻ: "Nhà cô ấy tội lắm, ở đây ai cũng thương. Nhưng mình cũng nghèo nên không giúp được gì.

noi-dau-nguoi-me-giam-nhot-3-dua-con-tam-than

Bà Lựu cùng 3 người con bị tâm thần.

Bà Lựu khi còn trẻ luôn mong có được một gia đình nhỏ hạnh phúc, yên ấm đầy tiếng cười trẻ thơ. Bà yêu một người đàn ông hiền lành cùng thôn, cả hai đều tính đến chuyện hôn nhân. Chồng bà khi đó vốn mang bệnh tâm thần nhẹ, cuộc hôn nhân vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình. Nhưng vì tình yêu thương bà quyết tâm kết hôn bỏ mặc những lời can ngăn.

Sau đám cưới, vợ chồng bà chào đón một bé gái khỏe mạnh, bụ bẫm. Niềm vui chưa được tày gang thì tai ương ập tới, 3 người con được sinh ra sau đó lần lượt đều có dấu hiệu bị tâm thần. Gia đình vốn nghèo khó nay lại càng túng quẫn hơn khi phải lo chạy chữa thuốc thang cho con. Một thời gian sau, chồng bà qua đời vì bạo bệnh. Bà vẫn gắng sống để chăm lo cho 4 đứa con thơ dại, bệnh tật.

noi-dau-nguoi-me-giam-nhot-3-dua-con-tam-than-1

Bà phải xây một phòng riêng nhốt 3 người con lại lúc chúng không được tỉnh táo.

Đến nay, con gái đầu lòng là Phùng Thị Đào đã có gia đình riêng; con trai thứ hai là Phùng Hồ Chánh (34 tuổi) suốt ngày la hét, lơ ngơ không biết đường về, bà Lựu phải thuê người xây phòng nhốt con lại. Người con thứ ba là Phùng Thị Lê (28 tuổi) cũng chỉ biết vệ sinh cá nhân; còn con út là Phùng Hồ Viên (24 tuổi) bị nhẹ hơn, vẫn có thể chở được rau ra chợ giúp bà khi tỉnh táo.

Dù đã ở cái tuổi 'gần đất xa trời' nhưng hàng ngày, từ 4 giờ sáng bà Lựu đã đi bán rau, đứa con gái thứ ba cũng theo mẹ ra chợ xin ăn, ai cho gì đều lấy. Đến trưa, bà về nhà cho ba người con ăn, tranh thủ dọn dẹp, vệ sinh cá nhân cho con, rồi lại ra bán chợ chiều. Chập tối, bà Lựu trở về sau một ngày lao động với khoản tiền 30 nghìn đồng bán rau. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo tàn tật, khó khăn, số tiền trợ cấp của ba người con mỗi tháng và tiền bán rau cũng chỉ đủ cho bà trang trải cuộc sống qua ngày.

noi-dau-nguoi-me-giam-nhot-3-dua-con-tam-than-2

Hàng ngày, để có tiền lo bữa cơm cho con, người mẹ già phải tất bật bán rau ngoài chợ từ sáng tới chập tối.

Bà Lựu mang trong mình nhiều bệnh tật của tuổi già nhưng không có tiền chạy chữa. “Nhiều khi tui đau mà không dám lấy thuốc uống, sợ con cái đói ăn nên đành để bệnh vậy. Tui sợ mai này kiệt sức rồi ngã xuống đất, lấy ai đút cơm cho con ăn, lấy ai giặt quần áo cho con, ba đứa hắn sẽ sống dựa vào ai? Sống làm răng?”, bà Lựu chia sẻ.

Căn nhà nơi bốn mẹ con bà Lựu sinh sống đã xuống cấp trầm trọng. Tường nhà mục nát, bong tróc và nứt nẻ. “Cả cuộc đời tui chỉ mong sao mẹ con có được gian nhà cấp bốn, chỉ cần vừa đủ cho mẹ con che mưa, che nắng là tui vui lắm rồi. Cũng an tâm sau ni có chết con cái có chỗ ở đàng hoàng”.

Theo VTC

NgoiSao.net

mẹ già, nuôi 3 con tâm thần, xây phòng nhốt con - Nỗi đau người mẹ giam nhốt 3 đứa con tâm thần


      © 2021 FAP
        1,004,064       31