Sống khỏe

30 năm ngày 14-3: Xả thân cứu tàu trước họng súng tàu Trung Quốc

TTO - "Tình huống lúc đó quá nguy cấp. Tàu chiến Trung Quốc thì đang lao đến. Nước tràn vào nghe rầm rầm. Tàu có thể chìm bất cứ lúc nào."

Tàu HQ505 bị thiệt hại nặng nề sau khi bị tấn công - Nguồn: Phim tài liệu Trường Sa tháng 4 năm 1988

8h sáng 14-3-1988, khi tiểu đội cơ điện trên tàu HQ505 cố gắng duy trì 3 máy điện và hệ thống bổ trợ hoạt động hết công suất để lao con tàu lên đảo Cô Lin theo mệnh lệnh của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, hàng loạt đạn của tàu Trung Quốc vang lên.

Mục tiêu của tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc

HQ505 rung lên bần bật khi bị 3 tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc bắn từ 3 hướng!

Nhiều vị trí trên tàu bị trúng đạn, bốc cháy dữ dội, còn trang thiết bị thì hư hỏng nặng. Cabin đài chỉ huy, phòng ngủ sĩ quan, buồng hàng hải, thông tin - rađa - cơ yếu, khoang lái, phòng thuyền trưởng, toàn bộ phòng ngủ chiến sĩ mạn phải... bốc cháy dữ dội. 

Hệ thống điện trên tàu bị cắt sập. Khoang máy chính nước tràn vào xối xả. HQ505 có nguy cơ bị chìm. Tàu bị dạt ngang và mất khả năng cơ động.

HQ505 mất liên lạc với sở chỉ huy!

Chúng tôi phải chui xuống đáy tàu bịt các lỗ thủng. Lúc đó anh em xả thân cứu tàu mà không nghĩ đến sống chết. Nếu không kịp cứu hầm máy, không chống chìm nhanh, tàu sẽ bị chìm và không thể thực hiện ý định ủi tàu lên bãi, giữ đảo

Ông Bùi Văn Thanh

Máy trưởng Nguyễn Đại Thắng, ngành trưởng thông tin Nguyễn Duy Hòa và một số cán bộ chiến sĩ đã bị thương.

"Tình huống lúc đó đặt ra rất nhiều thứ nguy cấp phải giải quyết cùng một lúc với thời gian vô cùng gấp gáp: phải chống chìm vì tàu chìm thì không thể lao lên đảo. Phải chống cháy ở kho đạn, kho dầu, nếu không thì cháy lan cả tàu. Cấp ủy tàu quán triệt: quyết tâm thực hiện 3 không: không để địch tiếp cận tàu, không để địch tiếp cận cờ và tiêu, không để địch chiếm đảo" - cựu chiến binh tàu HQ505 Bùi Văn Thanh (hiện đang sống tại Hải Phòng) nói.

Mọi nhân lực của tàu tập trung xuống hầm máy. Hầm có hàng chục lỗ thủng. Có lỗ thủng to đến nửa mét. 

30 năm ngày 14-3: Xả thân cứu tàu trước họng súng tàu Trung Quốc - Ảnh 3.

Cựu chiến binh Lê Tiến Dũng và Bùi Văn Thanh (phải) hai trong số những chiến sĩ liều mình cứu tàu HQ505 ngày 14-3-1988 - Ảnh: MY LĂNG

Ông Thanh kể: "Anh em lấy nút chống chìm và ván đóng lại, lấy giẻ nhét vào. Có cái gì dùng cái đó. Có những lỗ thủng to bịt rồi lại bị bung ra. 

Nó bắn loạt đầu, tàu đã trúng đạn, chết máy rồi bị gió, sóng nước đẩy trôi ra khỏi đảo. Nó bắn hai loại đạn: đạn xuyên và đạn phá. Đạn phá làm tàu thủng từng miếng to, còn đạn xuyên thì khoan vỏ tàu để nước tràn vào, chìm tàu. Dưới đáy tàu cũng trúng đạn, nước tràn vô nên tàu bị nghiêng 45 độ. 

Chúng tôi phải chui xuống đáy tàu bịt các lỗ thủng. Lúc đó anh em xả thân cứu tàu mà không nghĩ đến sống chết. Nếu không kịp cứu hầm máy, không chống chìm nhanh, tàu sẽ bị chìm và không thể thực hiện ý định ủi tàu lên bãi, giữ đảo. 

Sau này nghĩ lại mới thấy nguy hiểm cho anh em. Nếu chống chìm không kịp, nước tràn vào là tất cả hi sinh. Vì hầm máy ở dưới mực mớm nước hơn 1m còn đáy tàu hơn 3m".

30 năm ngày 14-3: Xả thân cứu tàu trước họng súng tàu Trung Quốc - Ảnh 4.

Tàu HQ505 - con tàu đã lao lên bãi cạn Cô Lin để khẳng định chủ quyền ngày 14-3-1988 - Ảnh tư liệu

Vừa chống chìm vừa chống cháy

Đang bịt lỗ thủng tàu thì khoang dầu và khoang đạn bị trúng đạn, bốc cháy! 

