Sống khỏe

Đinh Công Đạt: 'Đàn bà Việt cứ tự phong thánh cho mình'

TTO - Nghệ sĩ điêu khắc Đinh Công Đạt cho rằng, phụ nữ tự khoác lên mình chiếc áo đảm đang, để rồi mệt mỏi, phàn nàn

Đinh Công Đạt: Đàn bà Việt cứ tự phong thánh cho mình - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Đinh Công Đạt bên tác phẩm - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Nghệ sĩ điêu khắc Đinh Công Đạt chuẩn bị mở triển lãm có tên Béo là đẹp. Dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện vui vẻ, anh chia sẻ nỗi ám ảnh phụ nữ gầy mới đẹp là... sự biến dị trong quan niệm về cái đẹp do truyền thông và ngành công nghiệp thời trang gây ra.

* Vì sao anh làm loạt tượng phụ nữ béo?

- Bốn năm nay, tôi làm những bức tượng về phụ nữ béo và sẽ mở triển lãm cho loạt tác phẩm này với tên gọi Béo là đẹp. Người mẫu của tôi là cô gái trẻ người Pháp cao 1,53m, nặng 103kg. Tôi cũng muốn kể về cô gái làm mẫu cho tôi. Tuy có thân hình như vậy, cô ấy rất hoạt bát, nhanh nhẹn. Khác với phụ nữ Việt đang quá ám ảnh về cân nặng, cô ấy rất tự tin về vẻ đẹp của mình.

* Trong khi từ đàn ông đến đàn bà dường như đều ám ảnh với thân hình mảnh mai, mặt V-line, có vẻ anh thích đi ngược chiều gió?

- Với tôi, phụ nữ đầy đặn là đẹp. Thế giới từ hàng nghìn năm nay luôn coi phụ nữ tròn trịa là đẹp. Trong mỹ thuật cổ đại Hi Lạp, trong nghệ thuật Phục Hưng hay trong mỹ thuật Trung Hoa cổ đại, cái đẹp được tụng ca là cái đẹp tròn trịa, đầy đặn. Những quả bom sex thế giới như Marilyn Monroe đều có thân hình đầy đặn.

Nhưng vài chục năm trở lại đây quan niệm về phụ nữ đẹp đã bị truyền thông và những đế chế thời trang làm thay đổi. Trong thế giới thời trang ấy, tất cả để tôn vinh quần áo chứ không phải tôn vinh phụ nữ. Phụ nữ phải gầy để phục vụ cho thời trang. Tuy nhiên đó là thế giới của thời trang. Còn cuộc sống thực, đàn ông thích phụ nữ tròn trịa, đầy đặn.

Nỗi ám ảnh "đảm đang"

* Anh thấy sao khi nhiều phụ nữ Việt không chỉ ám ảnh cân nặng mà còn mang gánh nặng khác trong gia đình?

- Đàn bà Việt tự phong thánh cho mình, chứ ai người ta cần. Tôi nấu ăn ngon, còn vợ tôi nấu ăn bình thường, thậm chí cô ấy không biết nấu ăn. Cuối tuần, tôi trông con cho cô ấy đi với bạn bè, cà phê, đi chơi.

Tôi có cô em, là trụ cột kinh tế gia đình. Trước đây, ngày nào cô ấy cũng răm rắp về nhà đúng 5h chiều đón con và nấu nướng. Thế rồi một ngày cô ấy quyết định phá bỏ quy tắc này. Cô ấy thấy rất thoải mái và chồng cô ấy chẳng phàn nàn gì.

Đấy, có ai cần cái đảm đang trước kia cô ấy cứ tự khoác lên mình để rồi mệt mỏi, phàn nàn như thế đâu? Đàn ông cần một người đàn bà hạnh phúc ở cùng, chứ không phải người đàn bà đảm đang nhưng luôn mỏi mệt, cau có.

* Thế theo anh phụ nữ Việt phải làm sao để hạnh phúc?

- Trước tiên phải hỏi lại họ có biết thế nào là hạnh phúc không đã. Họ có biết họ muốn gì không? Trên đường đời, đôi khi bạn gặp những đống rác và bạn để cho đống rác ấy khiến bạn thấy buồn phiền, khó chịu, là lỗi của bạn, không phải lỗi của đống rác.

* Nhưng sẽ khó lòng hạnh phúc khi mà câu chuyện ngoại tình, đổ vỡ hôn nhân xảy ra nhiều quá?

- Đàn bà hay đàn ông cũng vậy thôi. Người ta thấy đau không phải vì bị mất mát - chia sẻ thứ gì đó của mình, mà vì họ muốn sở hữu. Bạn mua vé hạng thương gia rất đắt cho chuyến bay của mình.

Nếu bạn nghĩ mình bỏ số tiền lớn mua chiếc ghế mà trước bạn đã có biết bao người từng ngồi và nhiều người khác tiếp tục ngồi lên sau bạn, bạn sẽ thấy đau khổ vì ý nghĩ sở hữu, độc quyền. Còn khi đàn bà bắt đầu sở hữu đàn ông, ấy là khi họ chính thức mất người đàn ông của mình.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,188,233       637