Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nói với Tuổi Trẻ rằng "giờ là lúc phải "nghĩ khác, làm khác"
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan
* Nhiều người quan sát nhận xét Đồng Tháp gần đây có nhiều cách làm bứt phá tạo ra sự khác biệt so với các tỉnh khác từ việc tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, thu hút đầu tư…
- Ông LÊ MINH HOAN: Chúng tôi cố gắng tạo dựng hình ảnh địa phương tốt đẹp để bù đắp những thua kém lợi thế cạnh tranh với nơi này, nơi khác; cố gắng biến tài nguyên vô hình gồm con người năng động và chiều sâu văn hóa thành tài sản hữu hình.
Chúng tôi luôn xem các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp như những người bạn đồng hành thực sự. Lãnh đạo tỉnh luôn thẩm thấu giá trị của "3 đỉnh tam giác" làm nên sự phát triển, đó là: Nhà nước - Thị trường - Xã hội.
Thị trường ở đâu? Ở chính nhà đầu tư và doanh nghiệp. Chúng tôi luôn trân quý giá trị về kiến thức kinh tế, thông tin thị trường mà doanh nghiệp đem đến cho chính quyền và bà con nông dân.
* Làm thế nào để tiếp tục phát huy lòng tâm huyết của đội ngũ cán bộ nhằm tiếp tục duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh PCI cao, thưa ông?
- Chúng tôi luôn nghĩ đến sự hài lòng thực sự đối với bộ máy công quyền từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bên cạnh chỉ số PCI, chúng tôi luôn trăn trở mỗi khi nghe những lời than phiền đây đó.
Tôi thực sự hạnh phúc khi nhiều nhà đầu tư đánh giá cao cả một guồng máy có trách nhiệm và năng động. Như vậy, từ ý chí của lãnh đạo đã dần trở thành ý thức tự thân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chúng tôi thường xuyên ngồi cùng với doanh nghiệp, nhà đầu tư để luôn lắng nghe và tháo gỡ từng nút thắt một.
Thu hoạch quýt hồng ở Lai Vung (Đồng Tháp) - Ảnh: THUẦN VÕ
* Ông dự báo thế nào về sự phát triển của đất nước và của khu vực ĐBSCL năm 2018?
- Sự thay đổi trong chỉ đạo, điều hành ở cấp vĩ mô với một Chính phủ "kiến tạo, minh bạch, liêm chính" sẽ truyền năng lượng mới cho xã hội. Sự năng động của các địa phương trong khu vực ĐBSCL chắc chắn sẽ tạo sức bật mới cho cả khu vực.
Những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ĐBSCL, nhất là Nghị quyết 120 của Chính phủ cần sớm được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách phù hợp. Đó là chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp". Đó là nông nghiệp thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và suy giảm tài nguyên nước.
Chúng ta hướng đến một xã hội luôn năng động, một chính quyền "biết kiến tạo để xã hội sáng tạo". Bước đầu hình thành đội ngũ nông dân thông minh để làm một cuộc cách mạng mới, tạo ra sản phẩm của nền nông nghiệp thông minh.
Năm mới, niềm trông đợi là làm sao để hàng triệu nông dân biết chăm chỉ, tự lực và hợp tác với nhau trong cuộc sống và trong sản xuất, kinh doanh; biết giảm chi phí và nâng cao chất lượng nông sản.
Làm sao để cộng đồng doanh nghiệp cùng thấu hiểu, đồng cảm với bà con nông dân để mối liên kết tiến đến bền vững, lòng tin cả hai phía được nâng lên qua từng mùa vụ.