TTO - Họ là những người trong 244 cá nhân và 153 tập thể được Thành ủy TP.HCM biểu dương thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017-2018.
Cô Kim Phấn và các kỷ vật của học sinh - Ảnh: M.HOA
Những con người này rất bình dị, thầm lặng cống hiến cho xã hội mà không hề nghĩ rằng một ngày nào đó việc làm của họ được vinh danh.
Mỗi cán bộ, đảng viên thành phố phải phấn đấu xứng đáng là công bộc của dân, là học trò, con cháu của Bác Hồ. Mỗi người dân thành phố xứng đáng là công dân của thành phố mang tên Bác
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói trong buổi lễ tuyên dương
Cô giáo của bệnh nhi ung thư
Trên căn gác nhỏ, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn ngồi lần giở lại những cuốn tập cũ, tấm hình cũ của học trò. Khác với nhiều giáo viên, học trò của cô Phấn nhiều em không lớn lên, mà bị bệnh ung thư cướp mất tuổi thơ.
Cô Phấn nhận lời phụ trách lớp học của các bệnh nhi ung thư mà không kịp suy nghĩ gì nhiều. Năm 2007, khi đọc được bài viết về cô gái mắc bệnh ung thư Lê Thanh Thúy trên báo Tuổi Trẻ, cô Phấn tìm tới nhà Thúy để trò chuyện.
Trong những bài giảng trên lớp, cô nói với học sinh của mình ở Trường tiểu học Đuốc Sống (Q.1) về tấm gương nghị lực của Thúy. Khi Thúy mất, chương trình Ước mơ của Thúy ra đời, cô Phấn tham gia nhiều hoạt động. Khi người phụ trách chương trình mời cô phụ trách lớp học ở bệnh viện, cô nhận lời. Lúc đó là tháng 9-2009.
Chín năm qua, có người hỏi cô làm sao cứng cỏi được đến vậy, hằng ngày hằng tuần chứng kiến nỗi đau của các em nhỏ mà vẫn vững vàng, cô Phấn nói từng vượt qua được nỗi đau mất con ngày trước.
"Các em mang đến cho cô rất nhiều niềm vui. Các em rất tình cảm, rất là dễ thương" - cô tâm sự. Cô kể về những học trò của mình bằng giọng trìu mến và niềm tự hào không giấu giếm: "Anh Trường là học sinh giỏi toán cấp tỉnh đó, Mỹ Duyên xinh xắn thông minh lắm, Ái Mỹ nét chữ đẹp chưa này, còn Trân Châu, con bé cá tính lắm luôn...".
Chín năm, gia tài của cô giáo là gần 800 cuốn tập của các bệnh nhi. Cô mang về nhà chừng 60 cuốn. Trong bệnh viện, cô sắp xếp từng cuốn tập. Các em đi rồi, cha mẹ tới xin về làm kỷ niệm, cô Phấn chỉ cần nghe tên là rút ngay được cuốn tập của em.
Bây giờ, lớp học vẫn duy trì hai buổi chiều thứ sáu và sáng thứ bảy mỗi tuần. Các em không chỉ học toán, tiếng Việt mà còn được học hát múa, nhảy. Cô giáo Phấn, tuổi hơn 60, đóng cửa phòng tập nhảy múa cho thuộc làu một bài, rồi chỉ lại cho các tình nguyện viên dạy các em.
"Mình làm việc của mình thôi..."
Nhận bằng khen từ những người lãnh đạo TP, Nguyễn Thị Hồng Lan - một trong những nhân vật được tuyên dương đợt này - không giấu được vẻ bối rối. Sau 24 năm làm công nhân vệ sinh Công ty Dịch vụ công ích huyện Củ Chi, chị vừa được ra Hà Nội nhận giải "Cây chổi vàng", giờ được TP tuyên dương.
Chị kể làm việc ở vùng ven cũng có cái đặc thù riêng, đường sá đêm hôm vắng vẻ hơn. Nhưng chị chẳng ngại, dù là đêm hôm vẫn phải hết việc chứ không hết giờ.
Những con đường ở Củ Chi từ tỉnh lộ 8, đoạn từ Đồng Dù đến trước hội trường Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, rồi khuôn viên UBND huyện đã quen với "tiếng chổi tre đêm hè quét rác" của chị.
Chị xòe đôi tay nhỏ nhắn nhưng nhiều vết chai sần, có cả những vết nứt nẻ bị đen lại, nói: "Mình làm công việc của mình thôi, mà lại được tuyên dương...".
Có lẽ chỉ với suy nghĩ "làm việc của mình thôi" nên nhiều người không nghĩ có ngày mình được vinh danh. Đó là anh công nhân trẻ Lê Phước Hưng của Công ty CP thực phẩm Cholimex. Trong quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải, Hưng liên tiếp có sáng kiến, từ cải tiến dùng bùn vi sinh trong khâu xử lý đến khâu ép bùn thải, tiết kiệm cho cơ quan hàng tỉ đồng mỗi năm.
Đó là đội trưởng đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Q.12, thiếu tá Nguyễn Văn Trường. 12 năm công tác, chứng kiến những cụ già neo đơn, bệnh tật nằm liệt giường, trẻ em mồ côi khuyết tật... gặp khó khăn trong việc làm giấy tờ, anh Trường tham mưu cho quận thực hiện công trình "3 tận": đến tận nhà, làm tận tình, trao tận tay.
Qua một năm, anh cùng các anh em trong đội đến tận nhà, bệnh viện, cơ sở mái ấm để giải quyết căn cước công dân, đăng ký hộ khẩu cho 92 trường hợp.
Và rất nhiều tấm gương thầm lặng khác. Trong ngày vinh danh những tấm gương ấy, lời dạy của Bác Hồ được nhắc lại nhiều lần: "Người nấu bếp, người quét rác, cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau...".