TTO - Các luật sư, giáo viên, nông dân, nhà khoa học Hàn Quốc oà khóc nức nở khi dự lễ tưởng niệm 135 nạn nhân vụ thảm sát Hà My tổ chức ở chính ngôi làng này sáng nay 11-3.
41 thành viên Quỹ Hoà bình Hàn - Việt cúi đầu tạ lỗi với các nạn nhân vụ thảm sát Hà My trong buổi lễ tưởng niệm sáng 11-3 - Video: T.B.D
Tất cả 41 thành viên Quỹ Hoà bình Hàn - Việt đã cúi đầu tạ tội trước hậu quả mà những người lính Hàn Quốc đã gieo rắc trên vùng quê nghèo Hà My (xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam) cách đây 50 năm (ngày 24 tháng Giêng năm Mậu Thân 1968).
"Chúng tôi thành thật xin lỗi tất cả những người đã mất, xin cúi đầu tạ tội trước vong linh những người vô tội oan khiên. Xin tạ tội trước những người còn sống và đồng bào Việt Nam", ông Kang U II - chủ tịch Quỹ Hoà bình Hàn - Việt - gập người, cúi đầu nói rồi lau nước mắt tại ngôi đền tưởng niệm 135 đồng bào Hà My thiệt mạng trong vụ thảm sát.
Người Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi người Việt Nam - Ảnh: T.B.D
Ngày 24 tháng Giêng âm lịch tròn nửa thế kỷ trước (năm Mậu Thân 1968), đội quân của lữ đoàn Rồng Xanh Hàn Quốc trong lúc đi càn ở xóm Tây - Hà My với mục đích "truy lùng tận gốc những người cộng sản", đã tập trung tổng cộng 160 dân thường rồi xả súng.
Trước lúc chĩa mũi súng về phía những người Việt vô tội, nhiều lính Hàn đã ngửa cổ uống rượu để quên đi cảm giác, lương tri của con người.
Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, 135 người đã chết đau đớn. Mộ của họ sau đó được người dân chôn chung, nay nằm rải rác ở khắp ngôi làng.
Nhiều mộ phần đến nay vương vất, cụt tên hoặc nằm đâu đó dưới những đồi cát. Nhiều gia đình, dòng họ bị xoá sạch tên tuổi sau ngày đó.
Nhớ lại những ngày đó, những người sống sót vẫn chưa thể cảm thấy nguôi ngoai.
Bà Đặng Thị Khá bưng mặt khóc trong buổi lễ tưởng niệm hôm nay: "Tui tức lắm. Giận lắm. Mẹ tôi đã mất, anh tôi đã mất, 5 người thân của tôi chết vì lính Hàn giết hại. Lúc đó tôi mới 3 tuổi. Nhưng giờ thấy họ trở lại như thế tui đau lòng lắm. Giận cũng để mà chi nữa, chẳng lấy lại được những gì đã mất. Vết thương trong lòng tôi là quá lớn".
Nghe lời xin lỗi từ những người Hàn Quốc, bà Đặng Thị Khá - nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát - oà khóc vì quá đau đớn - Ảnh: T.B.D
Tròn 50 năm sau, dù đã nhiều lần trở lại và được chứng kiến sự thật đau đớn nhưng những thành viên đấu tranh vì công lý, hoà bình của Quỹ Hoà bình Hàn - Việt vẫn oà khóc vì tội lỗi mà những người lính đất nước mình gây ra cho người dân Việt Nam.
Buổi lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Hà My từng gây chấn động dư luận thế giới được chính quyền phối hợp với Quỹ Hoà bình Hàn - Việt tổ chức xúc động sáng nay 11-3 tại chính ngôi làng nơi xảy ra thảm sát.
"Chúng tôi thành thật xin lỗi Việt Nam, xin lỗi đồng bào vô tội. Biết lấy gì đây để tạ tội. 50 năm này đánh dấu ngày quân đội đất nước chúng tôi sát hại đồng bào Việt Nam, chúng tôi mong thắt lại nút thắt này để chúng ta ghi nhớ một sự kiện đáng xấu hổ, để cùng nhau bước tới những ngày tươi sáng", lời xin lỗi được chủ tịch Quỹ Hoà bình Hàn - Việt đọc lên.
