Xã hội

Trữ hàng đón tết, coi chừng đón… bà hỏa

PN - Trước Tết Nguyên đán 2015, việc phòng cháy cần được đặc biệt chú trọng, bởi các điểm sản xuất, thu mua vàng mã và các cơ sở kinh doanh khác bắt đầu trữ hàng với số lượng lớn.

ẨN HỌA Ở VỰA VÀNG MÃ

Chiều 31/12, chúng tôi có mặt tại phường 8, 9, 10 của Q.11, TP.HCM, nơi được xem là vựa phân phối vàng mã quy mô lớn. Chỉ chưa đầy 1km trên đường Hàn Hải Nguyên (P.10, Q.11) đã có hàng chục cơ sở kinh doanh vàng mã. Ngoài mặt hàng “bắt lửa” này, các cơ sở còn tập kết cả nhang đèn và một số loại hóa chất nhuộm màu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại cơ sở nhang ở số 254 Trương Vĩnh Ký (P.9, Q.11), căn nhà một tầng lửng, một trệt với chiều ngang chỉ khoảng 4m. Tuy nhiên toàn bộ khu vực tầng trệt đã được tận dụng làm kho hàng. Các loại đèn cầy, vàng mã vứt la liệt trên sàn nhà. Lối đi nhỏ đủ để một người có thân hình thấp bé lách qua. Ngay phía sau khu vực chất hàng là bếp nấu ăn.

Các cơ sở 92, 166 đường Hàn Hải Nguyên cũng chung tình trạng. Căn nhà chật hẹp được chủ cơ sở tận dụng mọi ngóc ngách để chất hàng hóa và nấu nướng. Một chủ cửa hàng vàng mã cho biết, buôn bán mặt hàng này chỉ trông chờ vào các dịp lễ, trong đó những ngày tết chiếm đến gần nửa doanh thu của năm. Do đó, bằng mọi giá phải trữ hàng.

Trên đường Dương Đình Nghệ (P.8, Q.11), nhà số 94 cũng bày bán hàng dễ cháy, nhưng có chiều ngang chỉ khoảng 3,5m. Cầu thang xoắn ốc nằm ở giữa nhà chính là lối lên xuống duy nhất, giúp tận dụng diện tích, nhưng cũng là “dao hai lưỡi” khi sự cố hỏa hoạn xảy ra. Trong nhiều vụ cháy nhà cao tầng, nhà ống, nhiều nạn nhân do thoát xuống chậm đã chết vì ngạt khói.

Ngoài các điểm trữ hàng, bỏ sỉ vàng mã nói trên, hiện nay công tác PCCC tại các khu chợ cũng chưa được chú trọng. Sáng ngày 1/1/2015, chúng tôi có mặt tại chợ Thạch Đà, P.14, Q.Gò Vấp. Qua bãi giữ xe ở cổng chính vào chợ là ba ki-ốt bán vàng mã, nhang đèn. Do khu chợ cũ kỹ, hệ thống điện hư hỏng nhiều nên các tiểu thương đã… tự chế nhiều kiểu đấu nối chằng chịt ngay bên trong ki-ốt. Đi qua các tiệm vàng mã, nhiều người vào chợ mua hàng thản nhiên búng tàn thuốc lá.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với chợ Nhỏ trên đường Lê Văn Việt, P.tăng Nhơn Phú B, Q.9. Khu chợ này đã xuống cấp nghiêm trọng, tập trung nhiều nhà gác gỗ, đổ tấm giả nhưng tuyệt nhiên không có một bình cứu hỏa và tiêu lệnh phòng cháy nào.

Cuối năm, trữ nhiều tiền, hàng mã rất dễ gây cháy

Cửa hàng đồ gỗ trên đường Phạm Văn Bạch, P.15, Q.Tân Bình chất đầy hàng hóa

TRỮ HÀNG TỚI… NÓC NHÀ

Chiều 1/1, trong vai những người đi mua bàn ghế cũ, chúng tôi có mặt trên đường Phạm Văn Bạch, P.15, Q.Tân Bình. Trên đoạn giáp với đường Cống Lở là bốn cửa hàng chuyên mua bán các loại bàn ghế đã qua sử dụng. Gọi là cửa hàng nhưng thực chất đều là những căn nhà mái tôn xập xệ, mặt tiền khoảng 3m. Một phụ nữ chủ cửa hàng, khoảng 30 tuổi cho biết: “Không mua nhanh thì giáp Tết không có hàng mà mua đâu”.

