Kinh tế

Android P càng thông minh, người dùng càng lo

TTO - Những cải tiến trên hệ điều hành Android P khiến người dùng tiện lợi hơn khi sử dụng smartphone nhưng nó cũng đồng thời khiến họ lo sợ về dữ liệu cá nhân cũng như sự riêng tư của mình.

Android P càng thông minh, người dùng càng lo - Ảnh 1.

Android P sẽ thông minh hơn, đơn giản hơn. - Ảnh: MOBILE SCOUT

Đó là cảm giác chung của nhiều người dùng lẫn chuyên gia sau khi xem những thông tin mới nhất được công bố tại hội nghị Google I/O cũng như những tìm hiểu ban đầu về phiên bản P của hệ điều hành di động Android.

Rất nhiều cải tiến hay

“Đúng là Google đang cố gắng giúp người dùng ít phải sử dụng điện thoại hơn” là nhận xét của anh Hồng Phong, kỹ sư lập trình ở TP.HCM sau khi “vọc” qua Android P. Theo anh Phong, đầu tiên là Dashboard - một tính năng mới của Android P - được Google giới thiệu là một phần của sáng kiến “digital wellbeing” (kỹ thuật số hạnh phúc).

“Nó giúp người dùng xem, kiểm soát được thời gian sử dụng mỗi ứng dụng. Ví dụ, bạn có thể xem bạn đã lướt Facebook bao lâu, xem youtube bao lâu... Ngoài ra, bạn có thể cài đặt thời gian sử dụng cho mỗi ứng dụng. 

Tính năng này sẽ rất hữu ích với những người “nghiện” dùng một ứng dụng nào đó, như Facebook chẳng hạn, để họ có thể hạn chế bớt thời gian sử dụng điện thoại của mình”, anh Phong nói.

Bên cạnh đó, hệ thống thông báo của Android P cũng được thiết kế lại thông minh hơn. Tất cả phím tắt trong trung tâm thông báo, hay phần cài đặt nhanh đều được làm bo tròn, khi bật sẽ có màu xanh và khi tắt sẽ trở về màu xám. 

Các thông báo được gom nhóm lại theo từng danh mục, ví dụ các tin nhắn sẽ được gom nhóm vào danh mục tin nhắn. Điều này giúp người dùng dễ dàng xem thông báo của mình hơn, thay vì phải lướt qua tất cả thông báo mới, họ chỉ cần chú ý tới danh mục mà họ quan tâm. 

Ngoài ra, Google cũng bổ sung thêm tính năng trả lời thông minh, cho phép người trả lời tin nhắn, mail ngay trên thông báo mà không cần phải mở ứng dụng đó ra, thật sự rất tiện lợi.

Một cải tiến khác của Android P là tính năng tự động xoay màn hình cũng được nhiều người dùng đánh giá “thông minh hơn hẳn các phiên bản Android trước”. Cụ thể tính năng mới cho phép người dùng xoay màn hình cho riêng mỗi ứng dụng.

Thông thường, không chỉ ở Android, mà ngay cả trên iPhone, người dùng thường phải mở khóa xoay màn hình thì mới xem được video ở chế độ toàn màn hình. Việc này ảnh hưởng khi người dùng sử dụng các ứng dụng khác, tạo cảm giác rất khó chịu. Nhưng ở Android P, người dùng có thể tùy chọn xoay màn hình cho riêng mỗi ứng dụng. 

“Mình nghĩ đây là một trong những tính năng tốt cho trải nghiệm người dùng, và có lẽ Apple cũng nên học theo Android P ở tính năng này”, anh Thanh Hoàng (TP.HCM), một Android Fan (người hâm mộ Android), chia sẻ.

Bảo mật tốt hơn nhưng cũng đáng sợ hơn

Bên cạnh những cải tiến cho sự tiện lợi của người dùng, khả năng bảo mật cũng được nhiều người dùng quan tâm.

 “Chiếc smartphone ngày càng chứa rất nhiều dữ liệu riêng tư và rất quan trọng của mỗi người dùng, không chỉ thông tin và còn cả tiền bạc. Vì vậy yếu tố bảo mật của Android P chắc chắn được người dùng quan tâm rất cao”, ông Trần Quang Chiến, giám đốc Công ty an ninh mạng CyStack, nhận định.

Theo ông Chiến, Android P đã có nhiều cải tiến về bảo mật rất đáng ghi nhận. Cụ thể bao gồm việc cải thiện giao diện UI cho xác thực qua vân tay (fingerprint); bổ sung cảnh báo cho người dùng nếu ứng dụng vẫn sử dụng các cơ chế API cũ, hết hạn. 

Hệ thống cũng được thiết kế để kiểm soát tốt hơn việc truy cập các cảm biến (camera, micro, và các cảm biến khác) từ các ứng dụng; tăng cường mã hóa dữ liệu sao lưu trên thiết bị; tăng cường tính bí mật trong các kết nối mạng; bảo vệ tốt hơn với các kết nối không an toàn, chỉ chấp nhận các kết nối không an toàn nằm trong whitelist; bảo vệ tốt hơn các định danh duy nhất cho thiết bị...

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Nam Thành, nhân viên một công ty công nghệ ở TP.HCM, lại lo ngại khi Google đang khiến Android ngày càng trở nên quá thông minh để hiểu từng người dùng. 

“Qua điện thoại, Google dễ dàng biết được nhà tôi, công ty tôi, những chỗ tôi đi ăn, đi uống cà phê. Họ cũng sẽ biết luôn cả sở thích của tôi, biết chi tiêu của tôi qua các dịch vụ thanh toán, và biết luôn cả những nhu cầu tìm kiếm của tôi… Nói chung, tôi nghĩ gần như toàn bộ hoạt động hàng ngày, cuộc sống của mọi người dùng đều sẽ được hệ thống của Google nắm rõ. Điều đó khiến tôi lo lắng về việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng, việc khai thác thông tin người dùng của Google”, anh Thành, chia sẻ.

Theo một chuyên gia an ninh mạng (đề nghị không nêu tên), sự phát triển quá nhanh của công nghệ, đặc biệt với trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến máy móc trở nên gần gũi với con người hơn, thậm chí chẳng khác gì con người. 

“Trước tiên, đương nhiên nó đem đến cho chúng ta những thuận lợi, những tiện nghi thấy rõ trong cuộc sống. Chúng ta sẽ thấy nó phục vụ chúng ta ngày càng tốt hơn khi chúng ta cho nó ngày càng nhiều thông tin riêng tư của mình, cũng như những quyền can thiệp vào các hoạt động của con người. Và đó rất có thể là con dao hai lưỡi mà một viễn cảnh có thể xảy ra - con người hoàn toàn phụ thuộc vào AI - như trong các bộ phim viễn tưởng hiện nay”.

Úc điều tra cáo buộc Google thu thập dữ liệu người dùng Android

TTO - Nhà chức trách Úc đang điều tra các cáo buộc cho rằng Google thu thập dữ liệu trái phép từ hàng triệu người dùng smartphone Android và làm tăng cước phí truy cập mạng của họ.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        235,653       420