TTO - Mỗi năm doanh nghiệp bỏ ra 28,6 triệu ngày công với 14.300 tỉ đồng cho kiểm tra chuyên ngành khoảng 100.000 mặt hàng nhập khẩu.
Phí kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất khẩu được cho là hành doanh nghiệp, chưa kể chi phí vận chuyển, bốc xếp container cũng quá cao - Ảnh: T.L
Thông tin này được ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, đưa ra tại Hội nghị Phát triển ngành dịch vụ Logistics diễn ra ngày 20-3 tại TP.HCM.
Đáng lưu ý, trong số đó, ông Minh cho biết 58% hàng hóa phải kiểm tra đến 2-3 lần khiến doanh nghiệp gặp khó.
Theo ông Minh, mặt hàng bị kiểm tra nhiều lần là do kiểm tra chồng chéo từ nhiều cơ quan nhà nước, khiến cho các doanh nghiệp thiệt hại do chi phí lưu kho kéo dài vì chờ kết quả kiểm tra.
Ngoài ra, kiểm tra chuyên ngành thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia hiện khá hạn chế làm giảm tính minh bạch và kéo dài thời gian, tăng chi phí kiểm tra chuyên ngành vì thiếu sự kết nối.
Theo quy định, kiểm tra chuyên ngành khi thực hiện xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp phải chịu các loại phí như kiểm dịch, kiểm tra hàm lượng một số loại hóa chất.
Vào thời điểm tháng 9-2017, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong chuyến công tác tại Hải Phòng, tỏ ra bức xúc vì đến các sản phẩm như iPhone 7 của Apple cũng phải chịu phí kiểm tra chuyên ngành.
Theo ông Dũng, việc kiểm tra chuyên ngành làm cho mất nhiều hơn được vì thời gian hàng hóa lưu thông kéo dài mà tỉ lệ sản phẩm vi phạm phát hiện lại rất ít, cụ thể ở Hải Phòng là 0.06%.
Theo thông tin tại hội thảo, hiện chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ quá cao.
Theo đó, tuyến vận chuyển Hải Phòng - TP.HCM dài 1.900km, tổng chi phí vận chuyển và xếp/dỡ đối với đường bộ là 34 triệu/TEU (container 20 feet) và 37 triệu/FEU (container 40 feet).
Chi phí này nếu vận chuyển bằng đường sắt lần lượt là 12,4 triệu và 14,3 triệu/FEU.
Trong khi đó chi phí sẽ giảm nhiều hơn nếu vận chuyển bằng đường biển, với lần lượt là 5,2 triệu và 6,7 triệu.