Xã hội

TP.HCM vẫn thu phí bảo trì đường bộ qua xe máy

PN - Nhiều đại biểu HĐND TP.HCM kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ qua xe máy, nhưng Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, trong khi chờ quyết định (tạm dừng thu) của Chính phủ, TP.HCM vẫn tiếp tục thực hiện việc thu phí.

Vấn đề thu phí xe gắn máy tiếp tục trở thành đề tài “nóng” trong ngày họp thứ 2 kỳ họp thứ 18 HĐND TP.HCM khóa VIII, diễn ra vào ngày 29/7.
Đại biểu Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND quận 9, cho rằng: Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ từ ngày 1/1/2016, người dân hiện nay cũng rất phản ứng nên quận 9 đề nghị TP dừng thu trong năm 2015 để đảm bảo tính công bằng, bởi nếu thu nữa thì không vận động được nhân dân đóng.

Bà Liên cho biết thêm, sau khi HĐND TP có nghị quyết về việc thu phí đường bộ qua xe máy, UBND TP đã có quyết định về việc triển khai thu phí này, trong quyết định nêu rõ sẽ có hiệu lực trong tháng 5 và việc thu phí hoàn thành trước ngày 30/7.

Khi nhận được quyết định này, quận 9 đã liên hệ với sở tài chính và đã được hướng dẫn. Sau khi triển khai, quận đã thu được 1,2 tỉ đồng với khoảng 13.000 phương tiện (trong tổng số 80.000 phương tiện xe máy đang trên địa bàn). Nếu thu tốt thì hàng năm quận 9 sẽ có thêm 4 tỉ để bảo trì đường bộ, chiếm khoảng 10% tổng kinh phí duy tu giao thông của quận.

Bà Liên nói: “Hiện tại có rất nhiều thông tin nên người dân rất băn khoăn, tiếp tục thu nữa thì hiệu quả không cao. Chúng tôi đảm bảo không thất thoát số tiền đã thu nhưng nói là công bằng giữa người đóng hay không đóng thì chưa có”.

Theo đại biểu Trần Thị Tuyết Hồng, việc thu phí trong thời gian qua, về cơ sở pháp lý thì đầy đủ, nhưng hiệu quả thu được rất thấp, chỉ đạt tỉ lệ chưa tới 30% số cần thu.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT nhận định, rất khó có thể áp dụng các biện pháp chế tài mà cần phải có sự đồng thuận cao của người dân thì việc thu mới đạt hiệu quả. Nhưng trong thời gian qua, người dân vẫn băn khoăn là có thu hay không thu, do đó chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Đại biểu Trần Quang Thắng (Q.8) đưa ra ví dụ, quận 8 có 1.809 tổ dân phố, nếu thực hiện thu, sẽ thu được khoảng 1 tỉ đồng. Như vậy, tính ra mỗi tổ khoảng 2 người chỉ thu được chừng 400.000 đồng. Ông Thắng đặt câu hỏi: “Có nên thực hiện một công việc mà mất nhiều thời gian vô nghĩa như vậy không? Nếu hiệu quả thấp thì nên dừng thu”.

Trước đó, trong buổi thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cũng cho rằng việc thu phí bảo trì đường bộ qua xe máy như Nghị định 18 là không hợp lý. Nếu TP.HCM tiếp tục thu thì lại đi vào vết xe đổ của các tỉnh khác. Theo đại biểu Lâm Thiếu Quân, việc thu phí này cần có chế tài rõ ràng để đảm bảo công bằng, nếu cứ như hiện nay thì rất khó.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: Trước đây, nhận thấy tình hình thu phí có nhiều khó khăn nên HĐND TP.HCM cũng đã có kiến nghị với Quỹ bảo trì đường bộ trung ương, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin tạm dừng thu phí.

“Nghị quyết của HĐND TP là thực hiện Nghị định 18 của Chính phủ. Nếu Chính phủ đồng ý tạm dừng thì ngày 1/1/2016, TP.HCM sẽ tạm dừng. Còn hiện tại, vẫn chấp nhận đề nghị của UBND TP là tiếp tục thực hiện nghị quyết của HĐND TP về thực hiện Nghị định 18. Đề nghị các sở ngành liên quan có biện pháp thu hợp lý, đảm bảo nguồn thu được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, sử dụng nguồn thu đúng mục đích”, bà Tâm nói.

Dự kiến phiên chất vấn tại hội trường ngày mai (30/7), các đại biểu sẽ chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM về xét xử án dân sự chậm và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm của các cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cao.

QUỲNH MAI

www.phunuonline.com.vn

thu phí bảo trì đường bộ, kỳ họp HĐND


      © 2021 FAP
        732,310       45