Thời cuộc

Những đứa trẻ bị bố mẹ chối bỏ tại bệnh viện

Có những lời ru cất lên từ bệnh viện mà người hát là nhân viên y tế. Các bác sĩ gọi đó là 'lời ru mồ côi' dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi.

Chiều một ngày đầu tháng tư, tiếng ru ấy như thường lệ, cất lên từ khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai). Người ầu ờ là một nữ điều dưỡng chừng ngoài đôi mươi. Trước mặt chị là xấp hồ sơ bệnh án chờ hoàn tất, tay phải cầm viết hí hoáy, tay trái là một cậu bé xanh xao.

IMG-2914-JPG-6606-1428367681.jpg

Một hình hài xinh xắn bị bố mẹ chối từ khi mới lọt lòng được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 nuôi nấng. Ảnh: Thiên Chương

Giương đôi mắt đen nhìn người bế, bé Bùi nặng 1,5 kg là trường hợp bị bố mẹ bỏ rơi chỉ sau một giờ đồng hồ nhập viện. “Bệnh nhi sinh non nhẹ cân được chẩn đoán suy hô hấp. Trong lúc chúng tôi đang cố gắng tiếp cho bé nguồn ôxy để thở thì mẹ của bé đã lặng lẽ ra đi”, nữ nhân viên y tế cho biết.

Vốn luôn chật kín với gần 40 trẻ bệnh nặng cần được chăm sóc, khoa Hồi sức tích cực sơ sinh của bệnh viện càng trở nên quá tải hơn bởi sự có mặt của gần 10 bé được người nhà mang đến đăng ký điều trị rồi lặng lẽ ra về bỏ các em ở lại. Trước đó trong năm 2014, khoa này cũng đã cùng lúc phải chăm sóc cho hơn 20 em.

“Chúng đều là những đứa bé mắc bệnh, cũng có bố mẹ hoặc người thân mang đến, cũng được làm hồ sơ nhập viện nhưng chỉ vài giờ sau khi làm hồ sơ thì thân nhân không còn nữa. Chúng tôi phát loa không thấy họ đâu. Riêng ngày 22/3 có đến 5 trường hợp như vậy”, bác sĩ Nguyễn Trọng Nơi, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai nói.

Nằm cạnh giường của Bùi là các bé khác. Vũ nhiễm trùng huyết, Mai sinh non chỉ nặng 700 gram, Nguyễn bị tim bẩm sinh... Bệnh tình khác nhau, nhập viện vào những ngày khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là từ nay không còn được biết cha mẹ ruột của mình là ai.

“Chúng tôi vẫn lưu lại đó địa chỉ và số điện thoại của gia đình các cháu. Nhưng khi liên lạc thì chúng tôi nhận được câu trả lời ngắn ngủi ‘tôi bỏ’ rồi cúp máy sau đó gọi lại không được. Quả thực đau lòng”, một bác sĩ nói.

Gia đình bỏ, nhưng bệnh viện không bỏ, những sinh linh bé bỏng sau khi được phát loa tìm kiếm người thân nhưng không thấy ai đến nhận đã được các cô các bác đặt tên. Cái tên trìu mến có khi xuất phát từ hình dáng của các bé như Bé Xíu, Bé Xinh, bé Huyền, bé Tuyết, cu Ngoan... Hoặc tên là chữ lót của mẹ, tên mẹ, tên bố, nhưng cũng có khi là Dậu, tên Mùi tùy vào bé bị bỏ lại vào giờ nào. Sau khi đặt tên, khoa liên lạc khoa Dinh dưỡng hoặc phòng Công tác xã hội của bệnh viện nhờ liên hệ với các mạnh thường quân để xin sữa, xin quần áo cho các bé.

“Cũng từ đó trên lịch phân công, ngoài công việc chuyên môn, ngoài việc chính, mỗi nhân viên y tế còn phải phụ trách việc cho bú và thay tã cho từng trẻ. Con số trẻ bỏ rơi ngày một tăng, có lúc đến hàng chục trẻ, nên nỗi vất vả của các nhân viên lại tăng lên bội phần”, đại diện khoa cho biết.

