Xã hội

Chào năm 2015

PN - Các ngành, các doanh nghiệp có những kế hoạch gì cho năm 2015?

 

Thành phố Hồ Chí Minh đón chào năm mới - Ảnh: Phùng Huy

● Ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư

Trong năm 2014, TP.HCM thu hút đầu tư nước ngoài đạt 3,2 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Đây có thể coi là năm đạt thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất. Trong đó, đặc biệt có những tập đoàn công nghệ cao như Sam Sung đầu tư 1,4 tỷ USD, Intel đổi mới dây chuyền sản xuất, thay thế dây chuyền sản xuất cũ để sản xuất chip dùng cho thiết bị di động và đầu tư dây chuyền mới sản xuất khoảng 80% bộ xử lý trung tâm của máy tính để bán trên toàn cầu. Đó là những dấu hiệu rất tốt trong năm 2014.

Năm 2015, TP sẽ cố gắng thu hút những tập đoàn, doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, DN vệ tinh, sản xuất thiết bị cho Sam Sung và DN thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là DN trong lĩnh vực công nghiệp cao. TP cũng sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư như: thủ tục cấp phép đơn giản hơn, nhanh hơn, TP chuẩn bị sẵn hạ tầng cho các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Bên cạnh đó, sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cấp giấy đầu tư qua mạng, công khai quá trình giải quyết hồ sơ và rút ngắn thời gian cấp phép xuống còn 1/3.

Về kỳ vọng kinh tế-xã hội, trong năm 2014 tăng trưởng kinh tế, thu chi ngân sách của TP đều đạt và vượt so với dự kiến, GDP đạt 9,6%. Năm 2015, TP đã đề ra nhiều nhóm giải pháp để tập trung thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, kềm chế lạm phát. Đặc biệt, trong năm tới, Luật Đầu tư, Luật DN mới được điều chỉnh, tôi tin rằng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho DN trong và ngoài nước phát triển.

● Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: Tận dụng cơ hội

Năm 2015, phần lớn các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm sâu và xóa bỏ thuế quan. Khi đó, hàng hóa nước ngoài sẽ ập vào nước ta. Hàng hóa trong nước sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ cả về giá và chất lượng.

Xét về bối cảnh thế giới, bên cạnh những bất trắc tiềm ẩn, vẫn xuất hiện nhiều cơ hội, tạo điều kiện cho DN Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng tiếp cận những thị trường mới. Việc châu Âu cấm vận Nga sẽ buộc nước này tìm kiếm những thị trường mới, đặc biệt ở châu Á.

Xét về bản thân các DN, trước đây dù nhập hay xuất khẩu họ đều có xu hướng bám chặt thị trường Trung Quốc, nay họ đã chủ động tìm kiếm, mở rộng và kết nối những thị trường mới. Hơn nữa, hiện DN đã tự biết “khám sức khỏe” để không đầu tư tràn lan, mà tập trung đầu tư vào thế mạnh của mình.

Những năm gần đây, chính phủ đã có rất nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cho DN. Tuy nhiên việc ban hành các thông tư, các hướng dẫn thực hiện cụ thể lại bị chậm hoặc không sát với thực tế nên DN vẫn chưa thực sự được tiếp cận và được hưởng trọn vẹn những chủ trương mà Nhà nước đã định hướng. Phần lớn DN thuộc dạng vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ nên so sánh về tiềm lực thì DN Việt thua hẳn về vốn so với DN nước ngoài. Nhiều DN lao đao do không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng hoặc nếu có thì cũng chỉ ở dạng bất ổn, ngắn hạn. Điều này hiện vẫn còn là khó khăn lớn nhất khiến DN khó đầu tư phát triển sản xuất và cải tiến kỹ thuật, công nghệ. Hơn nữa, việc bị động về nguồn nguyên vật liệu cũng khiến DN phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài.

Do vậy, tập trung cho năm 2015, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tiếp tục tăng cường vai trò cầu nối giữa cộng đồng DN với các cơ quan quản lý, rà soát, tập hợp những vướng mắc mà các DN đang gặp phải để đề xuất Nhà nước có hành động cụ thể tạo điều kiện cho DN phát triển. Chúng tôi mong muốn, khi trình nghị định thì chính phủ cần kèm theo luôn thông tư hướng dẫn để khi được phê duyệt thì nghị định có thể đi vào cuộc sống ngay.

Hiệp hội cũng sẽ tích cực trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của các DN hội viên bằng việc kết nối DN với các kênh phân phối. Những năm qua, chúng tôi đã làm việc với hệ thống siêu thị Coop Mart và đề nghị kênh phân phối này nên ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà sản xuất Việt Nam; với Tổng công ty công nghiệp Hà Nội để hàng hóa hai miền có thêm kênh lưu thông.

