Sống khỏe

Dương Nghiễm Mậu trở lại

TTO - 'Thập niên sinh tử lưỡng mang mang', câu thơ của Tô Đông Pha như ứng nghiệm vào cuộc đời lận đận của Dương Nghiễm Mậu.

Dương Nghiễm Mậu trở lại - Ảnh 1.

Đến lúc nhắm mắt lìa trần vào năm 2016, Dương Nghiễm Mậu vẫn chưa được cầm trên tay ấn bản mới những tác phẩm do chính mình viết trước năm 1975. Xuân 2018, một lần nữa kể từ sau năm 2007, Dương Nghiễm Mậu trở lại với độc giả hôm nay bằng tiểu thuyết Tuổi nước độc.

Tuổi nước độc thể hiện nỗi băn khoăn của tuổi trẻ trước cái phi lý của thời cuộc và nỗi phi nghĩa của chiến tranh trong định mệnh đất nước, cũng như số phận của từng cá nhân. 

Ở đó, tuổi trẻ lạc lối trong những chọn lựa lý tưởng, họ trở thành những người lạ trong chính cuộc đời họ, trong mối quan hệ gia đình, bạn bè...

Cuốn tiểu thuyết viết từ năm 1966 này đã phản ánh tâm trạng của lớp thanh niên bây giờ, khi chiến tranh vẫn kéo lê mũi kiếm của nó chém đứt biết bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu hoài bão, lý tưởng. 

Cái bi kịch của cá nhân càng đậm nét hơn khi nhân vật trong chuyện phần lớn là những người trẻ. Họ còn cả tương lai nhưng tương lai đã bị đánh cướp, họ còn cả cuộc đời nhưng cuộc đời họ gần như vô vọng.

Quyển sách cũng thể hiện niềm hoài nhớ một Hà Nội thân thương tưởng chừng trôi tuột trong những nhà văn di cư sau biến cố năm 1954 như Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền... 

Họ đem Hà Nội, đem miền Bắc quê cha vào tác phẩm của mình như một cách để không bao giờ quên cố thổ.

Tuy không phải là tác phẩm đặc sắc nhất của Dương Nghiễm Mậu, nhưng đây là cuốn tiểu thuyết định hình nên sinh quyển văn chương bao trùm lấy các tác phẩm về sau của ông.

Cùng với sự trở lại lần này của Tuổi nước độc, hi vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu cũng như những nhà văn trong dòng văn học đô thị miền Nam trước năm 1975 được tái bản.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,389,613       261