Sống khỏe

Tháng 9 về lại an toàn khu - Kỳ cuối: ATK ngày nay

TTO - Nếu huyện Định Hóa (Thái Nguyên) là ATK trung tâm của “thủ đô kháng chiến” thì xã Phú Đình lại là trung tâm của ATK Định Hóa. Ngày nay, các điểm di tích đã được tôn tạo, xây dựng trở thành các điểm du lịch lịch sử, sinh thái.

Tháng 9 về lại an toàn khu - Kỳ cuối:  ATK ngày nay - Ảnh 1.

Cánh đồng Khuôn Tát tại huyện Định Hóa hôm nay - Ảnh: ĐỨC BÌNH

Phải nói thẳng là nhờ có ATK, Phú Đình đang ngày một thay da đổi thịt, đời sống người dân đồng bào đang ngày một đi lên, theo hướng cải thiện tốt hơn...

Chủ tịch xã Trương Văn Vựng

Ban quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, nhà trưng bày ATK Định Hóa cũng được đặt ở đây.

Vẫn còn nghèo

Theo thạc sĩ sử học Đồng Khắc Thọ, những năm gần đây Nhà nước rất quan tâm, đầu tư nhiều cho ATK Định Hóa. Tuy chưa thể quy mô, "bài bản, khang trang" như bên ATK Tân Trào cách đó vài kilômet, nhưng nếu so với ATK Chợ Đồn bên Bắc Kạn thì ATK Định Hóa cũng "mát mặt mát mày".

UBND tỉnh Thái Nguyên đã lập hẳn ban quản lý, với đội ngũ nhân sự trên 70 người, đủ các ban bệ từ phòng tư liệu, tổ di tích, hướng dẫn đến du lịch sinh thái. Hằng năm cấp ngân sách nhiều tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng, tôn tạo các hạng mục và đầu tư vào công tác du lịch. 

Trụ sở ban khang trang, hoành tráng với tòa nhà hai tầng nằm ngay trên đỉnh đèo De cùng hệ thống các nhà sàn bêtông giả gỗ xung quanh, phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của du khách.

Ông Trương Văn Vựng, chủ tịch UBND xã Phú Đình, cho biết xã có 22 thôn và hầu như thôn nào cũng có các

điểm di tích thời ATK. Xã có gần 6.200 khẩu, chủ yếu là người Tày, Dao, Sán Chí... Dù vẫn thuộc diện xã nghèo nhưng khoảng chục năm trở lại đây, nhờ là xã ATK - trung tâm của "thủ đô kháng chiến", nên cũng được quan tâm, đầu tư.

Từ năm 1998 thì điện lưới quốc gia đã về đến xã, năm 2016-2017 điện lực đã, đang đầu tư, dựng ba trạm biến áp tại xã, thay hết dây hạ thế trần bằng dây có vỏ bọc.

Đầu những năm 1990, con đường tỉnh lộ chạy qua xã cũng được trải nhựa, và nay thì đường còn được mở rộng hơn, trải nhựa phẳng đẹp hơn. Đường từ trung tâm xã đến trung tâm 22 thôn cũng đã hoàn thành cứng hóa, bêtông.

Hiện trường tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia, và năm 2016 một tập đoàn lớn tặng gần 10 tỉ đồng cho trường mầm non và trường THCS để xây dựng hạ tầng, phấn đấu trong một hai năm tới cũng sẽ đạt chuẩn quốc gia.

Mỗi năm xã được cấp 1 tỉ đồng cho xây dựng cơ bản, 600 triệu đồng cho công tác xóa đói giảm nghèo. 100% người dân trong xã đã được ưu đãi, hưởng chế độ BHYT.

Tháng 9 về lại an toàn khu - Kỳ cuối:  ATK ngày nay - Ảnh 4.

Ông Đồng Khắc Thọ đã dành nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, viết sách về ATK Việt Bắc - Ảnh: V.V.TUÂN

Theo ông Vựng, theo chuẩn nghèo mới thì hiện cả xã vẫn còn trên 30% hộ nghèo (trong tổng số hơn 1.500 hộ toàn xã), nhưng do được đầu tư, hỗ trợ nên những năm gần đây, mỗi năm xã giảm được 4-5% số hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người (năm 2016) đạt 17 triệu đồng/năm.