Sau nữa, để tăng cường sức cạnh tranh, các DN cần kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Đầu vào của DN này là đầu ra của DN kia; nên ưu tiên DN trong nước khi chọn đối tác cung cấp trang thiết bị, nguyên vật liệu.

● Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Tăng thu nhập cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non

Mục tiêu trong năm mới của ngành giáo dục TP là xây dựng trường học tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện cho người học. Ngành sẽ đẩy mạnh việc hướng dẫn học sinh (HS) nghiên cứu khoa học, biết vận dụng lý thuyết vào thực tế, phát huy năng lực sáng tạo và nâng kỹ năng thích ứng với cuộc sống cho HS; đẩy mạnh việc thực hiện Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM.

Đặc biệt, đề án “Hỗ trợ giáo dục mầm non thành phố” ra đời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, thực sự giải quyết nhu cầu gửi trẻ từ 6-18 tháng cho người dân, người lao động yên tâm công tác.

Để làm được điều này, TP tăng mức đầu tư, hỗ trợ thêm phụ cấp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại các trường mầm non. Tại các cơ sở mầm non công lập, cán bộ quản lý sẽ được hỗ trợ thêm 25% tiền lương, nâng tổng mức hỗ trợ lên 60%.

Cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6-18 tháng tuổi được hỗ trợ thêm 35% tiền lương, đạt mức phụ cấp ưu đãi 70%. Cán bộ quản lý và giáo viên không dạy nhóm lớp 6 -18 tháng tuổi được phụ cấp 60% tiền lương. Nhân viên các trường mầm non được hỗ trợ thêm 25% tiền lương. Giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới cũng được hỗ trợ ba năm đầu theo mức: năm đầu hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ hai là 70%; năm thứ ba là 50%.

● Ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn: Mong nối dài cánh tay hỗ trợ từ  Chính phủ

Năm 2015 mở ra nhiều cơ hội: Vấn đề dễ nhận thấy khi hội nhập ASEAN+ là hàng hóa các nước sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường nội địa, trong đó có hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Đó là thách thức rất lớn đối với các DN có máy móc thiết bị cũ, sản phẩm có giá trị gia tăng chưa cao và thiếu chiến lược kinh doanh toàn cầu.

Để thoát ra khỏi môi trường cạnh tranh, các DN phải tự cứu mình bằng nhiều cách; đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, chú trọng tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chủ động xây dựng chiến lược hợp tác với các đối tác ASEAN+ để tạo thành liên minh hợp tác. Việc gắn kết giữa DN với Hiệp hội là điều hết sức cần thiết.

Chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ dài hơi cho DN vừa và nhỏ như hiện nay. Đối với DN quyết tâm đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị mới hoàn toàn, hiện đại và đồng bộ, đầu tư chuyên sâu cho bộ phận nghiên cứu phát triển, TP nên có chính sách hỗ trợ: hai năm chậm nộp thuế, hỗ trợ lãi suất cho vay dài hạn, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia quốc tế đến đào tạo đội ngũ khoa học công nghệ nhằm tạo ra giá trị gia tăng mang tính cạnh tranh.

Hiện nay, nhiều DN tư nhân muốn phát triển thành tập đoàn để cạnh tranh với tập đoàn nước ngoài, do vậy họ đã đầu tư bộ phận nghiên cứu phát triển, đầu tư về xây dựng thương hiệu Việt Nam thành thương hiệu quốc tế, chiến lược hệ thống phân phối, chiến lược khoa học công nghệ cao để tạo sản phẩm dẫn dắt…

TP nên có cơ chế tiếp xúc riêng để DN nói lên tâm nguyện của mình và có chính sách thực sự để kích thích họ. Về ngành công nghiệp thời trang, ngành này tạo giá trị gia tăng cao cho TP và tiềm năng phát triển lớn, đặc biệt là khi TPP được ký kết, do vậy, nên giao cho trường đại học kiến trúc, mỹ thuật có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng.

Chính sách hỗ trợ DN hiện nay đã góp phần giải quyết khó khăn của DN nhỏ và vừa nhưng chưa thực sự là đòn bẩy và là chất xúc tác cho những DN lớn, có tiềm năng đầu tư vài chục triệu đến vài trăm triệu USD, đặc biệt chú trọng sản phẩm có giá trị gia tăng. Do vậy, TP cần có buổi gặp gỡ những DN lớn có uy tín trong ngành để lắng nghe thêm về sự mong đợi hỗ trợ của TP trong bối cảnh hội nhập ASEAN+ vào năm 2015, từ đó có những chính sách bổ sung.