Phía dưới những hàng ghế, những tiếng khóc nức nở bưng chặt không gian. Thân nhân những người đã mất, những nhân chứng sống đau xót khi nhớ về những giây phút ám ảnh nhưng cũng ngậm ngùi khi thấy sự trở lại của những người Hàn Quốc văn minh.
Bà Kim Mae Hwa - có người anh họ tham chiến ở chiến trường Việt Nam - oà khóc, cúi đầu tạ tội trước chị Nguyễn Thị Thanh - nạn nhân sống sót trong cuộc thảm sát - Ảnh: T.B.D
Điếu văn do ông ông Kang U Il, chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, đọc tại lễ tưởng niệm:
Kính thưa các gia đình thân nhân, thưa bà con làng Hà My.
17 năm trước, bia tưởng niệm đã được dựng lên ở nơi đây để rồi, vào dịp lễ tưởng niệm lần thứ 45 của vụ thảm sát, chúng tôi đã tìm đến đây để dâng hương, cúi đầu tủi hổ. Thời gian thấm thoát, hôm nay đã là ngày tưởng niệm tròn 50 năm và chúng tôi vẫn tìm về, vẫn cúi mặt trong niềm hổ thẹn khôn nguôi.
Đứng trên mảnh đất nơi từng là hiện trường của một vụ thảm sát tang thương tột cùng, không thể tin và cũng không muốn tin này. Chúng tôi không cất nổi thành lời, dù chỉ là một lời xin lỗi, chỉ còn biết gồng mình cố nén tiếng khóc cứ chực vỡ òa ra.
Biết làm sao để được thứ tha?!
Hỡi những sinh mệnh đáng thương chưa sống trọn kiếp người. Chỉ còn lại cái tên, mà đâu chỉ vậy, có những người còn chưa kịp có tên để lưu lại trên bia đá lạnh.
Biết phải làm gì để được thứ tha?
Hỡi những bà con làng Hà My đã mất đi ruột thịt yêu thương, cùng anh em, chòm xóm! Chúng tôi biết lấy gì để có thể xoa dịu, ủi an? Chẳng còn biết làm gì ngoài một tấm lòng thành tâm tưởng niệm, cầu xin sự siêu thoát cho những vong linh của làng Hà My. Tủi hổ càng thêm tủi hổ.
Vụ thảm sát xảy ra đến nay đã tròn nửa thế kỷ. Nhưng có lẽ sức chúng tôi vẫn còn non yếu. Nên ngần ấy thời gian đã trôi qua mà chúng tôi vẫn còn dậm chân tại chỗ trước lịch sử, trước sự thật. Sự thật về một ngày đã phủ bóng đêm đen tối lên làng Hà My năm Mậu Thân 1968. Mà mãi đến ngày tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát năm 2018 hôm nay. Vẫn còn bị chôn ngầm dưới tấm hoa cương chạm vẽ hoa sen nọ.
Dù quá khứ có hổ thẹn đến đâu. Thì sự thật vẫn cần được đưa ra ánh sáng một cách toàn vẹn nhất. Để rút ra từ đây bài học lịch sử cho những sai lầm này không còn lặp lại về sau. Bởi chỉ khi chúng ta thắt một nút kết đúng đắn cho quá khứ thì nút kết ấy mới có thể trở thành bàn đạp của tương lai. Hướng chúng ta về một sự hòa giải và một nền hòa bình chân chính.
Xin lỗi.
Thành thật xin lỗi.
Chúng tôi sẽ không quên.
Chúng tôi sẽ luôn khắc nhớ.
Và xin hứa. Giây phút cử hành lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát Hà My này sẽ là sự khởi đầu cho nửa thế kỷ tới của một nền hòa bình mới.
Chúng tôi thuộc các thành phần sau đây là thành viên của Đoàn Quỹ Hòa bình Hàn – Việt, thành kính dâng hương, xin được xá tội trước vong linh những người đã ngã xuống trong đau thương uất hận.