Sống khỏe

Năm mới nghĩ mới, làm mới

TTO - Năm mới phải nghĩ mới - làm mới để đạt hiệu quả cao hơn là "mệnh lệnh" của phát triển đồng bằng.

Năm mới nghĩ mới, làm mới - Ảnh 1.

Trồng sen ở đồng bằng miền Tây

Năm 2017 đã qua, cây lúa đồng bằng ghi dấu mốc sản lượng 25,7 triệu tấn, vẫn chiếm hơn một nửa sản lượng quốc gia. Thế nhưng điều vui hơn là sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của vùng từ lúa - thủy sản - trái cây sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, đánh dấu mốc quan trọng khác trong tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp vùng.

Hạt gạo đồng bằng đang được nâng tầm giá trị thay cho sản lượng bằng tư duy của kinh tế thị trường thay cho kinh nghiệm nông nghiệp truyền thống.

Doanh nhân Huỳnh Văn Thòn, người đi tiên phong xây dựng mô hình Cánh đồng lớn, tập hợp nông dân, đưa họ trở thành các cổ đông nông nghiệp với chia sẻ đầu năm rằng "Nền nông nghiệp chỉ lớn lên khi nông dân chịu làm ăn lớn". 

Nhìn rộng ra là cơ chế liên kết các tiểu vùng, liên kết vùng ĐBSCL với các tác nhân gắn bó bền chặt, cùng nhau hợp tác, chia sẻ lợi ích.

Năm mới nghĩ mới, làm mới - Ảnh 2.

TS. Trần Hữu Hiệp - Ảnh: Chí Quốc

Một điển hình thành công như tỉnh nghèo Đồng Tháp đã nổi lên như một hiện tượng, tạo ra điểm sáng thu hút đầu tư trên bản đồ "Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh". 

Lãnh đạo chính quyền học tập từ thực tiễn của doanh nhân, nông dân, đồng thời với tư duy mới đã truyền cảm hứng mới cho địa phương. Những mô hình Hội quán nông dân, cà phê doanh nhân, nông dân trồng xoài qua mạng, hợp tác xã kiểu mới và những bước đi căn cơ, bài bản như xây dựng đề án liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười, góp phần hiện thực hóa liên kết vùng ĐBSCL.

Những dự án nghìn tỉ trên đảo ngọc Phú Quốc, đặc khu hành chính - kinh tế tương lai, cũng mang lại kỳ vọng bằng thể chế vượt trội. Việc Bạc Liêu phát triển năng lượng sạch, xây dựng công xưởng nuôi tôm sạch… cũng thể hiện cách nghĩ, cách làm mới.

Phát huy các giá trị văn hóa, kinh tế bản địa và sức mạnh công nghệ, đổi mới sáng tạo không còn là cá biệt ở một vài nơi mà đã được quan tâm và là cách làm ở nhiều nơi.

Tất nhiên, ĐBSCL vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn cần phải vượt qua. Nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh đang là đòi hỏi của cách nghĩ, cách làm mới. 

Chuyển đổi mô hình, thay đổi tư duy, tôn trọng quy luật tự nhiên, kiến tạo phát triển bền vững vùng là quan điểm chỉ đạo, định hướng chiến lược quan trọng đã được Chính phủ định hình từ thực tiễn bằng Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là một quá trình dài trên con đường đi đến một đồng bằng an toàn, thịnh vượng trong tương lai.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,238,107       1,225