TTO - Để Việt Nam cất cánh, nhà lãnh đạo thực thụ sẽ biết cách tạo niềm tin, gieo cảm hứng, thúc đẩy sự sáng tạo trong xã hội...
Những ai quan tâm đến vận nước đều cùng mong muốn Việt Nam phát triển, xa hơn là "hóa rồng". Để làm được điều đó, cần khơi thông tất cả nguồn lực trong dân, từ vô hình (trí tuệ, sức sáng tạo, sức lao động) đến hữu hình (tài chính, đất đai, cơ sở vật chất) như Tuổi Trẻ đã đề cập trong chuyên đề "Có niềm tin, có sức mạnh!".
Lịch sử đã minh chứng có niềm tin, mọi nguồn lực sẽ được khơi dậy.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy cho được nguồn lực này. Nhưng ngoài chủ trương, chính sách, có một yếu tố tạo nên niềm tin và cảm hứng cho xã hội, đó là từ chính những nhà lãnh đạo.
Nhà lãnh đạo đúng nghĩa là người được tín nhiệm vào những vị trí dẫn dắt dựa trên năng lực, phẩm chất và đạo đức. Do đó, những phát ngôn, hành động, lối sống và quyết sách của nhà lãnh đạo có sức mạnh to lớn tác động đến sự tin tưởng, thôi thúc đội ngũ và người dân.
Cấp càng cao, sức tác động càng lớn. Người lãnh đạo cần ý thức rõ sức mạnh này để có thể tạo nên cảm hứng tập thể, cảm hứng xã hội.
Quyết định của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng tính công khai và mở cơ chế tranh luận đã tạo nên những phiên họp có nhiều đại biểu tranh luận nhất từ trước đến nay, và ngày càng nhiều nội dung nhân dân quan tâm được truyền hình trực tiếp.
Việc Thủ tướng dành thời gian trả lời chất vấn nhiều nhất từ trước đến nay trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã tăng thêm niềm tin vào người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ đã rất tự tin, cởi mở, sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ.
Ngay đầu năm 2018, thông điệp 10 chữ "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được cho là đã tạo đà để nhiều bộ trưởng, qua truyền thông, thể hiện "khát vọng đổi mới và cống hiến".
Hình ảnh của người đứng đầu và nhiều nhà lãnh đạo của TP.HCM trăn trở, tận lực, dồn tâm trí cho nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố đã tạo động lực cho rất nhiều cán bộ, công chức.
Sự kiện một người ngoài Đảng có trình độ và tâm huyết được bổ nhiệm làm trưởng một dự án quan trọng hàng đầu của thành phố đã tạo cảm hứng cho không ít du học sinh, trí thức trẻ ngoài nước sẽ quay về nơi đất lành để thỏa sức cống hiến.
Thế nhưng còn không ít lãnh đạo chỉ giải quyết vụ việc theo quy định, hướng dẫn hoặc thiếu chính kiến, chỉ biết dựa vào đa số. Có người dựa vào quyền lực để áp đặt và tự huyễn, cho đó là đoàn kết thống nhất ý chí như một vị lãnh đạo từng nói "cái ghế làm cho người ta tưởng họ có năng lực".
Những cán bộ quản lý dạng này không thể tạo niềm tin lâu dài để làm nền tảng cho cảm hứng và sức sáng tạo được phát huy.
Yếu tố con người là then chốt cho mọi thành công. Do đó, công tác cán bộ phải tìm được đúng người có đủ sức lay động, tạo niềm tin và cảm hứng cho một tập thể. Khả năng đó chỉ có được khi người được chọn làm lãnh đạo thật sự có khát vọng vì cái chung, có năng lực, tư duy sáng tạo, phong cách và phẩm chất phù hợp.
Tìm được những nhân tố đó trong thời điểm hiện nay không quá khó, nếu chúng ta phát huy thật sự những "cảm biến xã hội" - người dân và phải là những cảm biến đúng nghĩa. Những "cảm biến xã hội" trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 càng nhạy bén hơn. Không gì bất minh mà có thể vượt qua hàng triệu cảm biến.
Đồng thời, chính nhà lãnh đạo cũng phải tự rèn luyện để có thể là những "người truyền lửa", như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là hình mẫu cảm hứng cho rất nhiều thế hệ.
Bằng tư duy, hành động và phát ngôn, dựa trên hiệu quả công việc, nhà lãnh đạo thực thụ sẽ tạo được niềm tin, gieo cảm hứng, thúc đẩy sự sáng tạo trong xã hội, để Việt Nam cất cánh chắc chắn không phải là một viễn cảnh.