Sống khỏe

Gặp thượng đỉnh, Hàn Quốc tự tin, Triều Tiên cẩn trọng

TTO - Trong tiến trình bước đến giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, có thể thấy rõ thái độ tích cực của Hàn Quốc qua việc kết nối các bên. Trong khi đó Bình Nhưỡng vẫn giữ thái độ kín đáo sau khi chìa ra cành ô liu vào đầu năm.

Gặp thượng đỉnh, Hàn Quốc tự tin, Triều Tiên cẩn trọng - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (thứ hai từ trái sang) gặp gỡ phái đoàn các quan chức cấp cao Hàn Quốc ở Bình Nhưỡng hôm 5-3 - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, trong phát biểu sáng nay (21-3), tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tự tin cho biết cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra trong tháng tới và "cuộc gặp lịch sử" Mỹ - Triều sẽ diễn ra vào cuối tháng 5.

Thậm chí, vị lãnh đạo Nhà Xanh còn đề cập đến cuộc gặp thượng đỉnh tay ba Hàn - Triều - Mỹ tùy theo diễn tiến của tình hình.

Trong mấy ngày qua, Hàn Quốc đã tích cực gửi các phái đoàn đi thương thảo ở các nước có liên quan nhằm sớm thúc đẩy cho cuộc gặp mà các bên hi vọng dẫn đến hòa bình và phi hạt nhân hóa cho bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) khẳng định đầy dè dặt: "Mọi thứ trong quan hệ Bắc - Nam (tức Triều Tiên - Hàn Quốc) và quan hệ Triều - Mỹ chỉ đang bắt đầu". 

Đó là một phần trong bài bình luận bằng tiếng Triều Tiên của KCNA vào tối hôm qua (20-3).

Bài bình luận gây sự chú ý đáng kể trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 5 tới.

Với một tông giọng hết sức hòa hảo, bài bình luận của KCNA lần này nói rằng các biện pháp do Triều Tiên dẫn dắt đã tạo ra bầu không khí hòa giải giữa hai miền Triều Tiên, cũng như là bước đệm hướng tới những thay đổi trong quan hệ Triều - Mỹ.

Nhấn mạnh quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Seoul và Washington "chỉ đang bắt đầu", hãng thông tấn của Triều Tiên đã chỉ trích các quan chức bảo thủ ở Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang cố gắng "phá bầu không khí" này.

Các nhà chính trị cánh hữu Hàn Quốc nhấn mạnh cần phải cẩn trọng với các động thái của Triều Tiên vì Bình Những đã nhiều lần nói dối về việc từ bỏ chương trình hạt nhân, sau đó rút khỏi các thỏa thuận quốc tế và rốt cuộc vẫn tiếp tục theo đuổi phát triển các vũ khí hủy diệt này.

"Chuyện ngồi lê đôi mách vô ích của họ chỉ làm xấu hổ những nhà cầm quyền đã chấp nhận lời đề nghị yêu chuộng hòa bình của chúng tôi. Chúng tôi không thể chỉ trố mắt nhìn trong khi họ dắt mũi dư luận bằng những tuyên bố ngớ ngẩn" - bài báo của KCNA viết.

Tờ báo cũng chỉ trích quan điểm cho rằng Bình Nhưỡng bắt đầu đối thoại chỉ sau khi chịu áp lực trừng phạt từ Mỹ, Nhật và các nước khác.

Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào tháng 5 tới. Bài bình luận ngày 20-3 của KCNA cũng không hề đả động về cuộc gặp này.

Tuy nhiên, bài bình luận mới nhất cho thấy Triều Tiên vẫn mong muốn thúc đẩy đối thoại với chính quyền ông Trump, trong khi nước này đang theo dõi nhất cử nhất động của Washington và các nước khác.

Trong một động thái được đánh giá để thu xếp cuộc gặp vào tháng 5 tới, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đã đến Thụy Điển hôm 16-3 và vừa kết thúc chuyến thăm kéo dài 3 ngày này.

Ngay sau đó, Vụ phó Vụ các vấn đề Bắc Mỹ của Bộ ngoại giao Triều Tiên Choe Kang Il hôm 19-3 đã tới Phần Lan. AFP dẫn nhiều nguồn tin tiết lộ ông Choe sẽ có cuộc gặp kín với cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Kathleen Stephens.

Mỹ - Hàn chưa nói chuyện phi hạt nhân hóa với Triều Tiên

TTO - Vấn đề trọng điểm về chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ không nằm trong kế hoạch cuộc họp giữa Bình Nhưỡng cùng Washington và Seoul.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,187,039       442