Sống khỏe

VCCI đề xuất thu phí BOT theo số tiền tiết kiệm được

TTO - Giả sử một xe đi từ A đến B hết 500.000 đồng, sau khi có đường mới chỉ còn 300.000 đồng, như vậy tiết kiệm được 200.000 và chủ đầu tư chỉ được thu tối đa 100.000 đồng.

VCCI đề xuất thu phí BOT theo số tiền tiết kiệm được - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Phương pháp thu phí theo chi phí vận tải tiết kiệm được này khác với cách thức Bộ Giao thông - Vận tải muốn thu theo lượt hoặc chiều dài tuyến đường.

Quan điểm trên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại văn bản góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ để kinh doanh.

Cụ thể, cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cho rằng cách tính này bất cập khi phương pháp giá toàn tuyến (giá theo lượt) thường được áp dụng cho những dự án thu phí mở và hầm đường bộ.

Do đó, theo VCCI, cách tính giá này hoàn toàn không quan tâm đến chiều dài tuyến đường, chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông trước và sau khi có dự án đường bộ…

Đối với phương pháp theo chiều dài đường (giá theo chặng) vốn thường được áp dụng cho những dự án thu phí đóng, nên mặc dù giá đã được xác định dựa vào chiều dài tuyến đường, nhưng các yếu tố về chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông… cũng chưa được cân nhắc xem xét.

"Cách định giá này dường như quá chung chung, có thể gây ra nhiều hệ quả xã hội bất cập. Đơn cử như phương pháp toàn tuyến có thể dẫn tới tình trạng một đoạn đường dài 30km cũng được thu phí bằng với một đoạn đường dài 100km", VCCI nêu quan điểm.

Do đó, VCCI cho rằng hai phương pháp trên không giải quyết được tình trạng thu phí quá cao của một số dự án cải tạo, gây nên phản ứng tiêu cực từ phía chủ phương tiện và không khuyến khích được chủ đầu tư bỏ vốn.

VCCI khuyến nghị áp dụng phương pháp tính giá sử dụng đường bộ cho mỗi phương tiện giao thông dựa trên "chi phí vận tải tiết kiệm được" của phương tiện đó.

Cụ thể, giả sử chi phí trung bình để một xe tải cỡ 4 tấn - 10 tấn đi từ A đến B là 500.000 đồng. Sau khi xây dựng dự án đường bộ thì chi phí này giảm xuống chỉ còn 300.000 đồng.

Như vậy, một phương tiện đi từ A đến B sẽ được hưởng lợi 200.000 đồng. Nhà nước đặt ra quy định mức giá thu tối đa không được vượt quá 50% chi phí tiết kiệm được. Như vậy, chủ đầu tư chỉ được phép thu ở mức giá tối đa là 100.000 đồng.

Theo VCCI, phương pháp này mang lại lợi ích là sẽ tạo ra một mức giá phù hợp, do chủ đầu tư chỉ được phép thu giá bằng 50% những gì chủ phương tiện được hưởng lợi.

Đồng thời cách thu này cũng phù hợp với mọi loại dự án, tránh tình trạng "cải tạo đường cũ, thu phí như đường mới", tạo động lực cho các nhà đầu tư lựa chọn dự án hiệu quả.

Tính phí thế nào với các dự án BOT cải tạo mặt đường? Tính phí thế nào với các dự án BOT cải tạo mặt đường?

TTO - Chỉ cải tạo mặt đường sau đó thu phí như đường mới khiến dư luận phản ứng. Thanh tra Chính phủ cho rằng đó là hiện tượng "bất hợp lý và bất thường". Có một cách để giới tài xế vui vẻ mà nhà đầu tư cũng hài lòng.

Cũng theo VCCI, nhằm bảo đảm quyền lợi của các chủ đầu tư, cần bổ sung thêm điều khoản chuyển tiếp là đối với những dự án đã được phê duyệt hoặc ký hợp đồng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì việc chuyển sang mức giá mới cần có sự đồng ý của cả chủ đầu tư.

Liên quan đến quy định giảm giá sử dụng đường bộ cho người dân địa phương đối với các trạm thu giá theo lượt, VCCI cho rằng quy định này mới chỉ xác định về mặt nguyên tắc là sẽ giảm giá, chứ chưa quy định cụ thể mức giảm và đối tượng được giảm.

Do đó, để đảm bảo sự minh bạch và đồng bộ, VCCI cho rằng cần phải bổ sung các quy định về việc thông báo và lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp và người dân về dự án, bao gồm cả việc miễn giảm giá trong quá trình nghiên cứu, thẩm định dự án.

Cách tính chi phí dự án BOT

Trước khi xây đường, người ta tính chi phí của một chiếc xe chạy trên đường cũ, gồm chi phí xăng xe, chi phí thời gian lái xe… thậm chí cả phí đường bộ của đường cũ (nếu có).

Sau đó người ta tính chi phí để chiếc xe đó chạy trên đường mới. Khi xe chạy trên đường mới sẽ tốn ít chi phí hơn. Chủ phương tiện tiết kiệm được một khoản tiền.

NGUYỄN MINH ĐỨC (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI)

Tài xế đòi thối 100 đồng, BOT Rạch Miễu gọi cảnh sát giao thông Tài xế đòi thối 100 đồng, BOT Rạch Miễu gọi cảnh sát giao thông Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Ký hợp đồng BOT Cai Lậy tôi không tư túi' Thủ tướng: Bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT Thủ tướng: Bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,238,038       869