Thời cuộc

Được phép mang thai hộ từ 2015

Người mẹ nhờ mang thai hộ phải có chứng nhận không thể sinh con còn người mang thai hộ phải là người thân thích của hai vợ chồng.

Chiều 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi được thông qua với tỷ lệ tán thành gần 60%, dù trước đó nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về những hậu quả khó lường nếu cho phép mang thai hộ.

Cụ thể, Luật quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản có công chứng và không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Tương tự điều kiện với người được nhờ mang thai phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

Từ năm 2015, Việt Nam chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Ảnh minh họa: Wedbmb.

Từ năm 2015, Việt Nam chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Ảnh minh họa: Wedbmb.

Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường và những dị tật của bào thai. Đồng thời vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Người nhờ mang thai phải có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường…

Vấn đề hôn nhân đồng tính được đưa vào phần quy định về điều kiện kết hôn trong luật. Cụ thể, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân cùng giới tính thay vì cấm kết hôn như trước đây.

So với dự thảo để xuất ban đầu, Luật được thông qua đã bỏ đi điều 16 quy định về việc chung sống giữa người cùng giới tính. Lý do, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là vì còn nhiều ý kiến khác nhau với vấn đề này.

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cho rằng, với việc bỏ quy định này, Luật Hôn nhân và Gia đình tiếp tục duy trì sự phân biệt đối xử với người đồng tính và gia đình họ, không bảo vệ được những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình có hai người mẹ hoặc hai người bố. Hàng triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành.

Theo ông, thực tế thái độ của người dân về vấn đề này đã có nhiều chuyển biến. Điều tra quốc gia về quan điểm của người dân do Viện Xã hội học, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường thực hiện năm 2013 cho thấy, 57% người dân ủng hộ các cặp đôi cùng giới có quyền nuôi con chung và 51% ủng hộ quyền sở hữu tài sản chung.

Dự kiến, từ 1/1/2015, Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) chính thức có hiệu lực.

VnExpress

NgoiSao.net

Được phép mang thai hộ từ 2015 - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,339,146       1,142