TTO - Con số kỳ tích và những bước đi tiến bộ, hiện đại đến tận hôm nay của giáo dục Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp đã được nhắc nhớ, phân tích, lật đi lật lại.
Ông Võ Anh Tuấn (phải), nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ, tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG
"Ba triệu người đã thoát nạn mù chữ. Các trường tiểu học, trung học giữa bưng biền kháng chiến dạy các môn xã hội, tự nhiên và cả ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa. Các môn học đều gắn với thực hành, ứng dụng trong đời sống, xây dựng cho học viên tính tự chủ, sáng tạo…".
Con số kỳ tích và những bước đi tiến bộ, hiện đại đến tận hôm nay của giáo dục Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp đã được nhắc nhớ, phân tích, lật đi lật lại...
"Diệt giặc dốt - Việt Nam cường"
Khẩu hiệu lung khởi này được các cán bộ lão thành lặp đi lặp lại đầy tự hào. Ông Lê Quang Thành kể: "Khi tham gia phong trào Thanh niên tiền phong, chúng tôi có hai nhiệm vụ: ban ngày đội thanh niên luyện tập, tối mở các lớp xóa mù chữ cho trẻ em, người lớn tuổi gọi là phong trào "gieo ánh sáng".
Chúng tôi đi dạy, bà con đi học rất hăng say. Đến Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập, các lớp "gieo ánh sáng" lại càng sáng chan hòa. Nhưng độc lập ở miền Nam chỉ có 29 ngày, Pháp đã nổ súng đánh chiếm trở lại.
Chúng tôi lại phải chặt tầm vông, mài dao mác, các lớp học gián đoạn và được nối lại sau đó một thời gian ngắn với phong trào Bình dân học vụ "Diệt giặc dốt - Việt Nam cường" của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ".
Kháng chiến không chỉ có tầm vông, giáo mác, súng đạn, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ kêu gọi các nhân sĩ, trí thức, giáo sư, công chức cùng tham gia.
Năm 1947, Sở Giáo dục Nam Bộ thành lập, giáo sư Nguyễn Văn Chì vừa vào bưng biền được bổ nhiệm làm giám đốc.
Trước đó, trong thành phố Sài Gòn bị Pháp tạm chiếm, ông Nguyễn Văn Chì quyết bất hợp tác với Pháp, ngày ngày ôm bọc kim chỉ đi bộ ra bày bán ở chợ Cầu Ông Lãnh.
Trước đó nữa, những ngày trước Cách mạng Tháng Tám, những ngày độc lập đầu tiên, ông là giáo sư dạy môn luân lý ở Trường Petrus Ký.
Trưởng phòng Bình dân học vụ là ông Nguyễn Hậu Lạc, đến hôm nay những người già với mái tóc bạc trắng đến tham dự tọa đàm vẫn gọi thân thiết "bác Ba Hậu Lạc".
Tên của ông được lấy chữ trong câu "tiên ưu hậu lạc", vận vào con người và cả cuộc đời: lo cho người khác, cho nhân dân trước, mình sau.
Ông đưa ra quan điểm cho phong trào Bình dân học vụ: giáo dục cách mạng, gạt bỏ nội dung nô lệ trong chương trình giáo dục thực dân cũ, thay những gì không cần thiết bằng nội dung phục vụ chiến đấu, sản xuất, góp phần đào tạo con người mới, phát triển toàn diện.
Ông Võ Anh Tuấn, nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ thời ấy, kể về cuộc thảo luận để viết ra chương trình, sách giáo khoa: "Tất cả ban giám đốc lẫn những giảng viên được chọn hồi ấy đều là những người học trường Tây, sách Tây, nói viết tiếng Tây thạo hơn tiếng Việt. Thế bây giờ làm sao?
Bàn cãi, mày mò rồi các thầy quyết định: Với những môn khoa học tự nhiên thì lấy nguyên xi chương trình sách vở của người Pháp rồi dịch ra dạy.
