Thế giới

Nhật công bố hình ảnh tàu ngầm Trung Quốc gần đảo tranh chấp

TTO - Trong 2 tuần đầu năm, đã 2 lần tàu Trung Quốc đi vào vùng biển quanh đảo tranh chấp với Nhật. Bộ Quốc phòng Nhật phải công bố bằng chứng vi phạm của tàu ngầm Trung Quốc.

Nhật công bố hình ảnh tàu ngầm Trung Quốc gần đảo tranh chấp - Ảnh 1.

Hình ảnh tàu ngầm Trung Quốc được phía Nhật công bố ngày 15-1 - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, hình ảnh tàu ngầm lớp Shang được phía Nhật chụp hôm 12-1 và được Bộ Quốc phòng Nhật công bố hôm nay (15-1). Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đây là lần đầu tiên một tàu ngầm nước ngoài bị phát hiện lặn tại vùng tiếp giáp xung quanh quần đảo Senkaku.

Trong cuộc họp báo ngày 15-1, theo hãng tin AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc, với sự bảo vệ của tàu khu trục, được phát hiện ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông vào tuần trước là một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Bộ trưởng Onodera nhấn mạnh rằng việc đưa tàu ngầm đến gần lãnh hải của quốc gia khác là "vi phạm các qui định quốc tế".

Lâu nay Tokyo vẫn nhanh chóng lên tiếng phản ứng về việc các tàu Trung Quốc xâm phạm vào vùng lãnh hải của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật đang nắm giữ nhưng lần này phía Nhật tỏ ý quan ngại hơn cả vì đó là tàu ngầm hiện đại.

Tàu ngầm này thuộc lớp Shang được phát hiện từ ngày 10-1 trong khi đang hoạt động ngầm ngoài lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo cho rằng sự hiện diện của tàu ngầm này tại khu vực tranh chấp làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tàu ngầm lớp Shang, dài 110 mét, là loại tàu ngầm tấn công mới có khả năng lặn sâu và lâu hơn các lớp tàu ngầm trước mà Hải quân Trung Quốc đã trang bị.

Đáng ngại hơn, tàu ngầm này được trang bị tên lửa hạm đối hạm có tầm bắn tối đa 40 km và ngư lôi. Bộ trưởng Onodera cho biết tàu ngầm này có khả năng mang theo tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân.

Chúng tôi đặc biệt quan ngại những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi sẽ sẵn sàng để phản ứng nhanh nếu sự việc tương tự xảy ra"

Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera

Nhật công bố hình ảnh tàu ngầm Trung Quốc gần đảo tranh chấp - Ảnh 3.

Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera (giữa) đi thị sát cuộc tập trận hôm 12-1 của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật tại căn cứ Narashino ở Funabashi, phía đông Tokyo - Ảnh: REUTERS

Tuần trước, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga đã lên tiếng phản ứng về sự hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc, và hôm nay cũng cho rằng sự hiện diện của 3 tàu hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku /Điếu Ngư là "đáng tiếc".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng trong khi đó lại cho rằng không biết chi tiết về hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc nhưng đồng thời cũng tái khẳng định vùng quần đảo trên thuộc "lãnh thổ" Trung Quốc.

Đây là sự kiện đáng chú ý bởi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này được cho là có dấu hiệu cải thiện vào cuối năm rồi khi hai bên có những phát biểu tốt đẹp. Diễn biến mới nhất này đã gây quan ngại cho Nhật Bản vì đây là lần đầu tiên một tàu ngầm Trung Quốc được phát hiện trong vùng gọi là vùng tiếp giáp quanh các đảo không người ở này.

Thực ra phía Nhật từng thông tin về việc phát hiện "tàu ngầm nước ngoài" xuất hiện chiều 10-1 tại vị trí được gọi là vùng tiếp giáp gần đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa. Tiếp đó, sáng 11-1, tàu này lại xuất hiện tại khu vực Đông Bắc đảo Taisho thuộc quần đảo Senkaku. Tàu khu trục lớp Jiangkai 2 của Trung Quốc cũng xuất hiện cùng thời điểm tại vị trí này. Hai tàu này cùng rời đi vào chiều 11-1.

Như vậy "tàu ngầm nước ngoài" mà Tokyo đề cập tuần trước nay được xác định là tàu hiện đại của Trung Quốc. Một nguồn tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng Trung Quốc có thể đã phái tàu ngầm đi để thử khả năng tuần tra của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.

Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á và châu Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Kenji Kanasugi đã gửi kháng nghị tới giới chức cấp cao tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo để phản đối việc tàu Trung Quốc đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Shinsuke Sugiyama cũng đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Cheng Yonghua đến Bộ Ngoại giao để bày tỏ "hết sức quan ngại" về vụ việc này đồng thời "hối thúc phía Trung Quốc không phá hoại chiều hướng cải thiện mối quan hệ Nhật-Trung".

Quần đảo Senkaku là nhóm đảo nhỏ không có người ở, nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa khoảng 400 km về phía Tây. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền theo tên gọi Điếu Ngư.

Chính phủ Nhật Bản đã mua lại phần lớn quần đảo Senkaku từ một chủ sở hữu tư nhân hồi năm 2012 và đặt quần đảo này dưới sự kiểm soát của nhà nước. Động thái này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và dẫn đến việc các tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên đi vào vùng biển quanh quần đảo này.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết 4 tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông sáng 7-1.

Theo JCG, các tàu trên, trong đó có một tàu dường như trang bị súng máy, đã tiến vào vùng biển quanh nhóm đảo nói trên vào khoảng 9h50 sáng (giờ địa phương) và rời khỏi đó sau khoảng 90 phút, sau khi JCG cảnh báo.

JCG nêu rõ đây là hành động xâm nhập vùng biển Nhật Bản đầu tiên của tàu hải cảnh Trung Quốc trong năm 2018. Lần gần đây nhất các tàu Trung Quốc vào vùng biển này là vào ngày 30-12-2017.

Đáng lo với đội tàu chiến đóng mới của Hải quân Trung Quốc

TTO - Số liệu thống kê về số tàu chiến đưa vào sử dụng trong năm 2017 ít hơn năm 2016. Điều này không đồng nghĩa Trung Quốc giảm phát triển lực lượng tàu chiến.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        247,971       776