Nhiều điều dưỡng nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ bị bỏ rơi chưa hề lập gia đình nhưng trước sự thiếu vắng tình thương của các bé, các cô các chị vẫn coi chúng như con. “Có lúc các bé khóc tưởng chúng đói, nhưng không, chỉ cần các cô dỗ dành và bế ôm vào lòng là tiếng khóc dứt ngay. Chúng tôi đã nói đùa đây chính là phương pháp điều trị bằng hơi ấm”, một điều dưỡng tâm sự.

bo-roi-2690-1428370962.jpg

Rất nhiều bệnh viện có những đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh bị bỏ rơi vì hoàn cảnh gia đình. Ảnh: Thiên Chương

Không có nhiều trẻ bị bỏ rơi như Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai, song các bệnh viện tại TP HCM như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, Hùng Vương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định không lúc nào không có trẻ bị bố mẹ bỏ rơi.

“Bé này vừa được gửi đến trại trẻ mồ côi thì đứa khác lại bị bỏ rơi. Mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 10 trường hợp như thế và hầu hết các bé đều mang bệnh tật hoặc sinh non. Bố mẹ sau khi đưa con vào, nghe bác sĩ báo bệnh tình thì bỏ đi luôn không lời từ biệt”, thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, trưởng khoa Hồi sức sơ sinh cho biết. Khoa của bác sĩ Tâm cũng đang nuôi một bé gần 4 tháng tuổi - một trường hợp bệnh lý bị bố mẹ từ chối nuôi.

Là cơ sở y tế có số trẻ chào đời mỗi ngày cao nhất miền Nam, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ cũng luôn phải tiếp nhận trẻ bị bố mẹ chối từ. Khác với bệnh viện nhi, trẻ bỏ lại ở đây hầu hết lành lặn không mắc bệnh.

“Rất nhiều bé rất đáng yêu, cân nặng tốt nhưng vẫn bị bỏ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản phụ thường là mẹ có thai hoang, người bị phụ tình, chưa đến tuổi vị thành niên hoặc hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Khi chúng tôi gọi điện họ thường không bắt máy, hoặc có bắt máy thì chỉ khóc và nói lời xin lỗi. Tìm đến địa chỉ nhà như đã khai thì đó thường là địa chỉ ma”, bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, trưởng khoa Sơ sinh cho biết.

Hơn mười năm phụ trách khâu tiếp nhận và phân công chăm sóc trẻ bị bỏ rơi tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, chị Nguyễn Thị Ngọc Vinh cho biết, mỗi lần nhìn thấy trẻ bị bỏ rơi là mỗi lần rơi nước mắt.

“Làm sao không xót xa khi chứng kiến cảnh sinh linh bé bỏng cho ngón tay vào miệng khóc nằm một mình trên giường giương mắt như thể tìm kiếm người thân. Biết rằng ai cũng có nỗi niềm nhưng vẫn không thể không thương xót”, chị Vinh nói.

Theo quy trình nuôi giữ trẻ bị bỏ rơi, bệnh viện sẽ gọi điện liên lạc với phụ huynh, báo về công an địa phương, phát thông tin trên truyền hình, nếu không có người thân đến nhận, bé sẽ được chăm sóc tại bệnh viện đến khi cứng cáp thì báo lên công an để làm khai sinh rồi chuyển sang trại mồ côi. Tại đây những ai muốn xin con nuôi mới có quyền làm thủ tục chứ bệnh viện không thể giải quyết.

“Dường như trời cũng thương và bản thân chúng cũng biết thân biết phận. Trẻ bị bỏ rơi thường rất ngoan, bú giỏi và ít khóc. Nhiều bé khi bố mẹ bỏ còn nhỏ xíu chưa rõ nét nhưng đến khi chúng tôi làm thủ tục chuyển đi thì chúng đẹp lung linh. Càng nhìn chúng càng thấy thật buồn khi không biết số phận chúng sẽ về đâu”, chị Vinh tâm sự.

Thiên Chương

NgoiSao.net

Những đứa trẻ bị bố mẹ chối bỏ tại bệnh viện - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,165,184       1,559