Sống khỏe

'Anh nông dân lưng gù' đoạt giải nhất phim dành cho người khuyết tật

TTO - Những người khuyết tật vận động, khiếm thính, khiếm thị chứng tỏ họ cũng có thể làm phim, khi vác máy quay đi khắp nơi và làm phim theo cách của mình.

Sáng 11-3, Lễ công bố và trao giải Phim ngắn về người khuyết tật diễn ra tại Tòa nhà Liên Hiệp Quốc (Hà Nội). Chương trình do Đại sứ quán Mỹ và Hội người khuyết tật Hà Nội tổ chức.

Giải nhất đã được trao cho bộ phim Anh nông dân lưng gù. Phim do một nhóm những người bị khuyết tật ở tay chân thực hiện. Nhóm đã phải vượt qua những trở ngại của cơ thể để hoàn thành bộ phim. Điều đặc biệt là phần dựng phim do một người bị khuyết tật tay ở trong nhóm thực hiện.

Anh nông dân lưng gù đoạt giải nhất phim dành cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Nội Dương Thị Vân (thứ hai, bên phải) trao giải Nhất cho nhóm làm phim "Anh nông dân lưng gù" - Ảnh: NGỌC DIỆP

Đây là bộ phim rất xúc động về một người khuyết tật làm nghề nông. Thuở nhỏ anh bị tai nạn, gia đình không có điều kiện chữa chạy nên anh bị gù.

Đáng tiếc là kể từ đó anh không hề nhận được sự cảm thông, chăm sóc từ gia đình. Cuộc sống chỉ thực sự mỉm cười với anh vào năm 22 tuổi, anh gặp được người phụ nữ của đời mình. Hai người đã kết hôn, sinh được ba con. Dù cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng gia đình vẫn rất hạnh phúc.

Nhóm làm phim Anh nông dân lưng gù cho biết họ đã không cầm được nước mắt khi phỏng vấn hai người con gái của vợ chồng anh nông dân.

Bộ phim này không chỉ nhận được số phiếu cao nhất của ban giám khảo mà còn nhận được bình chọn cao nhất của khán giả tham dự lễ trao giải.

Anh nông dân lưng gù đoạt giải nhất phim dành cho người khuyết tật - Ảnh 2.

Hai thành viên khiếm thính (từ trái sang) của nhóm làm phim "Dại khờ" hướng dẫn khán giả nói từ "Tôi yêu bạn" bằng ngôn ngữ của người khiếm thính - Ảnh: NGỌC DIỆP

Giải nhì được trao cho hai phim: Khi bạn tin bạn có thể, Vọng ngày xanh.

Chương trình hướng dẫn người khuyết tật làm phim thuộc Dự án Lăng kính về quyền người khuyết tật được thực hiện từ tháng 10-2017 đến tháng 4-2018 với sự tài trợ của Đại sứ Quán Mỹ.

Mục tiêu của dự án là xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ truyền thông cho 12 hội/chi hội/trung tâm, CLB người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội. 

Anh nông dân lưng gù đoạt giải nhất phim dành cho người khuyết tật - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Minh Châu, thành viên của dự án Lăng kính về quyền người khuyết tật - Ảnh: NGỌC DIỆP

Chị Nguyễn Thị Minh Châu, thành viên của dự án chia sẻ: "Tôi xin kể câu chuyện này. Khi tôi đến nhà một vài người bạn nước ngoài, người bảo vệ ở khu nhà đã hỏi tôi "đến đây để làm gì, đây là khu người nước ngoài ở, không vào xin được đâu".

Kể ra điều này để mọi người thấy xã hội vốn định kiến người khuyết tật là nhỏ bé, yếu ớt, nghèo khó, phải cần sự hỗ trợ mới sống được. Cũng như định kiến người khiếm thị, người khuyết tật tay chân thì không thể làm phim. Dự án này sẽ chứng minh điều ngược lại, người khuyết tật cũng có thể làm phim".

Anh nông dân lưng gù đoạt giải nhất phim dành cho người khuyết tật - Ảnh 4.

Một nhóm bạn nhảy flashmob giúp vui cho chương trình - Ảnh: NGỌC DIỆP

Dự án này không chỉ nhằm xây dựng mạng lưới đào tạo cho các cán bộ truyền thông cho các hội người khuyết tật, mà còn là thông điệp gửi tới xã hội: Thay vì tập trung sự chú ý vào những khiếm khuyết của người khuyết tật, hãy trao cho họ cơ hội để họ tự tin thể hiện khả năng của mình.

Dự án Lăng kính về quyền người khuyết tật là sáng kiến của một nhóm các bạn trẻ khuyết tật và không khuyết tật tham gia chương trình "Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á" do tổng thống Mỹ Obama khởi xướng.

Dự ám nhằm đưa hình ảnh và tiếng nói của người khuyết tật đến cộng đồng thông qua những bức ảnh, câu chuyện, phim ngắn do người khuyết tật thực hiện.

Á hậu Thùy Dung mang tranh của người khuyết tật đến Hoa hậu quốc tế 2017 Á hậu Thùy Dung mang tranh của người khuyết tật đến Hoa hậu quốc tế 2017

TTO - Đến với Hoa hậu quốc tế - Miss International 2017, Thùy Dung mang đến một món quà tặng đấu giá từ thiện, góp phần lan tỏa thông điệp tốt đẹp về lòng yêu thương.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,199,288       514