TTO - Giữa những cảnh báo về khả năng "thất thường" của Bình Nhưỡng, Tổng thống Donald Trump vẫn tuyên bố đầy tự tin về cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 5 tới.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại cuộc mít-tinh chủ đề "Làm cho nước Mỹ vĩ đại lần nữa" tại TP Moon Township, bang Pennsylvania, tối 10-3- Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông tin rằng Triều Tiên "muốn thực thi hòa bình", đồng thời dự báo cuộc gặp đã được nhất trí giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào tháng 5 tới sẽ đạt "thành công lớn".
Phát biểu trước những người ủng hộ tại TP Moon Township bang Pennsylvania tối 10-3 (giờ địa phương), Tổng thống Trump đã công khai thông báo về cuộc gặp sắp tới với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, và nhấn mạnh: "Tôi nghĩ họ muốn thực thi hòa bình. Tôi cho là đã tới đến lúc rồi".
Tự tin sẽ đạt được thỏa thuận
Ông Trump cũng bày tỏ tin tưởng vào tuyên bố của Triều Tiên là "sẽ không phóng tên lửa" trong lúc hai bên tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử sắp tới và "họ dự tính phi hạt nhân hóa. Đó sẽ là điều tuyệt vời".
Sau khi đưa ra dự báo về hội nghị cấp cao Mỹ - Triều đầu tiên này, ông Trump cho rằng một thỏa thuận có thể đạt được với Triều Tiên là "điều rất tốt" đối với cộng đồng quốc tế.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thông báo cuộc gặp cấp cao Mỹ- Triều này đã nhận được sự ủng hộ lớn.
Một quan chức cao cấp ở Nhà Trắng cũng đã giải thích với hãng tin Reuters rằng sở dĩ Tổng thống Trump đã chấp nhật lời mời đối thoại là bởi chỉ có ông Kim Jong Un là "người duy nhất có thể đưa ra các quyết định như thế từ Bình Nhưỡng".
Vị này cũng giải thích rằng Nhà Trắng hi vọng sẽ có một thỏa thuận sau cuộc gặp vào tháng 5 tới nhưng ông Trump sẽ chỉ chịu ký vào thỏa thuận chấp nhận phi hạt nhân hóa thực sự và thường xuyên của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Trump chứng tỏ có danh tiếng trong nghệ thuật nối lại các thỏa thuận"
Vị quan chức cao cấp ở Nhà Trắng ngợi khen nhà lãnh đạo của mình
Trước đó cùng ngày, trên tài khoản Twitter, Tổng thống Donald Trump đã nhắc lại việc Triều Tiên "đã không tiến hành các vụ thử tên lửa từ ngày 28-11-2017 và hứa không phóng trong thời gian diễn ra cuộc gặp lãnh đạo Mỹ- Triều Tiên".
Vị lãnh đạo Nhà Trắng còn tự tin viết thêm: "Tôi nghĩ rằng họ sẽ giữ lời hứa".
Thụy Sĩ muốn đứng ra tổ chức cuộc gặp lịch sử
Ngày 9-3, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết nước này sẵn sàng làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Theo bộ trên, Bern có mối liên hệ với tất cả các bên liên quan, việc lựa chọn thời điểm và địa điểm sẽ do các bên quyết định. Hồi tháng 9-2017, cựu Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard từng đưa ra lời đề nghị tương tự và nhấn mạnh rằng nền ngoại giao Thụy Sĩ có lịch sử lâu đời về tính trung lập và bí mật.
Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tại cuộc mít-tinh chủ đề "Làm cho nước Mỹ vĩ đại lần nữa" tại TP Moon Township, bang Pennsylvania, tối 10-3- Ảnh: REUTERS
Bình Nhưỡng khoe quyết định do mình chủ động
Các bình luận trên được đưa ra sau khi các lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản hoan nghênh quyết định của ông Trump đồng ý tiến hành cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều Tiên.
Cho đến giờ Bình Nhưỡng vẫn chưa có phản ứng chính thức về cuộc gặp với Tổng thống Trump nhưng Đại sứ Pak Song Il, đại diện Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc đã nói trên báo Washington Post của Mỹ rằng lời mời của Bình Nhưỡng là kết quả của "quyết định tình nguyện và cởi mở" của lãnh đạo Kim Jong Un.
"Nhờ vào quyết định can đảm đó của lãnh đạo tối cao của chúng tôi, chúng ta có thể hình dung cho việc đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên", Đại sứ Pak Song Il ngợi ca vai trò chủ động của nhà lãnh đạo của mình.
Điều mới mẻ ở đây đó là không phải lời đề nghị như mọi khi mà là câu trả lời"
Ông Daniel Russell - cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tỏ ra không tin tưởng vào khả năng đạt tiến triển trong cuộc gặp tới.
Đối thủ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 đưa ra nhận định: "Nếu muốn nói chuyện với ông Kim Jong Un về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cần các nhà ngoại giao có kinh nghiệm". Theo bà, Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang thiếu các nhà ngoại giao có kinh nghiệm về vấn đề Triều Tiên.
Về phần mình, cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ Bill Richardson cảnh báo đàm phán với Triều Tiên không phải là một "chương trình truyền hình thực tế". Ông hoan nghênh việc Tổng thống Trump chấp nhận đề nghị đàm phán của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh "đây là một cơ hội có thực", song cũng bày tỏ lo ngại khi cho rằng ông Trump "thiếu chuẩn bị và không có nguyên tắc".
Đoàn VĐV khuyết tật của Triều Tiên trong buổi lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 dành cho người khuyết tật tại Pyeongchang (Hàn quốc) tối 9-3 - Ảnh: REUTERS
Ngày 9-3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố chính sách của Washington đối với Triều Tiên mà Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành đã thành công. Phát biểu tại một buổi họp báo ở thủ đô Nairobi của Kenya, ông Tillerson nêu rõ: "Như chúng ta đã chứng kiến trong 24 giờ qua, chính sách mà chúng tôi đưa ra (đối với Triều Tiên) và được Bộ Ngoại giao tiến hành đã thành công".
Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng tuyên bố việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un quyết định mời ông Trump tổ chức một hội nghị thượng đỉnh lịch sử là bằng chứng cho thấy các chính sách của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên đang mang lại kết quả.
Tuy nhiên, ông Pence cũng khẳng định Washington sẽ vẫn duy trì tất cả các biện pháp trừng phạt và chiến dịch gây sức ép tối đa cho đến khi Triều Tiên cho thấy những bước đi cụ thể, lâu dài và có thể kiểm chứng trong việc chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.