Xã hội

Những buổi học không chỉ dạy chữ

PN - Vẫn chương trình phổ thông nặng kiến thức, với bộ sách giáo khoa cần cải tiến, nhưng ở nhiều trường, giáo viên (GV) đã chủ động sáng tạo để có những bài học bổ ích, thiết thực cho học trò.

Biến facebook thành lớp học thứ hai

“Chứng kiến học sinh (HS) phải học những môn địa, sử, giáo dục công dân… như một nhiệm vụ nặng nề, gồng mình học thuộc các số liệu, sự kiện, học chỉ để “đối phó” chứ không phải vì yêu thích, điều đó đã buộc mình phải nghĩ ra cách làm sao thu hút HS”, cô Hoàng Thị Hiền, GV môn địa lý Trường THPT Trần Khai Nguyên bộc bạch.

Tham gia lớp học ứng dụng CNTT vào dạy học, cô bắt đầu mày mò cho ra đời những dự án để kéo HS thích học… môn phụ. Cô Hiền tổ chức một buổi hội thảo giả định của Liên Hiệp Quốc, HS biến thành diễn giả, say sưa diễn thuyết về các vấn đề như gia tăng dân số trên thế giới, bất bình đẳng giới tính, nạn nạo phá thai tuổi vị thành niên, mất cân bằng giới tính… Không khí hội thảo luôn “nóng” khi HS vận dụng những kiến thức tự tìm tòi được để phản bác lại ý kiến của "diễn giả" khác. Buổi học kéo dài hai tiếng vẫn không giảm nhiệt, ngay buổi chiều, HS lại kéo nhau lên facebook tiếp tục tranh luận vấn đề chưa ngã ngũ.

Được coi là môn học bài nhưng giờ học địa lý với cô Hiền, học trò không lo bị trả bài miệng hay kiểm tra 15 phút. Bởi, hàng tuần, học trò phải “check in” facebook để làm bài tập, làm dự án. Cô sẽ nhận xét và tính điểm từ những bài tập này. Facebook trở thành lớp học, là nơi để cô giao bài tập, tạo kho tư liệu cho HS.

Sau mỗi chuyến đi du lịch, cô Hiền “ôm” về một kho hình ảnh về đất đai, khí hậu, con người, văn hóa của vùng miền đó đưa lên facebook với những chú thích tỉ mỉ, chia thành từng nội dung bài học cụ thể. Khi trên lớp học đến bài học nào, cô sẽ cho thêm đường link những tài liệu liên quan hoặc tag tên cả lớp vào xem thêm hình ảnh thực tế, bài giảng trên facebook của cô.

Cô Hiền tâm sự: "Nếu mình không yêu cầu lên facebook để làm bài, nộp bài thì các em vẫn sẽ online facebook hầu như cả ngày, chủ yếu chỉ để chơi, thậm chí tìm hiểu những thứ không nên xem. Vậy thì sao mình không "dụ" các em lên đó để học?".

Em Ái Lệ, HS lớp 10A14 Trường Trần Khai Nguyên nói: Bây giờ việc học, làm bài trên internet không còn “khó nuốt” nữa. Em thấy rất hứng thú khi học trên mạng, cần tìm tài liệu gì có thể lên mạng hỏi cô hoặc bạn để được giải đáp ngay.

Minh Tâm, HS lớp 10A15 chia sẻ: “Bình thường em là đứa dở văn, mấy môn xã hội điểm chỉ trung bình nhưng nhờ bị cô "bắt" phải viết báo nên em đã rèn cho mình cách hành văn trôi chảy hơn. Và khi làm clip, bị “quay” bởi mớ phần mềm nên giờ em biết nhiều. Không chỉ là học địa mà chúng em còn phải biết bổ sung kiến thức từ nhiều môn khác như văn, tin học, sinh vật, giáo dục công dân. Muốn đạt điểm cao không cần phải thuộc bài làu làu, em chỉ cần chăm theo dõi các sự kiện thời sự, quan sát xung quanh…”.

Học sinh lớp 3 trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 đang học làm bánh (một chương trình không có trong chính khóa, được miễn phí)

Con đi học để được… lấm lem

Mỗi buổi chiều, 30 HS Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) thay nhau học làm bánh, làm chocolate. Những bàn tay nhỏ bé tập trộn bột, đánh bơ, nặn bánh, nướng bánh. Khi một chiếc bánh méo mó ra lò hoặc lỡ tay đập vỡ tan tành mấy quả trứng, một tràng cười giòn tan lại vang lên.

Đó là tiết học của câu lạc bộ Khéo tay hay làm ở trường. Mỗi buổi học làm bánh kéo dài hai giờ, không chỉ được chơi thỏa thích mà các bé còn được học tiếng Anh, trải nghiệm những vất vả của người làm bếp. Tại đây, các bé được học với thợ làm bánh chuyên nghiệp, trải nghiệm cách làm việc nhóm và trong suốt buổi học, các bé phải tập nói tiếng Anh những từ thông dụng trong làm bếp.

TS Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng trường chia sẻ: "Trẻ em ngày nay rất ít được tiếp xúc với môi trường bên ngoài, chỉ quanh quẩn ở nhà rồi đến trường. Cha mẹ thương con lại hay làm thay việc nhà nên tạo thói quen ỷ lại, không thích làm việc nhà và hầu như thiếu những kỹ năng sống cần thiết. Chúng tôi phải tạo ra nhiều câu lạc bộ để các em làm quen với các nghề nghiệp, nhằm khuyến khích trẻ bộc lộ sở thích, năng khiếu từ việc tham gia vào các câu lạc bộ họa sĩ nhí, em yêu khoa học, câu lạc bộ âm nhạc dân tộc, thể dục thể thao… Không chỉ được chơi mà đây là những giờ học thật sự đem đến cho trẻ những kỹ năng sống thực tế".

Nằm ngay trung tâm Q.1 nên diện tích sân trường nhỏ hẹp, nhưng thầy cô Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn sáng tạo ra vườn rau sạch 400m2 trên sân thượng. HS có nhiệm vụ gieo trồng, chăm sóc các loại rau quả cho đến ngày thu hoạch. Ít ai ngờ, vườn rau xanh mướt ấy đều do tự tay các HS tiểu học xới đất, gieo hạt, bón phân, tưới nước. Phụ huynh một HS lớp 3/1 cho biết: “Ngày nào đi học về con tôi cũng lấm lem quần áo, nhưng thấy con vui lắm, cứ khoe cây rau của con hôm nay cao lên chút nữa rồi. Có hôm gieo hạt không lên cây về, mặt mày buồn xo”. Trước Tết Nguyên đán, các bé sẽ tự thu hoạch và tổ chức chợ rau sạch bán để gây quỹ khuyến học và làm từ thiện.

Còn nữa, rất nhiều trường như Trường THCS Đức Trí (Q.1), Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (Q.7)… cũng tìm tòi tạo ra những sân chơi, tiết học bổ ích để giáo dục HS. Trong điều kiện chương trình khung, vẫn phải chạy giáo án nhưng nhiều thầy, cô đã cố gắng “đổi mới” để truyền kiến thức cho HS. Những đổi mới của họ chẳng phải quá lớn lao hay tốn kém tiền bạc, nhưng đã đem lại được sự thích thú cho HS.

TIÊU HÀ

www.phunuonline.com.vn

cô trò, dạy và học, giảng dạy, sáng tạo


      © 2021 FAP
        863,878       115