TTO - Thông tin hơn 500 giáo viên mất việc vì huyện tuyển dư khiến nhiều người thảng thốt, xót xa. Không biết những người có trách nhiệm tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) nghĩ gì?
Các giáo viên 'dôi dư' (trái) phản ánh bức xúc với các phóng viên báo chí chiều 9-3 - Ảnh: TRUNG TÂN
Tiếng là hợp đồng ngắn hạn nhưng trong số 500 giáo viên 'dôi dư' ấy có những thầy cô gắn bó với ngành giáo dục tại đây trong thời gian dài. Họ, những người góp phần quan trọng vun trồng cho lớp trẻ nơi vùng Tây Nguyên, vốn không ít khó khăn.
Gắn với cuộc sống mỗi ngày của 500 giáo viên là 500 gia đình, đồng lương tháng tuy ít nhưng cũng giúp gia đình thầy cô sinh sống qua ngày. Nay cắt hợp đồng, họ đi đâu, làm gì, cuộc sống trong những ngày sắp tới ra sao?
Ai cũng biết để kiếm được một công việc ổn định, chỉ vài triệu đồng một tháng là không hề dễ tại những địa phương ở núi rừng Tây Nguyên.
Năm học 2017-2018 chỉ còn hơn hai tháng là kết thúc, thầy trò bước vào giai đoạn quan trọng. 500 thầy cô 'dôi dư' đang hoang mang, tâm trạng đâu mà họ dạy tốt, chất lượng sẽ bị ảnh hưởng. Học sinh bị ảnh hưởng, nội bộ nhà trường lùm xùm, tiềm ẩn những hệ lụy khó lường.
Liên đoàn Lao động huyện Krông Pắk, ngành giáo dục huyện, tỉnh nhà sao không lên tiếng trước một quyết định thất nhân tâm?
Giải quyết 500 giáo viên 'dôi dư', có thể bằng nhiều biện pháp, xin được nêu ra dưới đây:
1. Điều hòa giáo viên giữa các trường trong huyện, bởi, có thể có tình trạng thiếu - thừa cục bộ (giữa các trường trên cùng địa bàn), hoặc xem xét nhu cầu giáo viên những huyện giáp ranh với huyện Krông Pắk, các giáo viên có sức khỏe, hoàn cảnh gia đình cho phép, thì bố trí giảng dạy xa nhà, trước mắt, giúp họ ổn định cuộc sống.
2. Trong từng trường có giáo viên dôi dư, bố trí thầy cô kiêm nhiệm công tác, đơn vị triệt để tiết kiệm chi, phối hợp với phụ huynh...để có nguồn kinh phí tiếp tục giúp thầy cô đứng lớp. Được việc trường, lại được việc nhà - cơ sở quan trọng để trường tiếp tục dạy tốt - học tốt và, đó mới là nhà trường nhân văn.
3. Trong số 500 giáo viên dôi ra, với những thầy cô tuổi đời còn trẻ, cần tạo điều kiện giúp họ khởi nghiệp lại bằng những chủ trương, chính sách, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính. Vượt quá thẩm quyền của huyện thì báo cáo tỉnh xin ý kiến giải quyết; tỉnh không thể giải quyết được thì báo cáo trung ương hỗ trợ, việc nước "cốt ở an dân".
4. Về nguyên tắc, sau hai hợp đồng có thời hạn liên tiếp, nếu người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, họ được chuyển thành hợp đồng không thời hạn. Vì thế, cấp thẩm quyền cần thổi còi quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với 500 giáo viên dôi dư của huyện Krông Pắk.
Vì các lý do trên, tôi kiến nghị dừng quyết định sẽ chấm dứt hợp đồng 500 giáo viên 'dôi dư' tại huyện Krông Pắk. Các ngành chức năng như nội vụ, giáo dục, tuyên giáo, công đoàn cùng ngồi lại, thống nhất chủ trương, biện pháp giải quyết trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng chính đáng của 500 giáo viên. Hãy bằng mọi cách giúp số giáo viên này được tiếp tục đứng lớp lâu dài.
Việc làm là nhu cầu chính đáng của công dân, giải quyết việc làm phải trên cơ sở tôn trọng luật pháp, lợi ích của người lao động, sự ổn định của cơ quan, đơn vị nhất là đối với ngành giáo dục. Mỗi quyết định sẽ tác động đến đông đảo những người liên quan như phụ huynh, học sinh.
Không bỏ sót ai, không để một ai bị lùi lại hay bị bỏ rơi trong tiến trình phát triển luôn là phương châm hành động. Đằng này, 500 giáo viên 'dôi dư' sẽ chơi vơi trước một quyết định chưa có cơ sở pháp lý đồng thời thiếu tình người.
Đừng để mỗi ngày đến trường, thầy trò tại Krông Pắk dài thêm trong sự lo lắng và nỗi buồn da diết từ một quyết định dường như chỉ xuất phát từ lợi ích của nhà quản lý.