Theo chân người này vào trong xem bộ bàn ghế xếp dùng cho quán cà phê, để có lối đi, chúng tôi phải dọn bớt gần chục món đồ khác để lộn xộn, gác lên nhau tạm bợ. Ngay bên cạnh một chồng ghế là các ổ cắm điện xỉn màu, cầu chì vẫn còn dấu vết chập cháy trước đó.

Ở tiệm bàn ghế cũ số 187 đường Phạm Văn Bạch, hàng hóa được trưng từ ngoài vỉa hè cho đến cuối nhà, số bàn ghế được chất cao gần đến trần nhà. Trong căn nhà rộng hơn 3m, dài khoảng 10m, số bàn ghế bằng gỗ được chủ tiệm chất đầy vào tới khu vực nấu ăn cuối nhà. Cách đó hai căn nhà, cửa tiệm chuyên mua bán và gia công bàn ghế bằng gỗ cũng tận dụng mọi diện tích trong căn nhà rộng 4m, dài khoảng 15m để trưng bày bàn ghế. Từ ngoài vỉa hè, bàn ghế án ngữ hai bên vào tận bức tường phía sau.

Những của hàng đồ gỗ trên đường Phạm Văn Bạch, P.15, Q.Tân Bình chất đầy hàng hóa cuối năm

Theo chân một nhân viên cửa tiệm không có số nhà cách đó 20m, chúng tôi được dẫn lên gác gỗ diện tích gần 60m2. Tại đây, gần như tất cả các mẫu bàn ghế thông dụng đều được xếp theo chồng 20 cái lên tới nóc nhà. Do không thể lách người vào được, nhân viên cửa hàng phải bảo chúng tôi trèo lên một chồng ghế cao khoảng 1m, đợi lấy mẫu ra xem.

Còn nhớ cách đây gần hai năm, tối 5/3/2013, trên đường Hàn Hải Nguyên (P.10, Q.11) đã xảy ra vụ cháy lớn tại cơ sở chuyên doanh vàng mã, nhang đèn. Vụ cháy làm ba người trong một gia đình tử vong và nhiều tài sản khác bị thiêu rụi. Căn nhà bị cháy vốn trữ một lượng lớn vàng mã. Khi phát lửa, lối đi nhỏ hẹp không giúp các nạn nhân chạy thoát kịp.

Theo đánh giá của Cảnh sát PCCC TP.HCM, thời điểm cận Tết, các chợ, cửa hàng, tiểu thương trữ hàng gấp năm lần so với ngày thường. Với những mặt hàng dễ cháy như vàng mã, gỗ, vải, giày dép, hóa chất, người dân cần phải tự ý thức bảo vệ; đừng chỉ làm đối phó khi có sự nhắc nhở của các cán bộ PCCC.

 MINH DŨNG

Ngày 31/12/2014, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm công tác chữa cháy đối với vụ cháy xảy ra vào đêm 30/12/2014 tại số 180 Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân chỉ đạo: mùa khô năm 2015, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết, Cảnh sát PCCC TP tham mưu cho UBND TP lập các đoàn kiểm tra có sự tham gia của các đơn vị chức năng, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm hành chính về an toàn PCCC. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các trạm xăng dầu, nhà hàng, quán ăn, quán karaoke, những nơi tập trung đông người; đề xuất cơ quan thẩm quyền giải tỏa ngay phần diện tích lấn chiếm khoảng cách ngăn cháy và lối thoát hiểm trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị…

www.phunuonline.com.vn

trữ hàng, cháy, bà hỏa, tết nguyên đán


      © 2021 FAP
        809,221       958