"Hầm dầu cháy ngùn ngụt. Khói đạn, khói dầu nghi ngút, ngạt không thở được. Cả khoang máy ngập khói mù mịt, không nhìn thấy gì. Toàn bộ hệ thống điện bị chập cháy hết. 

Cả khoang máy tối sầm, phải mở đèn pin từ bình ăcquy mới thấy đường mà sửa. Nếu không nhanh chóng sửa tàu, Trung Quốc sẽ chiếm mất đảo của mình" - cựu chiến binh Bùi Văn Thanh nói.

Trong lúc lăn xả cứu tàu thì đường ống dẫn khí tới bộ li hợp 2 máy chính bị pháo địch bắn vỡ. Khí phun trào ra ngoài. Chân vịt ngừng hoạt động. 

"Chúng tôi quyết tâm bằng mọi giá phải nhanh chóng sửa cho được máy. Máy hoạt động thì thuyền trưởng mới đưa tàu lên bãi được. Tất cả dồn lại vừa chống chìm vừa xử lý bộ li hợp để chân vịt mới có thể quay được, giúp tàu hoạt động" - cựu chiến binh Lê Tiến Dũng (nguyên tiểu đội phó cơ điện tàu HQ505) kể lại.

"Tình huống lúc đó quá nguy cấp. Tàu chiến Trung Quốc thì đang lao đến. Nước tràn vào nghe rầm rầm. Tàu có thể chìm bất cứ lúc nào nhưng anh em vẫn bình tĩnh dùng hết trí tuệ, sáng kiến của mình để xử lý, khắc phục. Lúc có chiến sự, giữa sống và chết cận kề, phải bản lĩnh lắm mới giữ được bình tĩnh để mà nhớ lại tuần tự các bước, các thao tác cần phải làm" - ông Dũng nói.

Sau 20 phút, đường ống dẫn khí vào bộ li hợp đã kịp thời được xử lý, chân vịt quay trở lại, tạo điều kiện quyết định để thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ra lệnh cho những người lính hải quân dưới quyền lao tàu lên giành đảo Cô Lin.

Toàn bộ anh em dưới hầm máy đều không biết rằng trong lúc họ đang tập trung dưới hầm máy chống chìm, chống cháy, sửa máy thì trên cabin buồng lái, máy lái cũng bị bắn hỏng. Thủy thủ không lái được. 

Trung sĩ Nguyễn Văn Thành (tiểu đội trưởng, ngành hàng hải) vượt qua lửa đạn lao đến buồng lái khắc phục sự cố lái điện, lái tay. 

Sau khi máy chính được sửa xong, chính anh đã chỉ huy anh em ngành hàng hải cố gắng lái tàu lao lên đảo, trước khi tàu chiến Trung Quốc kịp bắn thêm một loạt pháo khác để triệt tiêu hoàn toàn sức sống của con tàu!

30 năm ngày 14-3: Xả thân cứu tàu trước họng súng tàu Trung Quốc - Ảnh 5.

Bức ảnh chụp tàu HQ-505 lao lên bãi Cô Lin, được đăng trên trang nhất báo Nhân Dân số ra ngày 25-4-1988

"Khung cảnh lúc đó rất khủng khiếp. Cả mặt boong cháy nghi ngút. Sàn cháy. Sắt thép cháy đỏ rực. Những cột khói lớn bị gió thổi bạt đi. 

Đài chỉ huy tan nát. Đài thông tin cháy ngùn ngụt. Máy trưởng Thắng, cơ yếu Hòa... bị thương. Anh em mỗi người ẩn trú một nơi. Lúc ấy, tàu Trung Quốc mới bỏ đi" - ông Bùi Văn Thanh nhớ lại.

Kéo neo nặng 2 tấn chỉ bằng sức người

Tàu HQ505 chỉ lao lên được một nửa thân lên đảo, còn một nửa vẫn nằm dưới biển. Dù vậy, những người lính hải quân dũng cảm cũng đã kịp biến nó thành cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên đảo Cô Lin.

Những người lính phải kéo 3 chiếc neo tàu lên giữa đảo, cách tàu mấy trăm mét, chôn xuống, cột dây vào neo với tàu để giữ tàu không bị trôi dạt ra khỏi đảo.

"Mỗi cái neo nặng 2 tấn. Khi nó ở dưới nước thì thả phao bè đẩy vào, không vất vả bằng lúc kéo nó lên đảo. Không có máy móc gì hỗ trợ. Chỉ có sức người. Chúng tôi 17 - 18 người dùng sức người và xà beng, gậy gộc, vần, chuyển dịch từng tí một. Phải mất hàng tiếng đồng hồ mới chuyển được một cái neo lên giữa đảo" - ông Bùi Văn Thanh kể.

30 năm ngày 14-3-1988: Lao tàu lên đảo Đá Lớn 30 năm ngày 14-3-1988: Lao tàu lên đảo Đá Lớn

TTO - Trước ngày 14-3-1988, Việt Nam đã lao hai tàu lên đảo Đá Lớn để giữ đảo trước vòng vây của các tàu chiến Trung Quốc. Đó là câu chuyện ít người biết đến.

___________

Kỳ tới: Chìm xuống giữa Trường Sa

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,199,273       522