Thế giới

Vì sao Philippines bỏ ODA Nhật để ôm nợ Trung Quốc?

TTO - Philippines chuẩn bị tiếp nhận những khoản vay từ Trung Quốc, mà như xác nhận của quan chức cấp cao nước này, có lãi suất cao gấp 12 lần so với các khoản vay ODA của Nhật.

Vì sao Philippines bỏ ODA Nhật để ôm nợ Trung Quốc? - Ảnh 1.

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, một trong những ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc, đóng vai trò then chốt trong đại dự án “Vành đai, con đường” - Ảnh: REUTERS

Những khoản vay từ Trung Quốc với lãi suất 2-3% sẽ được Philippines đổ vào các dự án phát triển hạ tầng siêu tốc, trong đó có thủy điện, đường sắt và hệ thống thủy lợi. Chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte đã từ chối những khoản vay ODA của Nhật Bản chỉ có lãi suất 0,25-0,75%, rẻ hơn 12 lần so với khoản vay từ Trung Quốc.

Lãi suất cao vẫn vay

Từ cuối tháng 2, Hãng thông tấn Philippines (PNA) dẫn lời ông Ernesto M. Pernia - tổng giám đốc Cơ quan Kinh tế và phát triển quốc gia Philippines (NEDA) đồng thời là thư ký hoạch định kinh tế - xã hội cho Tổng thống Duterte - xác nhận về mức chênh lãi suất rất lớn này và lý giải vì sao Philippines chọn vay Trung Quốc: "Chúng tôi không thể vay tất cả từ vốn ODA của Nhật Bản. Họ còn phải cho các nước khác vay nữa… Lãi suất 2-3% vẫn còn tốt hơn nhiều so với các khoản vay thương mại".

Cũng theo ông Ernesto M. Pernia, mặc dù Philippines có quan hệ hữu hảo trong thời gian dài với Nhật, song tiến độ chậm trễ trong các dự án cũng là lý do khiến Philippines quyết định như vậy. 

"Chúng tôi không muốn bị bỏ lại phía sau" - ông nói, đồng thời nhấn mạnh việc Bắc Kinh rất sốt sắng trong chuyện tài trợ nguồn vốn cho các dự án phát triển hạ tầng của nước ông.

Philippines và Trung Quốc từng xung đột trong nhiều năm liên quan tới các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, thương mại giữa hai nước tăng mạnh khi quan hệ bang giao của họ ấm dần lên. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines. 

Cũng chỉ mới đây thôi, theo tạp chí Forbes, Trung Quốc và Philippines đã chính thức đạt được thỏa thuận cùng khai thác dầu và khí đốt tự nhiên ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây của Philippines.

"Ngoại giao bẫy nợ"

Đây đã là cụm từ trở nên quen thuộc với giới quan sát quốc tế những năm qua, trước các động thái bành trướng kiểu "vung tiền mua thế giới" của Trung Quốc. Bắc Kinh thường "hào phóng" dốc tiền đầu tư cho các dự án hạ tầng tại những nước nghèo để đổi lấy mối quan hệ hữu hảo hơn và một cửa ngõ tiếp cận khu vực.

Họ thường cho vay mà không quan tâm khả năng trả nợ của đối tác, nhưng đổi lại cũng đòi hỏi lãi suất "cắt cổ" hoặc yêu cầu tài sản thế chấp hoặc có giá trị kinh tế lâu dài hay có vị trí an ninh, chiến lược đặc biệt quan trọng trong khu vực, kiểu như mỏ khoáng sản hay cảng biển để giành thêm quyền kiểm soát trong trường hợp bên đi vay vỡ nợ.

Một trong những động lực chính cho chiến lược "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc là đại dự án mang tên "Sáng kiến vành đai và con đường" kết nối 70 quốc gia ở châu Á, châu Đại Dương, châu Phi và châu Âu bằng các tuyến đường sắt, đường biển. 

Đối với các dự án hạ tầng, vấn đề "lấn cấn" nhất với các nước nghèo, kém phát triển chính là nguồn vốn và Trung Quốc chủ động mang tiền tới từng nước, sẵn sàng cho vay.

Không chỉ lãi cao, không chỉ tài sản thế chấp ngặt nghèo, các khoản cho vay của Trung Quốc còn đi kèm với vô số ràng buộc khác. 

Tại Philippines, ở những dự án hạ tầng, thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp và lao động địa phương, điều kiện gói vay cũng kèm theo việc phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công. Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc do nhà nước nắm quyền quản lý, dễ thấy ranh giới giữa doanh nghiệp và nhà nước cũng rất mơ hồ.

8 quốc gia lao đao vì "Vành đai, con đường" của Trung Quốc

Trung tâm Phát triển toàn cầu, một tổ chức nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại thủ đô Washington, D.C (Mỹ), vừa công bố báo cáo nghiên cứu mới nhất cho biết Trung Quốc đang tài trợ khoảng 8.000 tỉ USD cho các hợp đồng phát triển hạ tầng liên quan tới Sáng kiến vành đai và con đường.

Cũng theo báo cáo, đại dự án "Vành đai, con đường" đã và đang đẩy 8 quốc gia rơi vào tình trạng đặc biệt dễ tổn thương về tài chính gồm: Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        244,455       118