Xã hội

Người dân bấm bụng trả 100.000đ cho một mét khối nước

PN - Do nước sạch chưa được dẫn đến nhà, rất nhiều hộ dân buộc phải mua nước từ nơi khác chuyển về với giá cao từ 6-16 lần.

Phải mua nước giá cao gấp 16 lần

Đó là câu chuyện tưởng ở nơi nào xa xôi, nhưng lại diễn ra ở khu dân cư nằm sát đường Vĩnh Lộc thuộc ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM. Biết chúng tôi ghi nhận tình hình sử dụng nước sạch, nhiều hộ dân bức xúc, kiến nghị ngành cấp nước triển khai lắp đặt đường ống vào khu dân cư.

Anh Văn Thành Đồng, nhà số E 20/91 cho biết: “Khu dân cư có gần 100 hộ sinh sống, con đường dẫn vào đây chỉ cách đường chính (đường Vĩnh Lộc) 500m, nhưng chỉ khu vực đầu đường có nước sạch, toàn bộ dân trong hẻm này phải chờ. Đáng nói là nguồn nước ngầm rất xấu, hầu hết nước các giếng khoan đều nhiễm phèn, hôi tanh, chỉ sử dụng để tắm giặt, riêng ăn uống thì phải mua nước bình giá 10.000đ/bình hoặc mua nước sạch ở đầu đường với giá 3.000đ cho can 30 lít. Tính ra, chúng tôi phải trả đến 100.000đ cho một m3 nước, đắt gấp 16 - 17 lần so với giá của Nhà nước đưa ra”.

Xót ruột nhất là các hộ dân sống trọ trong khu vực này, bởi hầu hết là dân lao động nghèo, do giá nước đắt nên họ phải hạn chế hoặc xài xen kẽ giữa nước sạch và nước giếng khoan dù mùi rất hôi tanh. Dẫn chúng tôi ra hồ nước bên hông dãy nhà trọ với lớp phèn vàng đóng quanh hồ, mặt nước có màng lợn cợn, cô Ngô Nữ vốc ngụm nước lên, mùi hôi tanh xộc vào mũi. “Tôi bán vé số. Chồng tôi bị tai biến, mỗi ngày đều uống thuốc Bắc, nếu nấu bằng nước giếng thì hôi lắm uống không được nên phải mua nước sạch, năm ngày hết một can, còn ăn uống tắm giặt thì vẫn xen kẽ nước giếng thôi”, cô Nữ chia sẻ.

Dù mua nước sạch với giá rẻ hơn với 1.000đ cho can 30 lít (khoảng 34.000đ/m3) nhưng các hộ dân trong khu vực kênh 5 nông trường Phạm Văn Hai, ấp 4, xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh cũng khốn khổ vì tình trạng thiếu nước sạch. Đang rửa chân cho cậu con trai gần hai tuổi, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, than: “Rửa chân thôi mà cũng ớn vì nước hôi quá, nhìn váng nước nổi lềnh bềnh như mỡ”. Được biết, toàn bộ khu vực này, nguồn nước đều nhiễm phèn nặng, không thể tắm giặt.

Chỉ riêng gia đình chị Mai, trong vòng ba năm đã khoan bốn cái giếng nhưng nước giếng hiện tại vẫn hôi tanh. Ngồi nhẩm tính, chị cho biết: “Gia đình tôi bốn người, một ngày phải mua tám can nước để tắm giặt cho mấy đứa nhỏ, rồi mua thêm nước bình lọc về uống, tổng cộng tốn gần 300.000đ/tháng. Không biết khi nào đường ống nước dẫn vào đây, dù đầu hẻm cách 500m thôi mà người ta có nước sạch xài rồi”.

Nhà gần đấy, chị Nguyễn Thị Tám cũng tâm tư vì 10 năm ròng phải mua nước sạch sử dụng. Tính ra mỗi tháng chị mất hơn 200.000đ, chưa kể phải mua thêm phèn về khử nước trong hồ để giặt quần áo.

Để có nước sạch, người dân ấp 4, xã  Phạm Văn Hai phải đi mua nước với giá 1.000đ/can 30 lít

Mỏi mòn chờ nước sạch

Vừa qua, kết quả kiểm tra của Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM về chất lượng nước tại 1.400 vị trí lấy mẫu (tập trung bảy quận - huyện gồm: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Tân, Thủ Đức và Q.12) chỉ có 58 mẫu (4,14%) đạt chỉ tiêu hóa lý. Hầu hết các mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý là do độ pH thấp và hàm lượng sắt cao. Như vậy, chất lượng nước tại các vị trí kiểm tra hầu hết không đạt Quy chuẩn Việt Nam 02: 2009/BYT của Bộ Y tế.

Tính đến nay, toàn thành phố vẫn còn 358.351/1.874.114 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch hoặc nước ngầm đã qua xử lý. Hàng trăm ngàn hộ dân này vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng mà nhiều nguồn chưa đạt chỉ tiêu của Bộ Y tế đưa ra.

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống quanh khu vực gần bãi rác Đông Thạnh ngày đêm mong nước sạch về, bởi nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng. Dù Công ty TNHH Cấp nước Trung An đang cố gắng đầu tư đường ống nhưng đến nay chỉ gắn đồng hồ nước cho hơn 2.300 hộ (chiếm 21,5% hộ dân toàn xã). Nước có mùi hôi tanh của phèn, rất khó sử dụng là đặc điểm chung mà chúng tôi ghi nhận tại các ấp 2, 3, 5, 7 (xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn). Hầu hết các hộ dân phải mua nước bình lọc phục vụ cho ăn uống.

