TTO - Vì sao màu mực xăm trên cơ thể chúng ta lại không mất đi trong khi những tế bào da luôn chết đi và lần lượt được thay mới? Bí ẩn đó đã được giải đáp.
Hình xăm tôn giáo tại đền Wat Ban Phra, gần thủ đô Bangkok, Thái Lan - Ảnh: REUTERS
Các chuyên gia tại TP Marseille (Pháp) đã nghiên cứu hiện tượng màu mực xăm trên cơ thể chúng ta lại không mất đi trong khi những tế bào da luôn chết đi và lần lượt được thay mới. Khám phá này rất hữu ích trong việc tìm ra phương pháp tẩy sạch triệt để những hình xăm không mong muốn.
Vì sao những hình xăm luôn tồn tại rất lâu trên da trong khi những tế bào của lớp bì, nơi hấp thụ màu mực xăm, thì chết đi rất nhanh chóng?
Một nhóm chuyên gia Pháp tại Trung tâm miễn dịch học Marseille-Luminy đã làm sáng tỏ vấn đề, mở ra hy vọng cho những ai muốn phá bỏ hình xăm trên cơ thể.
Nhóm nghiên cứu do hai chuyên gia Sandrine Henri và Bernard Malissen chủ trì và kết quả đã được công bố trên tạp chí khoa học The Journal of Experimental Medicine.
Cho đến hiện nay, giới chuyên môn luôn thiên về lập luận rằng màu mực xăm lên da sẽ "nhuộm thẫm" các sợi nguyên bào, là các tế bào tạo thành lớp bì (là tầng giữa của cấu tạo dưới da gồm 3 tầng là thượng bì, bì và hạ bì).
Và trên thực tế, các tế bào của lớp bì, nơi mực xăm tập trung vào đó, chính là những đại thực bào, là những tế bào thuộc hệ miễn dịch có chức năng "chộp" những vật thể lạ xâm nhập vào cơ thể.
Do phân tử mực được các đại thực bào mới hình thành hấp thụ lại nên hình xăm vẫn còn nguyên vẹn trong cả giai đoạn trước (bên trái) và sau (bên phải) khi các đại thực bào của lớp bì bị phá hủy. Thực nghiệm trên chuột - Ảnh: Marseille-Luminy
Tuy nhiên, cả hai loại tế bào này - sợi nguyên bào và đại thực bào - đều có vòng đời rất ngắn, đại thực bào chỉ sống được khoảng 20 ngày, chúng luôn được thay mới trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Các chuyên gia tại Marseille đã bắt tay vào nghiên cứu các đại thực bào trong lớp bì của loài chuột da thẫm màu và đã phát hiện ra hiện tượng sắc tố đen (hắc tố, melanin) đã được các đại thực bào hấp thụ lại sau khi các tế bào tạo ra hắc tố chết đi. Từ đó, họ đã nảy ra ý tưởng kiểm tra xem một quá trình tương tự như thế có thể diễn ra đối với màu mực xăm hay không.
Những chiếc đuôi chuột được xăm hình
Để làm điều này, nhóm chuyên gia đã sử dụng một dòng chuột đã được biến đổi gen có khả năng phá hủy các đại thực bào hiện hữu trong lớp bì của chúng.
Họ đã tạo ra một kháng thể có khả năng nhận biết và tự kết nối đặc biệt với các đại thực bào, rồi ghép vào kháng thể đó một độc tố nhằm tiêu diệt đại thực bào.
Và kết quả là vài tuần sau khi các đại thực bào bị tiêu diệt, chúng đã được thay thế mới bởi các đại thực bào "con" do nguyên tủy bào (tế bào non trong tủy xương) tạo ra.
Bước đầu, nhóm nghiên cứu đã xăm màu lên đuôi chuột và nhận thấy rằng chỉ có các đại thực bào của lớp bì hấp thụ sắc tố mà thôi.
Kế đến, họ đã phá hủy các tế bào đại thực bào đó và nhận thấy rằng hình xăm trên đuôi chuột vẫn không thay đổi.
Chuyên gia Sandrine Henri nhận xét: "Các phân tử sắc tố có kích thước quá lớn nên chúng khó bị phân tán mỏng ra trên diện rộng mà vẫn loanh quanh tại một chỗ và sau đó đã bị các đại thực bào mới tạo thành hấp thụ lại".
Sắc tố xanh được các đại thực bào của lớp bì hấp thụ (trái), rồi được phóng thích ra sau khi đại thực bào chết đi (giữa) nhưng 90 ngày sau, sắc tố đó đã được các đại thực bào mới hình thành “bắt” lại (phải) - Ảnh: Marseille-Luminy
Cho nên, đây là một quy trình khép kín diễn ra bên trong lớp bì: đại thực bào hấp thụ sắc tố, sau đó chúng chết đi sau khi đã "kịp" chuyển sắc tố đó lại cho các đại thực bào mới bên cạnh, và trình tự như thế cứ tiếp diễn...
Điều này đã được minh chứng khi nhóm nghiên cứu bóc tách lớp da đang có hình xăm từ một con chuột này rồi cấy ghép lớp da đó vào một con chuột khác không có hình xăm, thì 6 tuần sau, đa số các đại thực bào có chứa mực xăm đã được tái tạo trọn vẹn trên cơ thể con chuột tiếp nhận, chứ không phải trên cơ thể con chuột cho hình xăm.
Theo hai chuyên gia Bernard Malissen và Sandrine Henri, những bằng chứng thực nghiệm nói trên là tiền đề quan trọng giúp cải tiến phương pháp xóa hình xăm trong tương lai.
Họ đề xuất bắn những chùm tia laser mạnh đánh thẳng vào các đại thực bào đang có mực xăm, nhiều lần liên tục như thế để phá hủy chúng và đồng thời để tán nhỏ lớp sắc tố ra, thậm chí phải phá hủy cả những tế bào chung quanh.
Chuyên gia Sandrine Henri giải thích: "Ý tưởng của chúng tôi là sử dụng kháng thể chuyên biệt có chứa độc tố để phá hủy đại thực bào kết hợp với kỹ thuật bắn tia laser. Chúng tôi đã phát triển được một kháng thể cho chuột và sẽ nghiên cứu chế tạo ra kháng thể dùng cho người. Việc tập trung phá hủy đại thực bào trong một phạm vi rất khu trú nhằm tránh các sắc tố sau khi bị tán nhỏ sẽ được đại thực bào mới sinh hấp thụ lại, và như vậy chúng sẽ dễ dàng bị dẫn lưu ra khỏi cơ thể qua hệ mạch bạch huyết".
Đây là một hy vọng lớn cho những ai muốn tẩy sạch vĩnh viễn những hình xăm cũ mà mình muốn "vứt" đi.