● Cô Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định: Mạnh dạn mở rộng đổi mới dạy học theo hướng tích cực

Đổi mới dạy và học là vấn đề mà những người làm giáo dục chúng tôi lúc nào cũng quan tâm. Thực ra, từ lâu trường đã đổi mới dạy học nhưng vì cách thi cử chưa thay đổi nên vẫn còn phải “nhìn trước ngó sau” để đối phó với thi cử. Nay, khuynh hướng “đổi mới” đã khá rõ nét với ba môn thi bắt buộc là toán, văn, tiếng Anh và các môn tự chọn, không còn chuyện “bí mật” môn thi đến phút chót.

Đây là cơ hội và điều kiện để nhà trường mạnh dạn cải cách việc dạy học theo hướng mở rộng các hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá tích cực như đi học tập thực tế, học tập theo các dự án, tìm kiếm thông tin và báo cáo thuyết trình...

Ngoài ra, còn phải đi trước đón đầu theo hướng nghiên cứu để tích hợp các bộ môn, giúp việc dạy học được hiệu quả, HS an tâm hơn.

Là người quản lý nhà trường, đồng thời cũng trực tiếp đứng lớp, tôi muốn sao cho tất cả HS khi đã chọn học tại trường THPT Gia Định đều cảm thấy an tâm và hạnh phúc trong môi trường này. Chúng tôi thấy rằng mình không phải chỉ dạy cho HS đỗ một trường ĐH nào đó rồi sau đó để các em tự bơi, mà phải tạo ra được môi trường học tập tốt giúp học trò rèn luyện để đáp ứng với những yêu cầu của bậc học cao hơn sau đó. Vì vậy, nhà trường phải nghiên cứu xem khi học ĐH trong nước, HS cần gì và khi đi du học thì cần gì để trang bị cho HS.

● Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM: Đẩy mạnh xuất khẩu tế bào gốc máu cuống rốn

Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc (TBG) được ví như nền y học mới, đang được toàn thế giới quan tâm vì nó giúp bác sĩ “nối dài cánh tay”, điều trị được rất nhiều bệnh mà y học hiện tại chưa đem lại kết quả như mong muốn. Nếu quốc gia nào thắng ở lĩnh vực TBG thì quốc gia đó sẽ thu được nhiều lợi ích từ phát triển y học, du lịch kết hợp chữa bệnh, thuốc TBG…

Do đó, nhiều nước trên thế giới đang đua tranh trên xa lộ cao tốc về TBG. Tại Việt Nam, Bệnh viện (BV) Truyền máu huyết học TP.HCM có Ngân hàng TBG đầu tiên được thành lập năm 2002 và từ năm 1995, BV đã điều trị thành công cho một bệnh nhân ung thư máu bằng cách ghép TBG tủy xương. Đến thời điểm hiện nay, BV đã dùng TBG từ máu cuống rốn điều trị được cho nhiều loại bệnh về máu như: ung thư máu, suy tủy, thalassemia…

Ngoài ra, TBG được phân lập điều trị nhiều ứng dụng trong lĩnh vực y khoa như: bệnh lý da, giác mạc, tim mạch, xương khớp, thần kinh, tiểu đường... Mẫu TBG dây rốn gửi theo diện dịch vụ tăng đáng kể từ 20 mẫu/tháng đến nay lên 45 mẫu/tháng. Thế nhưng mẫu máu cuống rốn ở cộng đồng vẫn bị bỏ phí.

Hiện BV Truyền máu huyết học chỉ mới là thành viên của Hiệp hội Ngân hàng máu cuống rốn châu Á và châu Âu nên chưa thể xuất khẩu, trao đổi mẫu TBG máu cuống rốn… để đẩy mạnh nền y học. Vì vậy, năm 2015, BV sẽ nỗ lực để đạt chứng nhận vào hệ thống Ngân hàng máu cuống rốn quốc tế (NetCORD). Lúc đó, việc xuất khẩu mẫu TBG dây rốn cũng giúp việc tái tạo đầu tư vào dây chuyền của Ngân hàng TBG vì hiện Nhà nước chưa có kinh phí đầu tư, lưu trữ mẫu TBG từ cộng đồng.

Năm 2015, BV Truyền máu huyết học sẽ ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử NAT đầu tiên của cả nước để xét nghiệm máu, phát hiện sớm bệnh HPV, HIV và viêm gan siêu vi C. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân có thể phát hiện sớm hơn vài chục ngày so với kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh học Elisa hiện nay.

 Nhóm PV ghi

www.phunuonline.com.vn

chào năm mới, năm 2015, dự định, kế hoạch


      © 2021 FAP
        863,878       264