Thể thao

Tại sao bóng đá Việt cần 'Nhật Bản hóa'

Ông Miura qua dải đất hình chữ S và 'bắt mạch' điểm yếu để áp dụng phương pháp làm việc nghiêm túc, khoa học và kỷ luật.

Tuyển nữ Việt Nam có HLV người Nhật Bản Norimatsu Takashi. Các vị trí chuyên môn của bóng đá Việt Nam đang được “Nhật Bản hóa” tối đa. Tương tự như HLV Miura, ông Takashi được kỳ vọng đưa bóng đá nữ lên tầm cao mới, dù ông chưa có kinh nghiệm với bóng đá nữ.

taka-8390-1425523979.jpg

Tân HLV Takashi được kỳ vọng sẽ nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh: TN.

Tới Việt Nam với nhiều nghi ngại nhưng hiện nay, HLV Miura là “ngôi sao” với những gì thể hiện ở Asiad và AFF Cup 2014. HLV Miura dẫn dắt mọi việc theo mình, thay vì bị động theo những thói quen của người sống trong môi trường cũ. Ông Takashi cũng được kỳ vọng cũng làm nên điều này khi tới Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam tăng cường sự có mặt của các chuyên gia Nhật trên tuyến đầu các vị trí chuyên môn như HLV trưởng đội nam, nữ và sắp tới là cả ghế Giám đốc kỹ thuật, Giám đốc trung tâm đào tạo trẻ… HLV người Nhật Bản không phải những bậc thầy về chiến thuật, nhưng họ có nghệ thuật về phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, tính kỷ luật lao động - những yếu tố bóng đá nội cần lúc này. Thế nên, tuy HLV Miura chưa từng dẫn dắt đội tuyển quốc gia trước đây, HLV Takashi chưa hề làm bóng đá nữ nhưng họ vẫn có “đất dụng võ” tại Việt Nam.

Ông Miura qua dải đất hình chữ S và "bắt mạch" điểm yếu thể lực do lười chạy của cầu thủ. Bằng phương pháp làm việc nghiêm túc, khoa học và kỷ luật, ông buộc các cầu thủ thay đổi ý thức, tập cường độ cao và phục hồi phù hợp. Ông là tấm gương cho học trò trên sân bằng việc lao động cật lực, siêng năng và điểm tạo ấn tượng của thuyền trưởng 52 tuổi không nằm ở những mảng miếng cao siêu. 

miu-8103-1425523979.jpg

HLV Miura nhanh chóng 'bắt mạch' cho bóng đá Việt. Ảnh: TN.

Bóng đá nữ Nhật Bản đang ngự trị trên đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới và châu Á. Nhưng ông Takashi lại “trắng” về bóng đá nữ. Ông được chú ý ở việc từng thi đấu tại Brazil và Đức trong thời gian khá dài, sử dụng thành thạo khá nhiều ngôn ngữ như Anh, Đức và Bồ Đào Nha và "vừa học qua khóa huấn luyện bóng đá nữ".

Ông thầy sinh năm 1968 có thể đem tới phương pháp làm việc khoa học để tăng sức mạnh từng cá thể trên sân. Tương tự như bóng đá nam, ở trình độ như bóng đá nữ Việt Nam hiện tại, việc đặt nền móng vững chắc là điều rất quan trọng. 

Thử thách đầu tiên cho ông là giải giải vô địch Đông Nam Á diễn ra ở TP HCM từ ngày 1-10/5, sau đó là vòng loại thứ hai môn bóng đá nữ Olympic vào giữa tháng 9. 

Công việc đầu tiên của HLV Takashi là tới sân Thống Nhất, TP HCM chiều nay 5/3 để tuyển quân tại giải nữ quốc gia. Giải năm nay có 7 đội tham dự gồm Hà Nội I, Phong Phú Hà Nam, Than KSVN, Thái Nguyên, TP HCM, Hà Nội II, đội nữ trẻ Tao Đàn (TP HCM). Lượt đi kết thúc ngày 26/3 và lượt về bắt đầu ngày 12/7.

Ngọc Hà

NgoiSao.net

Tại sao bóng đá Việt cần 'Nhật Bản hóa' - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,045,384       777