Sống khỏe

Khách đi buýt sông đông nhưng chủ yếu để… ngắm sông

TTO - Khách ở TP.HCM mua vé đi tàu buýt sông rất đông, nhưng chủ yếu đi để ngắm cảnh sông Sài Gòn. Tàu buýt cũng chưa đáp ứng nhu cầu của người đi lại thường xuyên hay đi làm như mục đích ban đầu của cơ quan chức năng.

Khách đi buýt sông đông nhưng chủ yếu để… ngắm sông - Ảnh 1.

Đa số hành khách đi tàu buýt để trải nghiệm dịch vụ mới và ngắm cảnh - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

“Các tàu của tuyến buýt sông thiết kế rất đẹp, hiện đại nhưng hiện nay chỉ phù hợp cho người đi du lịch, tham quan, giải trí chứ chưa thể phổ biến và tiện lợi với những người có nhu cầu đi lại thường xuyên, đi làm

Anh NGUYỄN PHƯỚC ĐẠT (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Tuyến buýt sông số 1 với điểm đầu là bến Bạch Đằng (Q.1), điểm cuối là trạm Linh Đông (Q.Thủ Đức), dài hơn 10km. 

Phần nhiều khách đi ngắm cảnh

Bắt đầu hoạt động từ ngày 25-11-2017 với giá vé 15.000 đồng/lượt, tàu buýt đã thu hút rất đông khách. 

Chúng tôi ghi nhận những ngày đầu tháng 3 này, tại các bến tàu lúc nào cũng có nhiều hành khách mua vé từ sớm, nhiều người phải chờ đợi rất lâu nhưng không mua được vé theo giờ dự tính, hoặc không còn vé nên phải về đợi ngày khác.

Anh Phạm Huỳnh Hưng (ngụ Q.Bình Tân) cho biết đầu năm tranh thủ những ngày công việc còn chưa dồn dập, anh cùng các con đi thử tuyến buýt đường sông xem như thế nào. 

"Tàu buýt đẹp, thoáng mát, có chỗ ngắm cảnh... nên đi để ngắm cảnh sông Sài Gòn, các tòa nhà thì rất thích. Thế nhưng nếu dùng tàu buýt để đi lại các nơi làm việc thì quá bất tiện do thời gian quá dài và các bến bãi kết nối vẫn chưa thật sự tiện lợi" - anh Hưng nhận xét.

Khách đi buýt sông đông nhưng chủ yếu để… ngắm sông - Ảnh 3.

Hành khách xếp hàng mua vé để lên tàu - Ảnh: TÂM ĐỨC

Tại điểm bán vé ở các bến, mỗi tàu đều bán vé theo lượng khách cố định với hình thức cuốn chiếu, hết vé chuyến này sẽ tiếp tục bán cho những chuyến sau. Hành khách phải tới sớm mới mua được vé và khá nhiều người không mua được vé theo đúng nhu cầu thời gian. 

Chị Nguyễn Kim Hoàng (ngụ Q.2) cho biết có hôm chị đến bến từ sáng sớm để mua vé, nhưng do quá đông người nên chỉ mua được chuyến cuối ngày.

Tàu ít, bến bãi chưa kết nối

Theo lộ trình số 1, tàu buýt di chuyển từ bến Bạch Đằng đến bến Linh Đông mất khoảng 45 phút. Chưa kể nếu hành khách muốn quay ngược lộ trình trở về lại bến xuất phát phải đợi gần ba giờ nên nhiều người thấy mệt mỏi và bất tiện. 

Trong khi đó, tại bến Linh Đông có rất ít dịch vụ để hành khách giải trí trong lúc chờ tàu buýt quay về.

Anh Nguyễn Huy Vũ (sống ở Thủ Đức, làm việc ở Q.1) cho rằng hiện kết nối của các bến buýt sông vẫn chưa thuận tiện cho hành khách đi làm. 

"Tôi đi từ Linh Đông đến Bạch Đằng, muốn đến được nơi làm việc phải mất thêm tiền đi xe ôm, taxi. Khi mở tuyến buýt sông, nếu có sự liên kết giữa các loại hình vận tải công cộng tiện lợi như trạm xe đạp... thì rất tiện lợi và giảm ách tắc giao thông trong thành phố" - anh Vũ nhận định.

Khách đi buýt sông đông nhưng chủ yếu để… ngắm sông - Ảnh 4.

Mỗi ngày có gần 1.000 khách mua vé đi tàu, cá biệt có ngày lên đến 1.500 khách - Ảnh: TÂM ĐỨC

Ông Nguyễn Kim Toản - giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư tàu buýt sông - chia sẻ hiện nay mỗi ngày trung bình có gần 1.000 khách mua vé đi tàu buýt. Thứ bảy và chủ nhật có thể lên đến 1.500 người nên số lượng tàu không đáp ứng đủ. 

Ông Toản giải thích thêm: "Chúng tôi khai thác tuyến buýt sông để vận chuyển, đưa đón hành khách chứ công ty không phân biệt khách sử dụng tàu buýt để đi du lịch hay đi làm. Với sự đón nhận của hành khách hiện nay, chúng tôi coi đó là thành công".

Hiện nay, lộ trình tuyến buýt đường sông số 1 có 11 bến nhưng mới hoàn thiện được 5 bến, có 4 tàu đang được khai thác (3 tàu vận chuyển liên tục, 1 tàu dự phòng) và 1 tàu đang được đóng. 

Theo ông Toản, khi các bến và tàu được vận hành tối đa sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Đang mở rộng, hoàn thiện các hạng mục

Theo ông Phan Công Bằng - trưởng phòng quản lý giao thông thủy Sở GTVT TP.HCM, tuyến buýt sông mới đưa vào khai thác nên nhu cầu trải nghiệm của người dân cao hơn nhiều lần khả năng cung cấp của chủ đầu tư.

Chủ đầu tư là Công ty Thường Nhật đang tiếp tục mở rộng, hoàn thiện các hạng mục đầu tư. Sở GTVT TP và chủ đầu tư cần có thời gian theo dõi, đánh giá nhu cầu thực sự của khách hàng.

"Hiện nay, người dân đi tàu buýt chủ yếu để trải nghiệm nhưng khi đã có thói quen, tôi tin họ sẽ chọn lựa loại hình vận tải này để đi làm" - ông Bằng nói.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,365,759       712