Sống khỏe

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, người tiêu dùng lãnh đủ

TTO - Nhiều chuyên gia khuyến cáo việc tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người tiêu dùng lãnh đủ.

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, người tiêu dùng lãnh đủ - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng việc tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước - Ảnh: Châu Anh

Ngay cả ý kiến ủng hộ đề xuất tăng thuế này cũng cho rằng ngành tài chính nên mở rộng nguồn thu, chống thất thu thuế... thay vì chỉ quan tâm đến việc tăng thuế.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:

Sẽ tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ

Lý giải khi đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của VN thấp hơn các nước trong khu vực là không thuyết phục. 

Theo Bộ Tài chính, nếu đề xuất được chấp thuận, ngân sách sẽ tăng thu hơn 15.500 tỉ đồng/năm. Rõ ràng quyền lợi của người dân chưa được xem xét đến.

Đặc biệt, giá xăng dầu cõng quá nhiều loại thuế và phí. Một lít xăng bán ra thị trường hiện phải chịu thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền 9%. Tổng tiền thuế khoảng 7.000 đồng/lít xăng. 

Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Nếu tăng thuế, chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tác động trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa kể chi phí sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh mức sống còn thấp.

Ông Đinh Nam Dinh (phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Cơ sở nào để tăng thuế bảo vệ môi trường?

Việc Bộ Tài chính đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường tăng lên 4.000 đồng/lít, tương đương 25% giá 1 lít dầu là 16.000 đồng, là quá cao và quá nặng. 

Và Bộ Tài chính đã không nói cụ thể mức thu này dựa trên cơ sở nào và liệu có đến mức số lượng khí thải từ 1 lít dầu được xử lý với giá 4.000 đồng?

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn do những chi phí khác như phí bảo trì đường bộ, phí BOT..., việc tăng phí môi trường là một gánh nặng cho doanh nghiệp bởi làm tăng giá cước vận tải. 

Tôi cho rằng Bộ Tài chính cần thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là trước khi ban hành thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, không nên áp đặt thu phí bằng mệnh lệnh hành chính.

Ông Lê Thành Thảo (phòng pháp chế Công ty CP vận tải Quang Châu):

Người tiêu dùng lãnh đủ

Việc đề xuất tăng thuế xăng dầu mức kịch khung là không hợp lý. Như vậy, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải chịu thêm một chi phí không nhỏ. 

Giá thành vận chuyển sẽ tăng cao, tính cạnh tranh với các doanh nghiệp khác thấp dễ dẫn tới thua lỗ. 

Khách hàng sử dụng các dịch vụ vận tải hàng hóa cũng phải chịu thêm chi phí, bởi giá thành nhiên liệu chiếm 30-40% giá thành vận chuyển.

Theo tôi, Nhà nước cần xem xét giảm bớt thuế phí môi trường để tạo điều kiện phát triển vận tải hàng hóa. 

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp vận tải hoạt động đã chịu rất nhiều thuế phí gây chậm phát triển, thua lỗ. 

Trong khi đó, hiệu quả cải thiện môi trường chưa rõ rệt. Nhà nước cũng cần xem xét, xây dựng các kế hoạch cải tạo môi trường sống.

Một chuyên gia (đề nghị không nêu tên):

Tăng thuế phải đi kèm thắt chặt chi tiêu

Tôi ủng hộ đề xuất này của Bộ Tài chính bởi giá nhóm mặt hàng này hiện đang thấp hơn các nước xung quanh.

Mặt khác, không tăng thuế sẽ khó đảm bảo cân đối ngân sách khi thuế nhập khẩu xăng giảm mạnh từ 20% còn 8% từ năm 2021, đến năm 2023 còn 5% và năm 2024 còn 0% khi nhập từ các nước ASEAN.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng phải xem xét cải cách thu bằng cách chống thất thu, mở rộng cơ sở thu và đặc biệt đưa ra các giải pháp thắt chặt chi tiêu, đảm bảo chi tiêu hợp lý, tiết kiệm từng đồng thuế của dân.

L.Thanh

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,388,243       224