Mặc dù sống chủ yếu trong môi trường nước nhưng một số loài cá sấu vẫn có khả năng leo trèo lên những cành cây cao.
Một con cá sấu ở sông Pearl, bang Mississippi đang sưởi năng trên cây. Ảnh: LiveScience |
Trong nghiên cứu, các chuyên gia thuộc Đại học Tennessee, Mỹ, đã quan sát các loài cá sấu ở châu Úc, châu Phi và Bắc Mỹ.
Nhóm chuyên gia cho biết, cá sấu Mỹ (Alligator mississippiensis) sống ở vùng châu thổ sông Pearl, bang Mississippi, có thể trèo lên cây ở độ cao khoảng 2-3 m. Các loài cá sấu ở châu Mỹ thường tắm nắng trên các nhánh cây hoặc rễ cây đước trong rừng ngập mặn ở độ cao khoảng một mét. Khi phát hiện có người đến gần, chúng sẽ lao xuống nước.
Theo Live Science, cá sấu nước ngọt ở châu Úc thường nằm phơi mình trên các cành cây thấp cả ngày lẫn đêm. Khi phát hiện bị tiếp cận, cá sấu sẽ lao xuống nước để trốn thoát.
Kỷ lục leo cây thuộc về loài cá sấu mõm dài và mảnh sống ở Trung Phi. Theo quan sát, chúng có thể trèo lên cây ở độ cao khoảng 4 m. Cá sấu sông Nile là loài cá sấu trèo cây lớn nhất với chiều dài cơ thể khoảng 2,5 m. Chúng thường leo lên những cành cây ở độ cao khoảng 0,5 m.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy bằng chứng về sự tiến hóa khả năng leo cây của cá sấu. Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu, khả năng này vẫn tồn tại ở một số loài nhất định.
Đặc điểm chung của những loài này là leo lên những nơi có nhiệt độ ấm hơn để tắm nắng. Cá sấu là loài động vật máu lạnh, do đó chúng không thể tự điều hòa thân nhiệt mà phải dựa vào các điều kiện bên ngoài như ánh sáng mặt trời. Đây cũng được coi là giải pháp giúp chúng tránh được các nguy cơ tiềm tàng từ bên ngoài, tự bảo vệ tính mạng và cải thiện tầm nhìn để bắt mồi.
Thùy Linh
Cá sấu biết trèo cây - VnExpress