Sống khỏe

Cái tết tỉ đô của người Trung Quốc

TTO - Dịp Tết Nguyên đán năm nay, người Trung Quốc đã “đốt” khoảng 926 tỉ nhân dân tệ (146 tỉ USD) cho các hoạt động mua sắm, xem phim và ăn uống, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cái tết tỉ đô của người Trung Quốc - Ảnh 1.

Các nghệ sĩ dân gian biểu diễn múa rồng dưới ánh sáng của những giọt sắt nung chảy trong màn biểu diễn truyền thống tại Bắc Kinh, Trung Quốc mừng năm mới Mậu Tuất 2018 - Ảnh: Reuters

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, doanh thu bán lẻ tại các nhà hàng và trung tâm thương mại Trung Quốc dịp Tết Nguyên đán năm nay (từ 15 đến 21-2) đã tăng 10,2%, đạt khoảng 926 tỉ nhân dân tệ (146 tỉ USD). 

Trong đó, các thiết bị gia dụng như robot lau sàn nhà trở thành mặt hàng hút khách nhất.

Mua sắm thắng thế

10% là mức tăng chi tiêu yếu nhất trong mùa nghỉ tết tại Trung Quốc kể từ năm 2005. 

Thị trường bất động sản kém sôi động và những biến động chao đảo trên thị trường chứng khoán ngay trước kỳ nghỉ lễ có thể là những nhân tố quan trọng khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư bất an, có lẽ vì thế mà chi tiêu cũng kém "bạo tay" hơn.

Quan sát xu hướng chi tiêu năm nay của người Trung Quốc, giới truyền thông nhận thấy người dân nước này tiếp tục chuyển đổi các dạng thức mua sắm từ những cửa hàng truyền thống sang mua sắm online. 

Suốt kỳ nghỉ lễ, 768 triệu người đã dùng ứng dụng WeChat Pay của Công ty Tencent Holdings để lì xì cho bạn bè và người thân. 

Cùng với đó, nhà bán lẻ trực tuyến lớn JD.com cũng ghi nhận đơn hàng trái cây và thực phẩm tươi tăng gấp đôi trước kỳ nghỉ lễ.

Người dân thích đi du lịch nhiều hơn thay vì ở nhà suốt một tuần liền như những kỳ nghỉ tết trong quá khứ. 

Năm nay, Trung Quốc ghi nhận mức kỷ lục 6,5 triệu người đi du lịch nước ngoài dịp tết. Doanh thu từ dịch vụ du lịch cũng tăng 12,6%, đạt 475 tỉ nhân dân tệ (74,85 tỉ USD) với 386 triệu du khách. 

Theo Cơ quan Du lịch quốc gia Trung Quốc, các điểm du lịch tại Đông Nam Á là những nơi thu hút nhiều du khách Trung Quốc hơn cả. 

Ngay tại Trung Quốc, khu công viên Shanghai Disneyland thu hút khoảng 200.000 lượt khách mỗi ngày dịp tết này.

Tiến tới nền kinh tế tiêu dùng

Ngay cả với những người dân không đi du lịch thì các hoạt động như xem phim, ăn uống như thường lệ vẫn ngốn một khoản tiền không nhỏ dịp tết. 

Năm nay, nhờ các bộ phim hài Monster Hunt và Detective Chinatown 2 đều do Trung Quốc sản xuất, doanh thu phòng vé tăng vọt 60%, đạt hơn 5 tỉ nhân dân tệ (788,65 triệu USD). 

Giới phân tích tại Công ty International Capital ước tính doanh thu phòng vé ở Trung Quốc sẽ tăng hơn 25% trong năm 2018, nhờ khởi đầu rất thuận lợi ngay từ đầu năm mới âm lịch.

Các số liệu thống kê về mức chi tiêu trong dịp tết cho thấy rõ sự chuyển biến của Trung Quốc trong quá trình tiến tới một nền kinh tế tiêu dùng, xa dần phương thức lấy xuất khẩu và đầu tư kiểu cũ làm động lực tăng trưởng phát triển kinh tế.

Ông Wen Bin, nhà nghiên cứu tại Ngân hàng China Minsheng Banking đặt ở Bắc Kinh, nhận định: "Sự đầu tư phát triển hạ tầng trong những năm gần đây tại các cơ sở dịch vụ ở địa phương như rạp chiếu phim và hạ tầng viễn thông, nhất là tại các thành phố hạng 3 và thậm chí hạng 4 (hạng thấp nhất trong 4 hạng mức phân loại 613 thành phố ở Trung Quốc, theo SCMP), đã khiến lớp trẻ hiện nay có điều kiện tiếp cận tốt hơn các dịch vụ giải trí, từ đó nâng mức tiêu dùng tổng quan trong tương lai. 

Mức chi tiêu lớn không chỉ giúp kích cầu trong nước, mà còn ở phạm vi toàn cầu".

Hài kịch của đài trung ương bị "ném đá"

Vở kịch vui phát tuần trước trong chương trình gala mừng năm mới trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV bị nhiều ý kiến chỉ trích có nội dung phân biệt chủng tộc, kỳ thị người da đen.

Vở kịch này là một phần nội dung trong chương trình truyền hình mừng năm mới thường niên lớn nhất và thu hút lượng người xem đông nhất ở Trung Quốc với khoảng 800 triệu người xem.

Trong đó, nữ diễn viên Trung Quốc bôi mặt đen và dùng mông độn giả để hóa thân thành một nhân vật người châu Phi, cùng với đó có một diễn viên da đen đóng vai một con khỉ.

Chủ đề vở kịch nhằm ngợi ca mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và các nước châu Phi.

Nhưng với nhiều khán giả, họ lại thấy cách thể hiện có những điểm xúc phạm và phân biệt chủng tộc.

Trước phản ứng của dư luận, ngày 22-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng bác bỏ chuyện nội dung vở kịch phân biệt chủng tộc, đồng thời khẳng định Trung Quốc "luôn phản đối mọi hình thức kỳ thị đối xử".

Ông Cảnh Sảng cũng cáo buộc ý đồ sử dụng chuyện này như một cái cớ để gây rối và phá hoại quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và các nước châu Phi.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,387,993       257