Sống khỏe

Cô giáo quỳ và giấc mơ văn minh còn xa...

TTO - Câu chuyện về cô giáo bị quỳ dưới áp lực của một phụ huynh đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Lướt qua một vòng báo chí và mạng xã hội chúng ta sẽ thấy có hai luồng ý kiến.

Cô giáo quỳ và giấc mơ văn minh còn xa... - Ảnh 1.

Đa số chia sẻ hình ảnh người phụ huynh với hàng ngàn lời bình luận mang tính lên án, cả nhục mạ và hăm doạ. Bên cạnh đó cũng không ít người bảo vệ và bày tỏ quan điểm nếu con họ bị phạt như vậy họ cũng sẽ xử sự y như vậy nghĩa là sẽ dùng vũ lực hoặc một hình thức trả đũa nào đó. 

Qua sự việc và các dòng bình luận chúng ta sẽ thấy giấc mơ về một nhà nước pháp quyền với những cách hành xử văn minh sẽ còn khó khăn lắm mới trở thành hiện thực. 

Cơ sở nào khiến một giấc mơ khó đi vào hiện thực như vậy?

Người phụ huynh nọ là 1 đảng viên và là 1 luật sư. Hơn ai hết anh ta phải biết về nhà nước pháp quyền mà đảng và chính phủ đang cố gắng xây dựng. Hơn ai hết anh ta phải biết cách phản ứng với những gì nhà trường và cô giáo đã làm với con anh ta theo đúng luật. Không biết mà làm bậy tội 1 thì biết mà vẫn làm bậy thì tội gấp nhiều lần. 

Với tư cách là đảng viên anh ta còn có nhiệm vụ quan trọng là hướng dẫn quần chúng nhân dân sống và làm việc theo pháp luật. Nhưng người đảng viên này đã để tình cảm lấn át lý trí và đánh mất vai trò của 1 đảng viên gương mẫu, sâu xa hơn chi bộ nơi anh ấy sinh hoạt đã không phải là nơi để rèn luyện anh ấy thành người đảng viên tốt.

Đây không phải là lần đầu tiên thầy hay cô bị bạo hành. Ai cũng biết, cũng nghe, cũng thấy. Nhưng có 1 đoàn thể mà các thầy cô đều đóng tiền để sinh hoạt lại không thấy có những phản ứng đúng luật đó là công đoàn ngành. 

Báo chí đưa tin công đoàn có đi thăm hỏi và động viên. Chúng tôi tự hỏi tại sao chỉ là động viên? Công đoàn là cơ quan bảo vệ quyền lợi của cán bộ công nhân viên ngành mình tại sao không có hành động lên tiếng bảo vệ nhân viên ngay lập tức? 

Công đoàn ngành giáo dục hoàn toàn có thể lên tiếng trên báo chí, gởi công văn phản đối chính thức đến chi bộ nơi đảng viên này sinh hoạt, gởi công văn đến ngành hành pháp và tư pháp yêu cầu xử lý vụ việc. Mở rộng ra hơn trong một số ngành khác, đơn cử như ngành y tế, chúng ta thấy cán bộ y tế bị hành hung cũng hiếm thấy bóng dáng công đoàn đứng ra bảo vệ nhân viên.

Dư luận xã hội thì sao? 

Mọi người bức xúc, đăng tin, chia sẻ, bình luận với những lời lẽ hằn học, rủa cả đứa con. Chúng ta bình luận cho thỏa cảm xúc, cũng là một hình thức đấu tranh, nhưng có rất rất nhiều bình luận chỉ thuần cảm tính thiên về mắng chửi. 

Đứa trẻ sẽ nghĩ gì khi nó cũng bị vạ lây và trù ẻo sau này lớn lên sẽ hư thân mất nết. Những lời bình luận ác ý có thể giết chết sự nghiệp hay tính mạng một con người. 

Chúng tôi vẫn còn nhớ như in đoạn video quay cảnh cô điều dưỡng mắng bố mẹ của một bệnh nhi về tội không đóng tiền viện phí. Hàng ngàn lời bình luận ác ý đã nhắm vào cô điều dưỡng. Cho đến khi một đồng nghiệp đi tìm hiểu sự việc thì mới biết bố mẹ bệnh nhi đã lấy tiền hỗ trợ của mọi người đi mua điện thoại và đánh bài. Cô điều dưỡng vì uất ức đã xin nghỉ việc. 

Chẳng thấy 1 lời chia sẻ sau đó. Facebook đã và đang là một công cụ giám sát. Nhưng một bộ phận số đông cũng dùng Facebook để thể hiện tính anh hùng bàn phím và tâm lý đám đông. Đó cũng chính là trở ngại của văn minh. 

Trong khi Facebook nên là công cụ để chúng ta thúc đẩy công lý được thực hiện theo đúng cách của một nhà nước pháp quyền. Một phong trào kêu gọi công lý cho sự việc một cách trung lập sẽ giúp cả đôi bên lấy lại được danh dự.

Con người luôn có hai phần là phần con và phần người. Xã hội tiến bộ với công cụ pháp luật sẽ giúp phần người lấn át phần con. Nhưng với những gì đang xảy ra con đường đi đến những hành xử văn minh còn quá nhiều điều đáng lo lắng. 

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,366,518       418