Sống khỏe

Tập tiêu dùng thông minh, được không?

TTO - Tiêu dùng thông minh vừa cần thiết cho chính mình vừa giảm thiểu tác động đến môi trường là điều tưởng khó mà hóa dễ hơn bạn tưởng.

Tập tiêu dùng thông minh, được không? - Ảnh 1.

Hãy đặt câu hỏi cho bản thân trước khi mua bất cứ món gì - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Trong thời buổi sự tiêu thụ hàng hóa được khuyến khích đỉnh điểm kiểu "hãy mua, mua đi, mua nữa, và bạn sẽ hạnh phúc", người tiêu dùng cần có sự tỉnh táo để tránh lãng phí cho bản thân và tạo nhiều rác thải ra môi trường.

Trở thành cơn nghiện

Là phụ nữ, bao nhiêu chiếc túi cũng thấy ít, có vài chục chiếc đầm, áo váy thì lần nào mở tủ cũng thở dài "sao mình chả có gì để mặc nhỉ?". Mà phục trang thì phải phối với phụ kiện, thành ra giày dép, trang sức cứ thế nối đuôi lũ lượt tràn vào nhà. Mãi rồi tôi đâm nghiện, sinh ra tâm lý thấy gì cũng muốn mua, viện mọi lý do để sở hữu vật mới.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi bắt đầu quan sát chuỗi cung ứng và nhận thấy việc tạo ra rác thải cùng lãng phí trong hành vi mua sắm của bản thân, tôi đã trở nên thận trọng hơn. Tôi nhận ra chúng ta không mua một món hàng chỉ bằng tiền, mà còn bằng chính nước, không khí... và tương lai của chúng ta.

Lượng rác thải khổng lồ bị đốt tạo thành khí độc, hoặc chôn làm ô nhiễm đất và nước, ảnh hưởng tới môi trường, ảnh hưởng đến con vật cả trên cạn lẫn dưới biển. Hằng năm còn có một lượng rác khổng lồ theo đường sông suối đổ ra biển. 

Rác nhựa đã và đang tiếp tục gây hại động vật biển. Động vật biển lại theo chuỗi thức ăn đi lên, và nhựa ở trong chúng lại tìm đến với con người qua đường ăn uống, bệnh tật theo đó mà ra.

Tôi nghĩ nếu chúng ta không thay đổi, những gì trái tự nhiên của lối sống hiện đại sẽ tìm lại đến con người và sẽ hủy diệt dần cuộc sống tươi đẹp của chúng ta. Và tôi đã thay đổi bằng việc cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định mang thêm một món mới về nhà, dù là theo tiêu chí tốt - bền - đẹp.

Hãy "ngừng một phút"...

Tôi nghiệm ra rằng có một ranh giới rõ ràng giữa những gì ta cần và những gì ta muốn. Ví dụ như một chiếc điện thoại là cần, nhưng một chiếc điện thoại đắt tiền và mới hơn (trong khi chiếc cũ vẫn dùng tốt và không hề hỏng hóc) là muốn. 

Quần áo là cần, nhưng quần áo đắt tiền, hàng hiệu, mốt và mới (trong khi quần áo cũ vẫn dùng tốt, đã đủ và lành lặn) là muốn. Thức ăn là cần, nhưng ăn vô tội vạ đường, các chất hóa học và thức ăn qua chế biến bất chấp sức khỏe là muốn - trong khi đã no, đã đủ, không còn cần phải ăn nữa.

Tương tự như vậy, xe cộ là cần, nhưng xe phải xịn, phải gây được ấn tượng với người khác là muốn. Nhà là cần, nhưng nhà phải to vượt nhu cầu sử dụng, có nhiều đồ đạc đắt tiền, chất đầy đồ ngốn hết không gian sống là muốn. Cái "muốn" là lòng tham, đã dẫn đến sự nghiện vật chất với mong đợi rằng qua đó chúng ta sẽ cảm thấy đầy đủ hơn.

Nhận thức việc nghiện mua sắm là vấn đề tâm lý, thói quen, nên để cắt giảm việc mua sắm những món đồ không cần thiết, tôi luôn "ngừng một phút" để đặt ra hai câu hỏi cho bản thân trước khi mua bất cứ món gì: Có thực sự cần thứ này không? Mục đích mua là gì?

Với câu hỏi đầu tiên, tôi nhận thấy phần lớn câu trả lời là "không". Còn ở câu hỏi thứ hai, câu trả lời cho phần lớn những ý định mua sắm là mua để vui hoặc để gây ấn tượng, để cảm thấy giá trị của mình tăng lên. Kết quả là tôi đã tiết giảm được nhiều khoản mua sắm và dần dần đã thoát khỏi tình trạng "thấy gì cũng muốn mua".

Chọn sản phẩm tái sử dụng

Tôi điều chỉnh bản thân bằng việc chọn những sản phẩm có khả năng tái sử dụng cao, giảm thiểu tối đa rác thải khó phân hủy. Tôi chọn vải sáp ong thay cho màng bọc thực phẩm, dùng ống hút và bàn chải tre, may túi vải mang theo khi mua sắm, nói không với hộp xốp lúc mua thức ăn, tự làm nước tẩy rửa với các loại thảo mộc dễ thu hái trong vườn nhà như bồ kết, lá chanh, sả...

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,365,748       732