TTO - Khách sạn sang trọng ở Saudi Arabia được chính quyền "trưng dụng" làm chỗ tạm giam các nghi can "tai to mặt lớn" trong chiến dịch chống tham nhũng hồi năm ngoái chuẩn bị được mở cửa lại và vận hành đúng chức năng.
Khách sạn 5 sao Ritz-Carlton nhìn từ bên ngoài - Ảnh: REUTERS
Hàng loạt các hoàng thân, quan chức cấp cao và doanh nhân hàng đầu đã bị bắt giữ trong đợt truy quét tham nhũng ở quốc gia Ả-rập hồi tháng 11-2017, và chỗ giam giữ họ cũng rất "xứng tầm": khách sạn hạng sang Ritz-Carlton ở thủ đô Riyadh, theo hãng tin Reuters ngày 15-1.
Cơ sở lưu trú được quảng cáo là "khía cạnh xa xỉ của du lịch" này buộc phải tạm đóng cửa để chuyển chức năng thành "nhà đá" và dự kiến sẽ chính thức trở lại kinh doanh vào tháng 2 tới.
Một nhân viên phụ trách nhận đặt phòng đã khẳng định với Reuters qua điện thoại rằng khách sạn sẽ mở sổ nhận khách từ ngày 14-2. Trang web của khách sạn hiện cũng đã cho đặt phòng từ mốc thời gian trên, với giá rẻ nhất là 650 USD (14,7 triệu đồng)/đêm.
Trong khi đó, Reuters dẫn các nguồn tin chính thức cho biết chiến dịch truy bắt tham nhũng ở Saudi Arabia sắp kết thúc, cho phép "khách sạn kiêm nhà tù" Ritz-Carlton, gồm 492 phòng và khuôn viên rộng 21 hecta, trở lại hoạt động bình thường.
Thương hiệu khách sạn Ritz-Carlton thuộc quyền sở hữu của tập đoàn khách sạn Marriott. Người phát ngôn của Marriott chỉ khẳng định khách sạn ở thủ đô Riyadh "hiện đang hoạt động dưới chỉ đạo của chính quyền chứ không phải như một khách sạn truyền thống" nhưng từ chối đề cập thời gian tái hoạt động.
Theo Reuters, đa số các nghi can bị bắt giữ với các buộc tham nhũng có thể sẽ chấp nhận giải pháp dàn xếp tài chính, tức đóng tiền để tại ngoại và chỉ một số ít sẽ bị truy tố. Riyadh dự kiến sẽ thu lại được 100 tỉ USD tài sản bất minh từ chiến dịch này.
Trong số những người bị bắt trong đại chiến dịch chống tham nhũng của Saudi Arabia có những lãnh đạo của Saudi Binladin Group, một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất nước này.
Chủ tịch tập đoàn, ông Bakr Bin Laden (anh cùng cha khác mẹ của trùm khủng bố đã bị tiêu diệt Osama bin Laden) và nhiều thành viên gia đình bị bắt trong vụ bê bối này. Saudi Binladin Group tuyên bố hôm 13-1 một số cổ đông sẽ chuyển nhượng một phần cổ phần của họ cho chính quyền để dàn xếp vụ việc.
Thậm chí hoàng tử Miteb bin Abdullah, từng được coi là người thừa kế ngai vàng, cũng đã chấp nhận cáo buộc tham nhũng và sau đó đã chi số tiền hơn 1 tỉ USD để "hòa giải" với chính quyền và được phóng thích.
Một "khách lưu trú" có máu mặt khác tại "nhà tù" Ritz-Carlton là hoàng thân Alwaleed bin Talal, tỉ phú và là chủ tịch sở hữu công ty đầu tư Kingdom Holding. Ông bin Talal được cho là đang đàm phán mức dàn xếp với chính quyền nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào.