TTO - Đã xuất hiện những động thái bất ngờ của Anh được cho là “thách thức các tuyên bố chủ quyền” của Trung Quốc. Nhưng liệu nó sẽ đi đến đâu?
Tàu HMS Sutherland dự kiến đi ngang qua Biển Đông vào tháng 3-2018 - Ảnh: Hải quân hoàng gia Anh
"Biển Đông không phải chỗ cho sự phiêu lưu khờ khạo" - bài xã luận trên báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 22-2 giật tít, đề cập câu chuyện về con tàu khu trục HMS Sutherland của Anh dự kiến đi ngang qua Biển Đông vào tháng 3 này.
Ủng hộ FONOPs
Báo chí Trung Quốc đang nóng mặt về sự hiện diện của HMS Sutherland, nếu mọi thứ diễn ra đúng như dự kiến.
Tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 14-2 đăng bài viết chỉ trích quyết định điều tàu chiến tới Biển Đông. Tờ báo Trung Quốc chế nhạo rằng người Anh muốn chơi trội: "Nếu không phải là khiêu khích, Hải quân hoàng gia Anh nên hành xử chừng mực khi di chuyển qua Biển Đông. Bằng việc hành động cứng rắn với Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Anh đang cố thể hiện sự tồn tại của họ và thu hút sự chú ý".
Phản ứng trên diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson, trong một chuyến thăm Úc, xác nhận kế hoạch điều HMS Sutherland đến Biển Đông. Theo đó, chiếc tàu khu trục Type 23 của Hải quân hoàng gia này sẽ đi ngang Biển Đông trên đường trở về từ Úc.
Ông Williamson không xác nhận có thực hiện cái gọi là quyền đi lại vô hại xung quanh 12 hải lý của các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép hay không, nhưng đó chính là một hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) tương tự những chuyến tàu của Mỹ từ thời cựu tổng thống Barack Obama.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng không che giấu động cơ rằng Anh và Úc cũng như các quốc gia khác sẽ "khẳng định giá trị" ở Biển Đông.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh lần này, trùng hợp hay cố ý, đã diễn ra đúng thời điểm mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông. Ông Williamson trong đó cũng khẳng định "hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ (đối với FONOPs), chúng tôi ủng hộ những gì Mỹ đã và đang làm".
Đối tác lớn
Sự lấn cấn của Anh được thể hiện ở chính con bài HMS Sutherland, vì Trung Quốc cũng dĩ nhiên là một đối tác lớn, một sự lựa chọn khả thi về mặt kinh tế để Anh không lệ thuộc vào EU.
Báo Asia Times gọi đó là khái niệm "global Britain" (Anh toàn cầu) để nói về nỗ lực đa dạng hóa lựa chọn của chính quyền bà May, và điều này đẩy Anh vào tình thế tương tự các nước láng giềng của Trung Quốc: một mặt đối chọi với các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, một mặt vẫn phải để ngỏ khả năng hợp tác kinh tế.
Tìm điểm cân bằng
Rõ ràng với động thái này, người Anh đang đi ngược lại "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Anh - Trung Quốc, khái niệm được đưa ra khi Thủ tướng Anh David Cameron tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015.
Nó cũng là một chuyển động không thực sự được đánh giá cao về mặt thực tế, bởi chính quyền Thủ tướng Theresa May lúc này còn trăm thứ lo. Còn nói theo cách châm biếm như Hoàn cầu Thời báo thì chưa chắc HMS Sutherland thực hiện được chuyến đi Biển Đông bởi ngân sách bị cắt giảm.
Dự kiến đến hết đêm nay (23-2), bà May sẽ ở nhà riêng cùng với 11 đồng sự cấp cao của mình bàn về vấn đề Anh rời EU (Brexit).
Brexit vẫn đang là ưu tiên trong các bản tin chính trị Anh lúc này, với mấu chốt là các điều khoản cụ thể về tự do đi lại, luật pháp và đặc biệt là thương mại. Chính quyền Scotland và ngay cả quan chức Anh cũng chưa thống nhất được rằng họ sẽ rời EU theo cách nào, để Brexit không phải là đòn giáng chết người vào lĩnh vực thương mại.
Có thể thấy rằng Thủ tướng May đang vừa ra sức kêu gọi sự nhất trí nội bộ về Brexit, vừa tranh thủ tận dụng lợi ích chính trị để đa dạng hóa các lựa chọn thương mại trong trường hợp họ không rời khỏi EU với những thỏa thuận như mong muốn.
Để tận dụng lợi ích thương mại từ các đồng minh và bạn hữu lâu nay, Anh phải sát cánh với Mỹ và Úc trong những lĩnh vực khác, mà chính trị và yếu tố Trung Quốc là điển hình.
Vì thế không ngạc nhiên khi đầu tuần này, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và nhà đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto đều "hoan nghênh" ý tưởng rằng hậu Brexit, Anh sẽ tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (nay có tên mới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP).
Nghiêm túc hay PR?
Sự tham gia của Anh vào câu chuyện Biển Đông ở thời điểm này khiến nhiều nhà quan sát hoài nghi. Trang phân tích The Interpreter của Cơ quan nghiên cứu độc lập Lowy Institute (Úc) cho rằng người Anh nên cân nhắc tham gia các đợt tuần tra chung để đạt hiệu quả thông điệp cao về FONOPs hơn là thực hiện các nỗ lực đơn lẻ như vậy. Trang này khẳng định nếu Anh muốn tạo ảnh hưởng lên Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì cần thiết phải duy trì một sự hiện diện thường xuyên, bền vững, chứ đừng chỉ là một chiêu PR.