Xã hội

Chưa yên tâm với giải pháp chống ngập tại TP.HCM

PNO - Sau phần trả lời chất vấn của GĐ Sở GTVT, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm hoài nghi: “Anh Chung nói cố gắng đến năm 2020 thì tất cả các điểm ngập được giải quyết, nhưng nghe từ “cơ bản” thì không yên tâm lắm”.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Nguyễn Thành Chung trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Sáng 11/12, kỳ họp thứ 16 HĐND TP.HCM đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Nguyễn Thành Chung.

Mặc dù Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Nguyễn Thành Chung nhận được sự chia sẻ của nhiều đại biểu do mới nhận nhiệm vụ hơn 4 tháng, nhưng ông Chung cũng đã nhận rất nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến những vấn đề “nóng” như: giải pháp giảm ngập nước; cung cấp nước sạch cho người dân; giải pháp giảm tai nạn giao thông; hiệu quả của việc trợ giá xe buýt…

Trợ giá xe buýt còn nhiều lỗ hổng, tiêu cực

ĐB Cao Thanh Bình mở màn chất vấn: “Ông đánh giá việc trợ giá xe buýt trong thời gian qua như thế nào”?

ĐB Phạm Hiếu Nghĩa hỏi: “Có phải vì lâu nay thực hiện phương thức trợ giá là trợ giá gián tiếp thông qua các trung tâm điều hành vận tải xe buýt nên mới xảy ra nhiều bất cập và chưa hiệu quả”?

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Nguyễn Thành Chung cho rằng trợ giá cho xe buýt là chủ trương đúng đắn của TP. Qua 12 năm thực hiện, chương trình này thực hiện thật sự có hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên.

Ông Chung dẫn chứng: “Năm 2002, vận chuyển 24 triệu lượt khách, đến 2013 là 344 triệu lượt. Điều này cho thấy có sự tăng lượng người sử dụng lên rất nhiều, đã tạo cho nhân dân có thói quen đi xe buýt”. Tuy nhiên, ông Chung cũng thừa nhận còn tình trạng xé vé khống, vé giả, gian lận vé, thu lại vé để bán cho khách khác, hiện tượng xe bỏ tuyến chạy đường tắt để giảm chi phí xăng dầu…

Nói về giải pháp xử lý những tình trạng này, ông Chung cho biết: Sở đã điều chỉnh không thực hiện khoán theo đầu người đi nữa mà khoán theo chuyến để tránh tình trạng xé vé khống. Đối với tình trạng sau khi bán vé cho hành khách thì thu lại vé cũ bán cho người khác, Sở đã chỉ đạo cho Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TP thiết lập đường dây nóng để nhận phản ánh của người dân, qua đó kiểm tra và có chấn chỉnh, giáo dục nhân viên, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp gian lận. Đối với hiện tượng xe bỏ tuyến chạy đường tắt để giảm chi phí xăng dầu, Sở đã lắp đặt hệ thống giám sát hành trình để xử lý.

“Vấn đề trợ giá đã để xảy ra những lỗ hổng, tiêu cực, chưa đến được với người lao động và học sinh, sinh viên. Chúng tôi sẽ xem xét và giải quyết sớm những bất cập này” – ông Chung thừa nhận.

Đến cuối năm 2015, sẽ giải quyết 80% điểm ngập

Liên quan đến vấn đề ngập nước trên địa bàn TP, ĐB Nguyễn Thị Việt Tú hỏi: “Bên cạnh những điểm ngập nước do triều cường, vẫn còn điểm ngập phát sinh do thi công dự án. Vậy chúng ta có giải pháp nào để chế tài chủ đầu tư, nhà thi công khi để xảy ra ngập do thi công? Sở có quy định cho các chủ đầu tư thực hiện các quy trình kỹ thuật khi bắt đầu thi công dự án hay chưa”?

Đại biểu chất vấn về vấn đề chống ngập.

ĐB Nguyễn Văn Lâm thắc mắc: “Sở báo cáo đến nay có 2/6 điểm ngập do mưa được xóa. Tuy nhiên, có một điểm hiện nay vẫn đang ngập khi trời mưa, vậy thì Sở xử lý như thế nào? Hơn 600 tỉ đầu tư cho chống ngập, số vốn này được sử dụng như thế nào”?

ĐB Cao Thanh Bình chất vấn: “Sở có giải pháp gì để đảm bảo các đê bao không bị sạt lở do mưa và triều cường”?

Trả lời các đại biểu, ông Nguyễn Thành Chung cho biết 1/3 diện tích tự nhiên của TP.HCM bị ảnh hưởng của triều cường. Do tác động của biến đổi khí hậu nên triều ngày càng lên cao; mưa cũng xuất hiện dày đặc hơn nên làm tình trạng ngập của TP càng thêm nghiêm trọng. Để chống ngập do triều, TP đã cho đặt 1.077 van một chiều để kiểm soát triều. TP cũng đã quy hoạch hệ thống cống bao. Tuy nhiên, đây là chương trình lớn, đòi hỏi vốn lớn.

Đối với ngập do mưa, năm 2011, TP đưa ra chỉ tiêu giải quyết 58 điểm ngập, trong đó có 31 điểm ngập ở trung tâm. Nhưng đến 2014, kiểm tra lại thì trong 47 điểm ngập được xóa, đã có 33 điểm tái ngập và phát sinh thêm 29 điểm ngập mới.

Một trong các nguyên nhân, theo ông Chung là do các công trình xây dựng đang thi công không đảm bảo khơi thông dòng chảy, làm ách tắc dòng chảy như các dự án Tân Sân Nhất - Bình Lợi, Tân Hòa - Lò Gốm, xa lộ Hà Nội… Riêng kênh Tân Hóa – Lò Gốm, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã phạt 66 trường hợp của các đơn vị thi công gây ngập.

Về 29 điểm ngập mới, ông Chung thừa nhận chưa đánh giá đúng thực tế. “Đây là một khuyết điểm. Với vai trò là giám đốc sở, tôi xin nhận khuyết điểm này”. Theo ông Chung, giải pháp trước mắt là tăng cường công tác nạo vét; tăng cường tuyên truyền người dân đảm bảo vệ sinh, nâng cao ý thức không xả rác. Ông Chung hứa đến cuối năm 2015, cơ bản giải quyết được 80% các điểm ngập trên địa bàn TP và cố gắng đến năm 2020 thì tất cả các điểm ngập được giải quyết.

Ghi nhận phần trả lời của ông Chung nhưng Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm thắc mắc: “Anh Chung nói cố gắng đến năm 2020 thì tất cả các điểm ngập được giải quyết, nhưng nghe từ cơ bản thì không yên tâm lắm”.

Chiều 11/12, đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM Lê Thái Hỷ, với các nội dung: ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; ứng xử công vụ; quản lý các trò chơi trực tuyến…

NHẬT THỤY

www.phunuonline.com.vn

kỳ họp HĐND, chất vấn, trả lời chất vấn


      © 2021 FAP
        809,409       906