Sống khỏe

Air Việt Nam lỗ vì giá rẻ

TTO - Air Việt Nam (AVN) gặp nhiều khó khăn khác khi gánh vác phần lớn hành khách cho giao thông đường bộ gặp nguy hiểm do chiến cuộc. Nhiều đường bay đã khiến AVN bị lỗ vì không thể bù đắp bằng tăng giá vé.

Air Việt Nam lỗ vì giá rẻ - Ảnh 1.

Một chuyến bay nội địa của AVN - Ảnh tư liệu

Lúc sau này điều kiện tài chính của AVN đã khá, coi bộ hiện nay nhiều hơn trước, nếu chấp thuận cho tăng giá vé thì e rằng công chúng không hiểu được lý do sự tăng giá ấy

Bộ trưởng Công chánh và giao thông

Đường bay phủ khắp

Ông Huỳnh Minh Bon, cựu phi công kỳ cựu từng ngồi ghế cơ trưởng cả hai thời kỳ trước và sau năm 1975, tâm sự: "Chiến tranh đã làm AVN đối diện nhiều khó khăn nghiêm trọng mà hãng bay các quốc gia yên bình khác không gặp phải. Nhưng hãng bay này cũng làm được nhiều điều ấn tượng. 

Trong đó có việc kết nối được tuyến bay đến tất cả các tỉnh, thành miền Nam Việt Nam, kể cả những tuyến mà hãng gần như phải chịu lỗ liên tục, để đảm bảo việc đi lại của người dân trong tình trạng đường bộ nguy hiểm vì chiến sự".

Bà Trần Thanh Cúc, 76 tuổi, từng là tiểu thương nhỏ ở chợ Ông Tạ, kể thời trước năm 1975 việc mua vé máy bay không quá khó khăn. Bà chỉ bán mẹt trầu cau, thuốc lào, điếu đóm bên đường vẫn có thể hai, ba tháng lại dẫn con đi thăm chồng làm viên chức ở Buôn Ma Thuột. 

Bà không nhớ chính xác giá vé, nhưng chỉ tốn khoảng mươi ngày buôn bán để hai mẹ con được bay khứ hồi. So với lương viên chức chồng bà từ Sài Gòn biệt phái lên cao nguyên, hai vé bay này cũng chỉ mất chưa đến nửa tháng lương.

Hiện tài liệu lưu trữ vẫn còn chi tiết giá bay khứ hồi quốc nội tháng 10-1967: vé Sài Gòn - Buôn Ma Thuột 1.540 đồng, Sài Gòn - Đà Nẵng 4.300 đồng, Sài Gòn - Huế 4.800 đồng, Sài Gòn - Cà Mau 1.580 đồng...

Thấp nhất biểu giá năm 1967 của AVN là tuyến Sài Gòn - Cần Thơ với vé khứ hồi 1.040 đồng, kế tiếp là Sài Gòn - Rạch Giá 1.120 đồng, riêng chuyến khứ hồi Sài Gòn ra đảo Phú Quốc 1.680 đồng. Biểu giá cước hành lý vượt trội từ 5,20-24 đồng/kg tùy tuyến bay xa hay gần.

Tất cả tuyến bay quốc nội AVN đều không phân hạng ghế để định giá vé khác nhau như sau này.

Air Việt Nam lỗ vì giá rẻ - Ảnh 3.

Kỷ thuật viên AVN sửa chữa máy bay DC3 - Ảnh tư liệu

Khó khăn xin tăng giá vé

Từ năm 1954 đến năm 1975, AVN đã một số lần xin được tăng giá vé bay. Tuy nhiên có lần đề nghị của họ được chấp thuận, nhưng nhiều lần bị bác bỏ. 

Đơn cử như tháng 11-1961, Nha Hàng không dân sự gửi tờ trình xin tăng giá vé các tuyến bay quốc nội bằng máy bay cánh quạt DC3, lý do đưa ra là đang bán vé các tuyến này dưới mức phí khai thác máy bay. 

Họ đề nghị được tăng giá vé một chiều tuyến Sài Gòn - Nha Trang từ 600 đồng lên 750 đồng, Nha Trang - Quy Nhơn 360 đồng lên 420 đồng, Sài Gòn - Đà Lạt 500 đồng lên 550 đồng, Sài Gòn - Buôn Ma Thuột 550 đồng lên 650 đồng.

Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày nhận được tờ trình, Bộ trưởng Công chánh và giao thông đã phúc đáp: "Lúc sau này điều kiện tài chính của AVN đã khá, coi bộ hiện nay nhiều hơn trước, nếu chấp thuận cho tăng giá vé thì e rằng công chúng không hiểu được lý do sự tăng giá ấy". 

Bộ này yêu cầu: "Cho biết có những yếu tố chứng minh sự xin tăng giá này?". 

Ngày 14-12-1961, giám đốc Nha Hàng không dân sự lại tiếp tục gửi tờ trình, thậm chí "đe dọa" ngầm: "Kính thưa ông bộ trưởng. Đã có lần AVN muốn bỏ khai thác đường duyên hải, nhưng vì lý do công ích quốc gia nên vẫn phải tiếp tục và chỉ tạm ngừng chặng Nha Trang - Quy Nhơn - Huế thôi".

"Nay số hành khách quen và đủ khả năng dùng đường hàng không nhưng số tiền này còn quá kém để có thể giúp việc khai thác đường duyên hải. AVN xin chỉnh đốn lại giá vé để giảm bớt phần lỗ lã, và như vậy sẽ cố gắng mở lại đường bay Nha Trang - Quy Nhơn - Huế, tuy chặng này vẫn còn rất ít khách. Việc chỉnh đốn giá vé này có rất ít ảnh hưởng tới đa số quần chúng".

