TTO - Mới đây Bộ Y tế Singapore cho biết bảy công ty sản xuất nước ngọt lớn ở quốc đảo này đã thông báo sẽ giảm lượng đường trong các sản phẩm của mình xuống mức dưới 12% vào năm 2020.
Người dân Singapore được khuyến khích vận động bằng cách đi bộ hoặc đạp xe - Ảnh: Lê Nam
Đây là động thái tức thì của các công ty chiếm đến 70% thị phần tiêu thụ nước ngọt ở Singapore để phản hồi lại yêu cầu của chính phủ là giảm lượng đường trong sản phẩm nhằm hạn chế bệnh đái tháo đường.
Thích uống nước ngọt
Bệnh đái tháo đường đang là nguy cơ lớn đe dọa sức khỏe của người dân Singapore đến nỗi đây là một trong những nội dung chính được đề cập trong bài phát biểu công bố chương trình hành động của chính phủ do Thủ tướng Lý Hiển Long công bố hồi giữa tháng 8.
Bích Ngọc - cô nhân viên người Việt phụ trách pha chế ở quầy nước uống tại khu buôn bán thức ăn và nước uống (Singapore gọi là hawker) ở khu nhà 112 đường Bukit Purmei - cho biết người dân Singapore thích uống nước có đường như nước trà chanh đóng chai, nước ngọt đóng chai. "Hồi mới qua, tôi pha ly nào cũng bị nhắc phải bỏ thêm đường vì họ uống ngọt lắm, ly cà phê nhỏ xíu nhưng phải cho thật nhiều đường, còn cà phê sữa thì toàn sữa đặc" - Bích Ngọc chia sẻ.
Quả thực thói quen uống nước có nhiều đường của người dân Singapore khá thường xuyên. Bộ Y tế Singapore cho biết có 60% lượng đường thu nạp vào mỗi người dân Singapore chủ yếu qua con đường... nước uống. Cụ thể là thông qua việc người dân nơi đây hay uống nước ngọt, nước trái cây, trà đóng lon và cà phê.
Quá nhiều người mắc bệnh
Ngồi ăn cùng bàn chúng tôi là ông Hồ 46 tuổi, cho biết mấy hôm nay ông cố thay đổi thói quen uống nước khi ăn. Thay vì hay gọi trà chanh hoặc lon nước ngọt ướp lạnh thì ông gọi lon nước ngọt có lượng đường bằng không.
"Hôm vừa rồi nghe bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi phải thay đổi cách thức ăn uống để hạn chế bệnh đái tháo đường, tôi mới biết một lon nước ngọt chứa đến 8 viên đường (tương đương 24 gam đường hay khoảng 6 muỗng cà phê - NV), nhiều hơn cả lượng đường cần thiết cho mỗi người trong cả ngày" - ông Hồ nói.
Chính phủ Singapore thông báo cứ 10 người trên 60 tuổi ở nước này có 3 người bị đái tháo đường. Singapore với dân số hơn 5 triệu người hiện có hơn 400.000 người mắc căn bệnh này. Dự kiến số người mắc phải căn bệnh này có thể lên đến 670.000 vào năm 2030 và 1 triệu vào năm 2050 nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Hiện có khoảng 10.000 người chịu đựng các biến chứng từ bệnh đái tháo đường và con số này sẽ lên đến 25.000 vào năm 2050. Chính phủ lập tức yêu cầu các công ty sản xuất nước ngọt phải lên kế hoạch giảm lượng đường trong các sản phẩm của mình.
Singapore thông báo họ đã có kế hoạch đầu tư khoảng 18,5 triệu USD trong 5 năm từ 2016 - 2021 cho chiến lược ngăn chặn bệnh đái tháo đường, đồng thời xác định ngoài việc kêu gọi sự tham gia của xã hội, chính phủ sẽ can thiệp để phòng ngừa, xét nghiệm sàng lọc, kiểm soát, giáo dục thói quen tiêu dùng sản phẩm có đường của người dân.