Về khó khăn, chủ tịch UBND xã Phú Đình cho biết hiện xã vẫn chưa có chợ theo tiêu chí nông thôn mới, vẫn chỉ là chợ cũ tranh tre. Số hộ dân sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh hợp vệ sinh chỉ trên 40%. Số hộ dân làm dịch vụ từ các điểm du lịch, di tích lịch sử vẫn thấp. 

Người dân trong xã sống chỉ dựa vào hơn 200ha lúa nước hai vụ, khoảng 220ha chè, không có nghề phụ. Đất rừng thì lớn, nhưng trên 2.000ha/3.000ha rừng trong xã là rừng đặc dụng nên dân cũng không khai thác được gì nhiều...

ATK Chợ Đồn: bồn chồn chờ đầu tư

Không được "khang trang" như ATK Tân Trào hay Định Hóa, các điểm ATK Chợ Đồn hiện vẫn hoang vắng bóng người. 

Các điểm di tích Bản Ca, Nà Quân (xã Bình Trung), Khuổi Linh (Nghĩa Tá), Nà Pậu (Lương Bằng)... mới chỉ được phục dựng sơ sài, thậm chí nhiều di tích là nơi Bác Hồ và các lãnh đạo trung ương, cơ quan trung ương ở, làm việc (cuối năm 1947 và năm 1951) hiện giờ mới chỉ phục dựng được một số hạng mục. 

Nhiều hạng mục quan trọng (như nơi Bác ở, hội trường của Trung ương Đảng) vẫn chỉ là những tấm bia dựng tạm lên trong một khuôn viên được rào kín.

Đường dẫn đến các điểm di tích đều sạt lở đất nghiêm trọng sau đợt mưa "kỷ lục" kéo dài suốt mấy chục ngày. Nhiều đoạn xe ôtô không thể qua, phải tăng-bo bằng xe máy... 

Tháng 9 về lại an toàn khu - Kỳ cuối:  ATK ngày nay - Ảnh 5.

Di tích Bản Ca (xã Bình Trung, Chợ Đồn, Bắc Kạn), nơi Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 8 đến tháng 12-1947 - Ảnh: ĐỨC BÌNH

Dẫn chúng tôi đi thăm các di tích, ông Nguyễn Tiến Trình, phó Phòng văn hóa thông tin huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), cho biết ATK Chợ Đồn có rất nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có sáu điểm di tích vừa mới được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt (cuối năm 2016).

Tại di tích cấp quốc gia đặc biệt là Bản Ca - nơi Bác Hồ từng ở và làm việc từ tháng 8 đến tháng 12-1947 - mới chỉ có bức phù điêu và một tấm bia dựng lên trên khuôn viên nhỏ chưa đầy 100m2 nằm ngay bên đường tỉnh lộ. 

Di tích Nà Quân cũng chỉ rào quanh, đặt tấm bia đánh dấu. Chỉ có ông Bàn Văn Tùng, cán bộ văn hóa xã Bình Trung, được giao kiêm nhiệm quản lý các di tích cấp xã.

Còn tại di tích Nà Pậu (xã Lương Bằng), nơi Bác Hồ từng ở và làm việc năm 1951, thì đã được đầu tư, dựng lại nguyên mẫu cái lán Bác từng ở, lán bảo vệ, hầm trú ẩn của Bác. 

Phía bên ngoài, công trình bảo tàng ATK Chợ Đồn cũng được xây dựng, nhưng khi chúng tôi có mặt, các di tích này không một bóng người, lối vào di tích được rào chắn để ngăn trâu bò, gia súc. 

Khắp nơi cỏ leo, cành cây khô, lá mục phủ đầy. Phía trong bảo tàng thì trống tênh chẳng có hiện vật gì...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Văn Trường, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bắc Kạn, cho biết: "Cuối năm 2016, các di tích ở ATK Chợ Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là di tích cấp quốc gia đặc biệt, sẽ được đầu tư, tôn tạo. 

Nhưng cũng lúc này, Bộ KH&ĐT lại có thông tư dừng các dự án quy hoạch nhỏ lẻ, địa phương để chờ Luật quy hoạch chung. 

Chúng tôi thấy cần phải có một ban quản lý khu di tích ATK như bên Thái Nguyên hay Tuyên Quang. Vì thế, dù khó nhưng chúng tôi cũng quyết tâm từ nay đến năm 2020 sẽ thành lập và ra mắt ban quản lý di tích ATK Chợ Đồn".

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,365,742       717