Tuy nhiên, mãi sau đó Bộ Công chánh và giao thông mới trả lời đồng ý nhưng mức vé được tăng thấp hơn so với hãng đề nghị.

Sang năm 1968, chiến sự khốc liệt đã làm giao thông đường bộ gần như tê liệt. Nhu cầu chuyển vận quốc nội dồn hết vào ngành hàng không và tình trạng lạm phát nghiêm trọng đã khiến nhiều tuyến bay bị lỗ.

Tháng 5-1968, kỹ sư Lương Thế Siêu, chủ tịch AVN, lại gửi tờ trình xin tăng giá vé một số chuyến bay quốc nội. 

Họ trình bày với giá vé mỗi kilômet bay 3,26 đồng thì năm 1968 hãng sẽ bị lỗ khoảng 335 triệu đồng. Lỗ lã sẽ được quân bình phần nào nếu giá vé mỗi kilômet được tăng từ 3,26 đồng lên 4,30 đồng. 

Ngoài ra, trọng lượng hành lý miễn phí cần điều chỉnh từ 20kg xuống còn 10kg, giá cước hành lý phụ trội điều chỉnh bằng 1/75 giá vé hành khách thay vì 1/100 hiện hữu...

Trước đề nghị tăng giá sốc này, Ủy ban Kinh tế - tài chính do tổng trưởng kinh tế Trương Thái Tôn tổ chức cuộc họp đặc biệt để xem xét đề nghị của AVN và kết luận:

"AVN bị lỗ vì giá vé phi cơ quốc nội tương đối rẻ đối với giá vé quốc tế. Ủy ban cũng đồng ý trên nguyên tắc cho chỉnh đốn lại giá biểu chuyên chở hành khách. Tuy nhiên, ủy ban nhận thấy nếu cho AVN chánh thức tăng giá vé sẽ có nhiều bất tiện về mặt kinh tế, vì theo lối tăng giá vé dây chuyền sẽ lôi cuốn đến giá sinh hoạt và lương bổng.

Vì vậy, ủy ban chấp thuận cho AVN chỉnh đốn lại phần thu của công ty nhưng với hình thức khác như: mở thêm chuyến bay với nhiều tiện nghi cho hành khách hạng khá giả với giá biểu đắt hơn giá biểu hiện nay, có thể đắt hơn trên 30% tùy đường bay và tùy mức độ tiện nghi mà công ty dành cho hành khách. 

Khi áp dụng giải pháp này, nên bảo đảm có đầy đủ chỗ cho hành khách phổ thông.

Nếu AVN sợ bị chỉ trích mở các chuyến bay có tính cách sang trọng trong khi phải theo chính sách khắc khổ thì có thể ngoài các chuyến bay thường, nên mở thêm các chuyến bay đặc biệt với giá biểu cao hơn giá biểu thường. Với giải pháp này cũng phải bảo đảm đầy đủ chỗ cho hành khách.

Đặt ra phí đảm phụ chiến tranh thâu trên hành khách và cho AVN hưởng, ủy ban cũng khuyến cáo hãng nên xét lại giảm bớt phần chi để bớt lỗ như khoản chi về nhân viên, nhứt là khoản chi về xã hội và khoản chi về bảo hiểm".

Cuối cùng, AVN không được xét duyệt tăng giá vé như mức mong muốn vì chính phủ Sài Gòn yêu cầu hãng phải đảm bảo mục tiêu phục vụ người dân...

Bay quốc tế

Tháng 10-1967, AVN bay đến 9 phi trường quốc tế gồm Bangkok, Hong Kong, Kuala Lumpur, Paris, Phnom Penh, Siem Riep, Singapore, Taipei, Vientiane (về sau có thêm chuyến bay đi Nhật).

Giá vé hạng nhất tuyến Sài Gòn - Paris khứ hồi 1.649,2 USD và ghế phổ thông là 952,3 USD. Giá rẻ nhất là Sài Gòn - Phnom Penh khứ hồi 43,6 USD cho ghế phổ thông và hạng nhất 54,4 USD...

Khởi đầu cánh bay Việt Khởi đầu cánh bay Việt

TTO - Lần đầu tiên người Việt có hãng bay riêng thật sự của mình, cạnh tranh trực tiếp với các hãng quốc tế trong tình hình chiến tranh...

Bài toán mua máy bay của Air Việt Nam Bài toán mua máy bay của Air Việt Nam

TTO - Thời chiến, Việt Nam Hàng không được nhiều hành khách chọn lựa vì đường bộ không an toàn, nhưng hãng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Những chiếc Boeing đầu tiên của Air Việt Nam Những chiếc Boeing đầu tiên của Air Việt Nam

TTO - Sau thương vụ mua những chiếc máy bay DC6 và Cessna năm 1962, Air Việt Nam (AVN) còn tiếp tục mua thêm một số máy bay khác cho đến đầu thập niên 1970.

Biệt phái phi công quân sự Biệt phái phi công quân sự

TTO - Trước năm 1954, hầu hết cơ trưởng ở Việt Nam đều là người Pháp. Phi công Việt học hàng không từ Pháp về thường ngồi ghế lái phụ.

__________

Kỳ tới: Những tai nạn không tránh được

Biệt phái phi công quân sự

TTO - Trước năm 1954, hầu hết cơ trưởng ở Việt Nam đều là người Pháp. Phi công Việt học hàng không từ Pháp về thường ngồi ghế lái phụ.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,387,494       172