TTO - Tổng cộng 13 người Nga đang bị phía Mỹ buộc tội can thiệp vào cuộc bầu cử của nước này năm 2016, với nghi án đã giúp đỡ ông Donald Trump đắc cử.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người phụ trách cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ - Ảnh: Reuters
Hôm 16-2, ông Yevgeny Prigozhin cùng với 12 người khác và 3 tổ chức từ Nga đã bị chính phủ Mỹ buộc tội thực hiện các nỗ lực nhằm dẫn dắt dư luận trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Prigozhin là một doanh nhân giàu có và là người điều hành nhà hàng được cho thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thông tin này gây chú ý vì đó là chi tiết có thể khiến nhiều người nghiêng về ý kiến cho rằng chính phủ Nga dính tới cáo buộc can thiệp bầu cử này.
Hãng tin AP dẫn bản cáo trạng 37 trang nói rằng ông Prigozhin và những người thân cận của mình cung cấp nguồn tài trợ lớn cho cơ quan nghiên cứu Internet Research Agency (IRA), một tổ chức có trụ sở tại St. Petersburg (Nga).
IRA bị cáo buộc sử dụng các bài viết đăng tải trên truyền thông xã hội cũng như quảng cáo giả mạo tên người Mỹ để gây ảnh hưởng đến cuộc đua vào Nhà Trắng.
Năm 2016, ông Trump cạnh tranh với ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton cho vị trí Tổng thống Mỹ. Cơ quan điều tra Mỹ đã mở một cuộc điều tra đặc biệt nhằm vào nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và giúp ông Trump thắng cử.
Hiện nay Robert Mueller là công tố viên đặc biệt phụ trách vụ này.
Ông Yevgeny Prigozhin - Ảnh: Reuters
Reuters cho biết quan chức giám sát cuộc điều tra của ông Mueller nói rằng cuộc điều tra vẫn chưa kết thúc. Biên bản tòa án cho rằng những người Nga trong danh sách trên đã đưa thông tin gây chia rẽ, đến nước Mỹ để thu thập thông tin tình báo và trong đó đã ghé thăm 10 tiểu bang.
Ngoài ra, trong số 13 người Nga trên cũng tạo ra các hình ảnh giả mạo tác động tới cuộc bầu cử Mỹ, ví dụ việc mô tả bà Clinton trong bộ đồng mục nhà tù.
Trong một dòng trạng thái trên Twitter ngày 16-2, Tổng thống Mỹ Trump viết: "Nga bắt đầu chiến dịch chống lại Mỹ vào năm 2014, từ lâu trước khi tôi công bố ý định tranh cử tổng thống. Kết quả của cuộc bầu cử không bị ảnh hưởng. Chiến dịch tranh cử của Trump không làm gì sai - không có sự thông đồng".
Như vậy, ông Trump vẫn bác bỏ ý kiến nói rằng chiến dịch tranh cử của mình thông đồng với người Nga. Nhưng dẫu sao đây vẫn là ý kiến trực tiếp nhất của ông đối với nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, Reuters nhận xét.
Trong khi đó, thông tin về việc buộc tội 13 người Nga lần này tiếp tục nhận sự phản đối từ phía Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi cáo buộc trên là "vô lý" và mang tính giễu cợt khi cho rằng một bộ phận chỉ gồm hơn 10 người có thể tác động tới nền dân chủ Mỹ.
Về phần ông Prigozhin, doanh nhân này cũng phản ứng trước thông tin mình bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách cáo buộc như sau: "Người Mỹ rất nhạy cảm. Họ nhìn vào những gì mình muốn thấy. Tôi rất tôn trọng họ. Tôi hoàn toàn không giận dữ gì khi bị lọt vào danh sách ấy. Nếu họ muốn thấy ác quỷ thì cứ để họ thấy thôi".
Theo báo chí Mỹ, ông Prigozhin từng là một người bán bánh nướng, nhưng đã mở một trong những cửa hàng "phô trương" nhất ở St. Petersburg và được Tổng thống Putin để ý.
Trước đây ông Putin từng mời cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac ăn tối tại một trong những nhà hàng của Prigozhin. Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng tham dự nhiều chương trình của Prigozhin.