Với các môn xã hội, nguyên lý khoa học căn bản thì giữ, soạn lại lịch sử, địa lý Việt Nam, dạy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, căm thù giặc ngoại xâm, học để làm người, phụng sự nhân dân, Tổ quốc.
Cứ như thế, những trang sách, bài giảng đã được soạn ra dưới đèn dầu leo lét...".
Quá nhiều bài học còn lại
Hội thảo hôm nay có nhiều người là học sinh các trường trung học Thái Văn Lung, Nguyễn Công Mỹ, Nguyễn Văn Tố trong bưng biền hồi ấy.
Bà Nguyễn Thị Liễu kể: "Để vào được Trường trung học Bạc Liêu, còn gọi là Trường Nguyễn Văn Nguyễn, tôi đã phải tham gia một kỳ thi tuyển nghiêm ngặt các môn chính tả, toán và luận văn. Được nhận rồi thì đi kéo lá dựng trường, chặt cây tự đóng bàn ghế, mỗi tháng được cấp một giạ lúa, thức ăn tự lo, balô luôn phải sẵn sàng chờ báo động...
Thiếu thốn khó khăn là vậy nhưng tinh thần học tập rất nghiêm túc. Chúng tôi đã trưởng thành và vững vàng đi trên con đường của mình là nhờ đó. Nhắc lại tên những ngôi trường mái lá trong rừng xưa, tôi rất tự hào".
3 triệu người thoát mù chữ, 10 vạn cán bộ, học sinh có trình độ văn hóa vững vàng đã bước ra từ những ngôi trường, lớp học như thế, góp phần rất lớn của mình cho thắng lợi của cuộc kháng chiến.
"Quá nhiều bài học cho giáo dục ngày hôm nay", ông Võ Anh Tuấn nói. Ông đưa chúng tôi xem cuốn sổ mà ông thường ghi chép những đề mục trên báo Tuổi Trẻ: "Đây, "nhập khẩu chương trình giáo khoa Phần Lan về khoa học", chúng tôi đã làm từ năm 1948; "Mục tiêu của giáo dục là con người", thì giáo dục còn có thể có mục tiêu nào khác nữa?".
Nói rồi ông lại trầm ngâm: "Tại sao chúng tôi đã làm được như vậy? Là nhờ đội ngũ trí thức đã một lòng một dạ dốc tâm dốc sức vì đất nước, vì nền độc lập dân tộc mà bỏ tất cả sự nghiệp rỡ ràng, đời sống sung túc ở Sài Gòn, ở Pháp để vào bưng biền theo kháng chiến.
Đây lại là một bài học lớn nữa mà lúc nào, thời kỳ nào cũng cần phải nhớ, phải nghiên cứu để cố gắng học theo. Không có trí thức, không mở rộng và đào sâu giáo dục, những mục tiêu của cuộc kháng chiến bao xương máu khi xưa có thể bị đe dọa, bị lệch hướng".
90 tuổi đời, 75 năm tham gia cách mạng trong lĩnh vực giáo dục, ngoại giao, ông Võ Anh Tuấn đã rút ra bài học cho cuộc đời như thế.
Kỳ tích góp vào thắng lợi
Sáng 7-9-2017, Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm khoa học "Chín năm xây dựng nền giáo dục Nam Bộ - Thành quả và kinh nghiệm (1945 - 1954)".
Tọa đàm đã nhận được 101 tham luận của các vị lão thành cách mạng là giáo sư, giảng viên, giáo viên, học sinh cũ của các trường trung học trong bưng biền khi xưa, cùng các nhà nghiên cứu lịch sử, giáo dục ngày nay.
Các tham luận tập trung vào tính "Đại chúng hóa - Dân tộc hóa - Khoa học hóa" của nền giáo dục kháng chiến, đào tạo ra hàng vạn cán bộ, chiến sĩ với tính chất "Cách mạng - Chủ động - Sáng tạo", xóa mù chữ cho gần 3 triệu người.
"Những kỳ tích đó đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Nam Bộ đến thắng lợi" - bà Thân Thị Thư, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, nhận định.