PN - Có người cãi, xem báo thấy diễn viên, ca sĩ ở Hà Nội, Sài Gòn cũng lấy tên nước ngoài, múa hát hay, nhiều tiền, được hâm mộ quá trời, sao không kêu la.
Thủ tục nhanh gọn. Tôi hỏi: “Sao lại cải chính?”. “Mấy ông già làng la quá”. “La sao?”. “Cán bộ nói đặt tên vậy là mất gốc đồng bào Cơ tu”. “Sao lúc sinh con lại đặt vậy?”. “Thấy hay là đặt, theo phim mà”. Cái cười gượng gạo, đưa tay che mặt không muốn chụp ảnh, anh vội vã rời phòng.
Chị em San Ốc, San U
Anh Briu Ngự, cán bộ tư pháp xã A Vương bật cười: “Cải chính nhiều lắm, theo phim ảnh, học đòi, cuối cùng rồi làm khổ con, vì nó đi học, bạn bè trêu chọc quá, có đứa muốn bỏ học vì xấu hổ. Đây, mới cải chính ALăng Thị Thiên Thân A Sở sinh 30/1/2010 thành ALăng Thị Kiều Oanh”.
A Vương, A Tiêng, A Nông, những xã của người Cơ tu huyện Tây Giang - Quảng Nam, gần 10 năm trước rộ lên nạn đặt tên con theo phim Tàu, Hàn Quốc, Mỹ, rồi đặt theo tên... xe máy, khi học sinh nhập học, các thầy cô té ngửa vì thấy toàn ALăng, Briu, BhLing, Pơ Loong (họ của người Cơ tu) đứng trước những cái tên Wave, Suzuki, Hansen, Linda, Robe, Bao Công, Triển Chiêu…
Tên trùng loạn lên, chẳng phân biệt được đứa nào. Nhưng “đỉnh” nhất vẫn là chị em Pơ Loong Thị San Ốc và Pơ Loong Thị San U ở xã A Tiêng, mấy năm trước được báo chí săn lùng vì tên lạ xuất hiện lần đầu. Chị học lớp 9, em học lớp 7 trường nội trú huyện. Học giỏi có tiếng.
San Ốc cười tươi khi được hỏi tên mình: “Lúc đầu đi học, buồn lắm vì bạn bè trêu, về nhà kể bố mẹ nghe, bố mẹ cũng buồn, thấy vậy con không kể nữa, giờ cũng quen rồi. Xuống Tam Kỳ đi thi vẽ, thấy tên lạ, nhiều bạn tìm đến hỏi thăm, cũng vui…”. Ba của hai cô bé là anh Pơ Loong Huân, cán bộ UBND xã A Vương. Chớp chớp mắt, cười mà không giấu được gượng gạo, anh nói như liều: “Xem phim Mối tình đầu lúc chưa có vợ, thấy hay quá, lúc sinh con thì đặt luôn”. “Sao không cải chính?”. “Thôi”.
Tôi không thể cười được khi thấy giấy khai sinh con của chị A Lăng Thị Hon, thôn Xà Ơi 3, xã A Vương, là BhLing Thị Hão Huyền. “Cha mẹ ép tảo hôn, buồn đời nên mẹ đặt tên con là vậy” - anh Ngự buồn rầu, chìa tiếp giấy khai sinh nữa: “A Rất Pikachu, sinh 18/7/2014, con của A Rất Pứ, thôn T’ghêy. Không biết Pikachu là cái chi”. Đó là phim hoạt hình Nhật Bản.
“Tôi đi vận động, nói ai đặt tên không theo truyền thống Cơ tu, tôi không làm khai sinh cho, có người sợ, nhưng có người cãi, xem báo thấy diễn viên, ca sĩ ở Hà Nội, Sài Gòn cũng lấy tên nước ngoài, múa hát hay, nhiều tiền, được hâm mộ quá trời, sao không kêu la”. Người Cơ tu đặt tên, thường chỉ có một âm tiết, nên khi ta hỏi tên họ, thường nhận được câu trả lời cụt ngủn. Bây giờ thì đã bắt đầu lê thê, Kinh hóa, tây hóa.
Mỗi người có một cái tên. Cái tên không làm nên con người, nhưng nó định vị là anh, là chị, là bạn, là tôi. Tên mình, đâu chỉ là tên riêng của mình, mà nó còn là của mẹ cha. Vì thế, không thể biến niềm tự hào sâu thẳm không lời ấy thành trò cười. Cái chi của mình thì giữ, cớ chi mà sao chép, học đòi, vay mượn.
Đặt tên con tùy hứng, vô tình, vui chơi mà hậu quả không hề hay biết. Gán cho con, cho chính mình một biệt danh, hỗn danh xa lạ, rổn rảng ở phương trời nào đó mà thành tên thiệt, rồi vỗ ngực lấy làm sướng rằng mình không giống hàng xóm, anh em, thì chẳng đáng tự hào!
Chẳng có luật lệ nào bắt họ phải đặt tên này nọ, nhưng để tự nhận ra ta là ta, để ai đó gọi tên ta, là lập tức gật đầu, ngày càng tưởng dễ khi văn minh tràn ngập, mà hóa ra khó, khi thói học đòi, sính ngoại đã không còn thuốc chữa. Cha mẹ hãy “cải chính” chính mình, mới có cơ may một ngày nào đó gõ cửa tư pháp: cho mình cải chính tên con.
TRUNG VIỆT
đặt tên, gọi tên, khai sinh, hộ tịch