Chị Trần Thị Sen (nhà số 65/5 ấp 3) tha thiết: “Chúng tôi mong nước dữ lắm, nhà có trẻ con, không có nước sạch để tắm giặt, nấu nướng, lo lắng lắm”. Tương tự, khu dân cư nằm gần ngã ba Đồn thuộc ấp 5, xã Đông Thạnh cũng “khát” nước nhiều năm nay. Đến khu vực xã Bình Mỹ, H.Củ Chi, nơi nguồn nước thường xuyên bị nhiễm phèn, rất nhiều hộ dân cũng chưa có nước sạch, phải sử dụng nước giếng khoan. Một số khu vực được Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đưa bồn chứa dung tích lớn về để người dân sử dụng nhưng chỉ rải rác.

Tại khu phố 10, P.11, Q.Gò Vấp, hơn 250 hộ dân dù đã sinh sống tại đây gần 16 năm trời, nhưng vẫn chưa biết đến một giọt nước máy, chỉ dùng nước giếng bơm. Điều đáng lo, khu vực này trước đây được biết đến là khu nghĩa địa. Vì vậy, nguy cơ nguồn nước giếng bị ô nhiễm là rất lớn.

Xả vòi nước cho chúng tôi xem, anh Vương Minh Hoàng (ở số 176 đường số 8, P.11) lắc đầu: “Tôi không biết nước ở đây ô nhiễm cái gì. Lúc màu trắng, lúc màu vàng. Bề mặt nước nổi váng như mỡ, có mùi hôi, tanh. Dưới đáy thùng đóng cặn vàng nhờn nhợt”. Theo anh Hoàng, những năm gần đây anh chỉ dám dùng nước này để tắm rửa, giặt giũ, còn ăn uống phải mua nước bình về dùng. Hàng tháng gia đình anh tốn từ 400.000 - 500.000đ tiền nước.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh (ở số 361B đường số 8, P.11) than: “Nhà tôi rất khó khăn, tổng thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng chỉ khoảng ba triệu đồng, nhưng phải tốn tiền nước rất lớn. Nhiều lúc hai vợ chồng đành “nhắm mắt” uống nước bẩn”.

Điều đáng nói, theo nhiều người dân P.11, trong khi họ “khát” nước hàng chục năm qua thì đường ống nước chỉ nằm cách nhà họ vài mét. Tất cả các hộ dân xung quanh đều có nước sạch dùng từ lâu, riêng họ phải “dài cổ” chờ từ năm này sang năm khác. Người dân cho biết, đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, sau đó cán bộ phường đến ghi nhận, lấy ý kiến rồi về, còn nước sạch đâu không thấy.

Tương tự, trên địa bàn P.Hiệp Bình Phước, P.Bình Chiểu (Q.Thủ Đức), nhiều nơi người dân vẫn chưa có nước sạch sử dụng, phải dùng nước giếng ô nhiễm hàng chục năm qua. Chị Nguyễn Thị Thu (ở gần khu vực cầu vượt Hiệp Bình Phước) cho biết: “Thấy nước thường xuyên có màu lạ, vừa qua tôi đi gửi mẫu xét nghiệm, người ta nói nước bị nhiễm phèn nặng, khuyến cáo không nên dùng. Hiện hàng ngày tôi phải mua nước về dùng với giá gần 70.000đ một khối”.

Ở gần khu vực cầu vượt Gò Dưa, P.Bình Chiểu, nhiều hộ dân hàng ngày cũng phải mua nước về dùng với giá từ 80.000 - 100.000đ/m3, do nước giếng bị nhiễm phèn nặng. Anh Nguyễn Văn Hai (ở gần góc đường Tỉnh lộ 43 - Ngô Chí Quốc) bức xúc: “Nhiều lần tôi liên hệ Công ty cấp nước Thủ Đức xin gắn đồng hồ nước. Lần nào họ cũng nói công ty đã có kế hoạch phát triển đường ống nước cho người dân, đề nghị về chờ. Nhưng tôi chờ đến nay đã hơn chục năm rồi”.

 THU HỒNG - PHAN TRÍ

Nhiều phương án để dân sử dụng nước hợp vệ sinh

Báo cáo thường trực HĐND TP về tình hình cung cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh trên địa bàn TP, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho rằng, dù TP đã nỗ lực với nhiều phương án cấp nước, nhưng đến nay vẫn còn hơn 19% hộ dân chưa có nước sạch. Để đảm bảo 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh theo Nghị quyết 28 của HĐND, trong năm 2015, TP hoàn thành Nhà máy nước Thủ Đức 3, cấp thêm 300.000m3/ngày; xây mới 12 công trình và nâng cấp, mở rộng 16 trạm cấp nước, nâng tổng công suất phát nước của TP lên 2.120.000m3/ngày. Ngoài ra, TP cũng phát triển thêm 1.228km đường ống, lắp 141 đồng hồ tổng, lắp đặt 1.513 bồn chứa, 137.251 bộ xử lý nước cho hộ gia đình trong năm 2015… Riêng các khu vực có nguồn nước giếng bị ô nhiễm, UBND TP giao các Sở Khoa học và công nghệ, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng và UBND các quận, huyện thí điểm nhiều thiết bị lọc nước có công nghệ khác nhau để xử lý nước.

www.phunuonline.com.vn

nước sạch, nước sinh hoạt, nước máy


      © 2021 FAP
        732,243       60