Xã hội

Mất quần ở phòng siêu âm, BV kêu bắt đền... tên trộm

PN - Bệnh nhân đã cẩn thận cất quần cùng tài sản dưới chân giường, nhưng vừa siêu âm xong thì “tá hỏa”vì chiếc quần cùng 15 triệu đồng và chiếc điện thoại đã không cánh mà bay. Bệnh viện đã từ chối bồi thường

Ngày 13/10, bà N.T.T.V. (Q.10, TP.HCM) tới khám bệnh tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM. Sau khi thăm khám, bà V. được bác sĩ (BS) chỉ định siêu âm phụ khoa tại phòng số 21, thuộc khu C BV. Sau khi siêu âm xong, bà V. phát hiện chiếc quần mà bà đã thay ra trước đó, được để ngay dưới chân giường nằm siêu âm đã “biến mất”.

Theo lời khai ban đầu của bà V., trong túi chiếc quần bị mất có 15 triệu đồng và một điện thoại. Khi vào phòng, bà đã thay quần để mặc váy của BV. Trong phòng lúc đó có một BS, một điều dưỡng và một bệnh nhân mới được siêu âm trước bà. Khi phát hiện mất tài sản, bà chợt nghĩ đến bệnh nhân này, nhưng nhân viên có mặt trong phòng siêu âm không hề có sự hỗ trợ nào đối với bà V. Theo bà V., nếu được hỗ trợ sớm hơn, có thể bà đã tìm được tài sản của mình.

Có mặt tại hành lang khu khám bệnh của BV, theo quan sát của chúng tôi, quanh khu vực phòng siêu âm 21, có đến ba-bốn camera an ninh trên các trần hành lang.

Ông Trần Văn Hùng - Phó trưởng phòng Hành chính, BV Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, việc mất quần của bà V. tại phòng siêu âm số 21 là có thực, nhưng số tài sản thì không rõ thế nào. Tuy có đặt camera nhưng không có camera nào chỉa hướng quay vào phòng siêu âm này. Theo ông Hùng, sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo BV, bảo vệ BV đã lập biên bản và mời Công an P.11, Q.5 đến điều tra vụ việc. BV cũng đã xem xét lại quy trình tổ chức ở khu vực siêu âm phụ khoa thuộc khu C. Hiện BV đã phát túi đựng đồ đạc cho mỗi bệnh nhân đến siêu âm tại đây để tiện bảo quản.

Cần tăng cường an ninh trước phòng siêu âm BVĐH YD TP.HCM để tránh những vụ việc đáng tiếc

Ông Hùng cho rằng BV chỉ có trách nhiệm khám chữa bệnh chứ không có nhiệm vụ trông giữ tài sản cho người bệnh, vì vậy BV không bồi thường. Bà V. phải chờ cơ quan công an điều tra, xác định người đã lấy trộm tài sản để lấy lại.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Dũng (Văn phòng luật sư Đặng và cộng sự, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng: Trừ khi BV có một bảng lưu ý treo tại phòng siêu âm là “BV không chịu trách nhiệm đối với tài sản của người bệnh khi bị mất trong phòng khám”, nếu không, trách nhiệm của BV phải xem là đương nhiên. Bởi trong quá trình thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh, khi BS yêu cầu người bệnh thay quần, mặc váy của BV để siêu âm, người bệnh không thể tự bảo quản tài sản mang theo.

Do vậy, BV phải có sẵn nơi bảo quản (như tủ, túi) để bệnh nhân bỏ tài sản vào, nhân viên BV ghi biên nhận và bỏ túi vào một ngăn tủ, sau đó, trao lại cho người bệnh biên nhận, chìa khóa để sau khi siêu âm xong, họ sẽ nhận lại tài sản. Đó là trách nhiệm mà BV phải làm để phục vụ khách hàng.

Nếu BV không thực hiện những điều này, để xảy ra việc mất cắp, thì trách nhiệm đương nhiên của BV, căn cứ theo điều 301 Bộ luật Dân sự “thực hiện nghĩa vụ dân sự không phân chia”. Tức là nghĩa vụ phải thực hiện cùng lúc, vừa siêu âm, vừa giữ tài sản cho người đi khám bệnh. Ngoài ra, còn có trách nhiệm dân sự, do vi phạm nghĩa vụ dân sự, căn cứ điều 302 “bên có nghĩa vụ dân sự mà không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm dân sự”, chứ không thể coi là trách nhiệm ngoài hợp đồng để có lợi cho BV được.

Theo luật sư Dũng, nếu công an không tìm ra được thủ phạm, người mất tài sản có quyền yêu cầu BV phải bồi thường. Nếu BV không bồi thường, họ có quyền khởi kiện BV. Khi đó, trách nhiệm của nguyên đơn là phải chứng minh được số tài sản đã bị mất cắp. Thiết nghĩ, các BV nên lưu ý việc bảo quản tài sản cho người bệnh, tránh những rủi ro như trên.

VINH NGUYỄN

www.phunuonline.com.vn

Mất quần, phòng siêu âm, Bệnh viện Đại học Y Dược


      © 2021 FAP
        857,853       556