TTO - Một tổ chức môi giới thực tập cho sinh viên nước ngoài tại Nhật đang bị chính quyền điều tra hành vi ăn chặn tiền lương của nhiều sinh viên Việt Nam. Đây là một vụ án hiếm hoi mang tính chất này.
Sinh viên thực tập làm việc trong một cửa hàng tại Nhật - Ảnh: JAPAN TIMES
Theo báo Japan Times, tổ chức môi giới Hiệp hội Hữu nghị quốc tế Nhật Bản - châu Á bị cáo buộc ăn chặn gần 3 triệu yên (tương đương 28.000 USD) từ tiền lương đi làm của hàng chục nữ sinh viên Việt Nam.
Theo nhà chức trách, các bạn sinh viên nói trên được thuê làm việc trong các ryokan (nhà nghỉ kiểu truyền thống của Nhật) và các cơ sở lưu trú ở tỉnh Ishikawa và Fukui trong giai đoạn tháng 9-2016 đến tháng 5-2017.
Khi nhà tuyển dụng chuyển tiền lương cho nhân viên vào tài khoản ngân hàng của tổ chức môi giới, họ đã tự động trừ ra 100 yên/giờ gọi là "phí quản lý".
Hành vi ăn chặn bất hợp pháp đó đã giúp "Hội Hữu nghị" bỏ túi 2,96 triệu yên, theo văn phòng lao động tỉnh Fukui.
Ngày 9-3, văn phòng thanh tra lao động thuộc hai tỉnh Fukui và Ishikawa đã chuyển hồ sơ điều tra Hội Hữu nghị quốc tế Nhật Bản - châu Á và người đứng đầu tổ chức này là ông Toshihide Inoue (30 tuổi) cho bên công tố viên.
Báo Japan Times dẫn các nguồn tin điều tra cho biết các trường hợp bóc lột thực tập sinh bị chuyển cho công tố viên là rất hiếm.
Bào chữa cho hành vi của mình, ông Inoue - người đứng đầu tổ chức môi giới, trình bày số tiền "xén" của sinh viên được dùng để trang trải nhiều chi phí khác nhau, và ông không biết làm vậy là bất hợp pháp.
Hiệp hội Hữu nghị quốc tế Nhật Bản - châu Á được thành lập năm 2016 với mục đích thúc đẩy trao đổi quốc tế.
Tổ chức này thu xếp công việc thực tập cho sinh viên nước ngoài tại các khách sạn, cơ sở lưu trú của Nhật để có điều kiện học ngôn ngữ, văn hóa.
Sinh viên hoàn thành giai đoạn thực tập từ 6-12 tháng sẽ được nhận thêm tín chỉ tốt nghiệp.
Theo Công ty nghiên cứu Teikoku Databank, trong năm 2017 đã có 106 công ty ở Nhật buộc phải phá sản do thiếu nhân công, tăng thêm 34 công ty so với năm trước.
Để đáp ứng nhu cầu lao động không có tay nghề cung ứng cho các công trường xây dựng, thay vì mở rộng tiêu chuẩn xét nhập cư dài hạn, chính quyền Tokyo đã chọn một giải pháp gây nhiều tranh cãi là tuyển dụng thực tập sinh kỹ thuật.
Số lượng thực tập sinh kỹ thuật bình quân tăng 25% mỗi năm. Đến nay đã có 220.000 lao động đến từ Trung Quốc (nhiều nhất), Việt Nam và Philippines.
Lực lượng thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài rất cần cho công nghiệp, dệt may, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực xây dựng và chăm sóc sức khỏe.
Về mặt chính thức, thực tập sinh kỹ thuật được tuyển dụng đi Nhật để học nghề trong ba năm. Trên thực tế, một số người đã bị chủ doanh nghiệp Nhật lợi dụng.
Theo điều tra của báo Asialyst, nhiều lao động không có tay nghề người Việt Nam hoặc người Trung Quốc được tuyển dụng đi Nhật học nghề. Họ đã bị một số chủ doanh nghiệp xấu ép buộc làm việc quá giờ lao động hoặc trả lương rẻ mạt.
Các trường hợp o ép để không trả lương xảy ra trong ngành công nghiệp dệt may. Trong xây dựng, các vụ tai nạn lao động bị che giấu. Còn trong nông nghiệp, chuyện ép làm thêm giờ không trả thêm tiền xảy ra như cơm bữa.
Chủ lao động thường xén 1/3 tiền lương với lý do thanh toán tiền ở trọ. Rất nhiều trường hợp không đóng bảo hiểm.
Các thực tập sinh chẳng được dạy nghề gì cả mà chỉ làm công việc lặp đi lặp lại. Họ làm việc không có định mức lao động và bị trả lương rẻ mạt. Có nhiều hình thức lạm dụng như tịch thu hộ chiếu (nhằm tránh tình trạng bỏ đi), cắt xén lương, sa thải vô tội vạ, tấn công bằng vũ lực hoặc thậm chí là tấn công tình dục.
Chết vì bị bóc lột quá sức
Điều đáng buồn là các thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài đã bị bóc lột sức lao động đến mức đã có tối thiểu 27 thực tập sinh tử vong trong năm 2013-2014 và 30 thực tập sinh tử vong trong năm 2015-2016 theo số liệu của Nhật.
Trong 30% trường hợp, các thực tập sinh tử vong do tai nạn lao động hoặc tai biến mạch máu não. Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền Nhật, nguyên nhân do họ bị stress và làm việc quá sức.