PNO - Con tôi đang học lớp 12. Đã nhiều lần cháu than phiền với tôi rằng cách viết tên riêng tiếng nước ngoài rất chệch choạc, làm cháu và các bạn trong lớp đôi khi phải “đau đầu”.
Cháu tâm sự, có lần, cô giáo dạy bộ môn sử bắt cháu phải đứng đọc từ Phiđen Cátxtơrô (Fidel Castro) đến nhiều lần vì cô cho rằng cháu đọc không đúng như trong sách viết, nhưng thực tế trong sách đã viết phiên âm chưa chuẩn xác.
Con tôi còn nói, vì quá bức xúc về cách viết phiên âm lung tung nên cháu đã “mạnh dạn” viết đúng tên danh từ riêng Xan Phranxixcô thành San Francisco, kết quả cháu bị cô trừ điểm với lý do: “Viết sai chính tả”!?
Đội bóng Man-che-xtơ Iu-nai-tít, Chủ tịch QH Thái Lan Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn... là kiểu phiên âm trên TTXVN hiện nay. |
Các danh từ riêng như Đan Mạch, Phần Lan, Ấn Độ, Lào… đã thuần Việt từ rất lâu nên ta không bàn cãi, và nó đã được thống nhất một cách triệt để. Tuy nhiên, cũng có một số danh từ riêng nước ngoài phiên âm theo tiếng Việt không được thống nhất nên cứ sửa tới sửa lui làm cho mọi người không biết phải gọi sao cho “đặng lòng người”.
Cách viết phiên âm “lộn tùng phèo” như vậy khiến học sinh càng rối hơn trong việc học tập, vì các cháu sẽ hoang mang không biết viết sao cho đúng, viết như trong sách vở hay viết theo chuẩn tiếng Anh?
Viết như trong sách, trong vở thì rất khó nhớ vì mỗi thầy, mỗi cô đều có những “biến tấu” khác nhau làm cho danh từ riêng nước ngoài trở nên “phong phú” hơn ở dạng phiên âm tiếng Việt. Còn viết đúng theo tiếng Anh thì chỉ có giáo viên bộ môn tiếng Anh và một số thầy cô “tân thời” mới chấp thuận.
Bản thân tôi là một giáo viên dạy môn sinh nên tôi hoan nghênh cách viết sách hay trong sách giáo khoa sinh học lớp 12. Bởi đa số danh từ riêng của nước ngoài đều được sách chú thích từ gốc rất rõ ràng, như: Menđen (G.J.Mendel), Coren (Correns), Hacđi (Hardy), Vanbec (Weiberg)… Sự linh động trong việc viết sách kiểu này làm cho học sinh dễ đọc và đặc biệt là các em sẽ biết rõ tên gốc của nhà sinh vật đó chính xác là ai.
Trong khi đó, sách giáo khoa môn địa, môn sử lớp 12 không làm được việc này. Có nhiều người cho rằng những tiếng Hoa, tiếng Lào, Thái Lan… thì làm sao viết đúng bản gốc trên văn bản tiếng Việt. Xin thưa, hiện nay thế giới luôn quy về chuẩn tiếng Anh, các tên danh nhân đều có tên tiếng Anh nên gọi theo ngôn ngữ chung không khó tí nào. Chẳng hạn như cố Thủ tướng Kaysone Phomvihane của Lào, nếu viết theo phiên âm Cay-Xỏn Phôm-Vi-Hẳn trông rất kỳ khôi.
Xem toàn bộ diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” tại đây. |
Theo tôi nghĩ, việc sách giáo khoa viết chuẩn tiếng Anh là hợp tình hợp lý trong thời buổi hiện nay. Tuy nhiên, viết theo phiên âm tiếng Việt cũng tạm chấp nhận nhưng cần phải chính xác (theo như cách đọc của tiếng Anh) và phải có chú thích từ gốc rõ ràng để các em nắm rõ. Không nên viết phiên âm các danh từ riêng nước ngoài tràn lan trên sách mà không có chú thích, vì nó sẽ trở nên lỗi thời, giậm chân sự tiến bộ của học sinh.
Có một số học sinh sau khi đọc báo đã phải thốt lên rằng: “Tổng thống G. Busơ (cha) là G. Bush (cha) sao”? Đó là do sách lịch sử lớp 12 viết như thế.
NGUYỄN HOÀNG DUY (phường 9, quận 5, TP.HCM)
Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy – trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy – học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn. Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ: - Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút). Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc. |
diễn đàn giáo dục, phiên âm, phiên âm tiếng nước ngoài, tên riêng nước ngoài