TTO - Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới khi nào Bình Nhưỡng "có các động thái chắc chắn".
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui Yong báo cáo kết quả chuyến đi tới Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 9-3 - Ảnh: Reuters
"Điều kiện" mới được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Trump tuyên bố sẵn lòng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào tháng 5-2018.
Người Mỹ trước đó nói sẽ chỉ đàm phán với Triều Tiên khi và chỉ khi nước này từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Có vẻ như lời cam kết trước đó của nhà lãnh đạo Kim Jong Un rằng sẽ ngừng thử hạt nhân với điều kiện an ninh quốc gia được bảo đảm không chiếm được lòng tin của chính giới Mỹ.
Mơ hồ
"Tổng thống sẽ không có bất kỳ cuộc gặp nào nếu Triều Tiên không có các bước đi cụ thể và hành động chắc chắn" - thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 9-3 (giờ Mỹ).
Bà Sanders không nói rõ các "hành động chắc chắn" mà Bình Nhưỡng cần làm. Một quan chức Nhà Trắng sau đó cho hay Mỹ chưa có ý định đặt các điều kiện mới cho cuộc đối thoại giữa ông Trump và ông Kim Jong Un.
Còn với Tổng thống Trump, nói như Đài CNN, có vẻ như đã không kiềm chế được cảm xúc khi sắp trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ gặp một lãnh đạo Triều Tiên.
Tôi hi vọng Triều Tiên và Mỹ có thể bắt đầu việc liên lạc và tiến hành các cuộc đối thoại càng sớm càng tốt, cố gắng đạt được các kết quả tích cực Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình
"Thỏa thuận với Triều Tiên đang được xúc tiến và nếu hoàn tất sẽ là điều tốt cho cả thế giới. Thời gian và địa điểm sẽ sớm được xác định" - ông Trump viết trên Twitter cá nhân ngày 10-3.
Một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các cuộc đối thoại thực chất sẽ chỉ là một cuộc thảo luận sơ bộ về việc tổ chức các cuộc đàm phán trong tương lai.
"Hi vọng những cuộc thảo luận như vậy sẽ đi tới một kết luận rằng cả hai phía đã sẵn sàng để tham gia các cuộc đàm phán thực chất" - Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức nói trên.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner cảnh báo chính quyền Trump nên cân nhắc mọi thứ kỹ lưỡng: "Phải có đối sách đảm bảo rằng bất kỳ cuộc gặp hay đàm phán nào với ông Kim Jong Un sẽ mang lại kết quả thực chất chứ không phải kiểu cưỡi ngựa xem hoa, tới chụp hình rồi về, bởi điều đó sẽ chỉ làm tăng thêm tính chính danh cho chế độ nguy hiểm ở Triều Tiên".
Trung Quốc hối thúc, Triều Tiên im lặng
Theo Tân Hoa xã, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Donald Trump ngày 9-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định việc Mỹ theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán là một tín hiệu tích cực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm ngày 9-3 - Ảnh: REUTERS
Cuộc điện đàm được báo chí Mỹ tường thuật ngắn gọn: Chủ tịch Trung Quốc nhất trí "duy trì sức ép và các lệnh trừng phạt đến khi Triều Tiên có những bước đi cụ thể tiến tới phi hạt nhân hóa (trên bán đảo Triều Tiên) toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".
Quyết định của tổng thống Mỹ cũng đồng thời nhận được các tín hiệu trái chiều trên thế giới. Trong khi Thụy Sĩ, quốc gia trung lập ở châu Âu, tuyên bố sẵn sàng làm trung gian đối thoại Mỹ - Triều thì Pháp, một quốc gia đồng minh của Mỹ ở NATO, hối thúc Washington tiếp tục cứng rắn với Bình Nhưỡng.
Bất chấp các diễn biến hết sức sôi động đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên đến nay vẫn giữ im lặng.
Các phương tiện truyền thông chính thức của Bình Nhưỡng chỉ đưa tin về chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Hàn Quốc vào đầu tuần này.
Gần như không có thông tin gì về lời mời của ông Kim Jong Un tới Tổng thống Mỹ Trump hay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
"Điều đó cho thấy giới lãnh đạo ở Triều Tiên không chắc chắn về khả năng các cuộc gặp sẽ diễn ra" - giáo sư Shin Beom Chul thuộc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc nhận xét.
Vẫn tiếp tục các công việc kỹ thuật
Các chuyên gia lưu ý ngoài những hoạt động thử tên lửa và hạt nhân mà Triều Tiên cam kết sẽ tạm ngừng, vẫn còn nhiều công việc kỹ thuật khác Bình Nhưỡng có thể theo đuổi trong khi các nỗ lực ngoại giao diễn ra. Những công việc kỹ thuật có thể kể đến như sản xuất phụ tùng, làm giàu uranium cho chế tạo bom...